Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã quyết định không tổ chức kỳ thi học sinh (HS) giỏi bậc tiểu học ở cấp quốc gia. Do vậy, kỳ thi này chỉ còn được duy trì ở cấp tỉnh, thành phố và được thực hiện vào khoảng giữa học kỳ 2 của năm học. Một kỳ thì theo nhiều nhà giáo là quá vất vả, tốn kém và không thiết thực. Vật có nên tiếp tục duy trì?
Nên để trẻ em bậc tiểu học phát triển bình thường, học hành bình thường
Bậc tiểu học là bậc học nền tảng vô cùng quan trọng của cả quá trình GD-ĐT. Vì vậy, bậc học này luôn luôn là sự quan tâm đặc biệt của tất cả những người có trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục (GD) của nước nhà, của tất cả các thầy cô giáo tiểu học, các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Bất cứ một vấn đề gì liên quan đến chuyện dạy và học ở bậc tiểu học cũng đều là điểm nóng cô cùng nhạy cảm, khiến dư luận xã hội quan tâm hàng đầu. Chương trình và sách giáo khoa tiểu học được thiết kế theo hướng giảm tải mạnh để phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trẻ thơ. Quan điểm của ngành GD-ĐT là ở lứa tuổi HS tiểu học, các em có thể vừa học, vừa chơi mà vẫn tiếp thu đủ lượng kiến thức cần thiết. Chẳng hạn, việc quyết định không đưa môn ngoại ngữ vào chương trình học của các lớp đầu cấp tiểu học (1+2+3) là chủ trương đúng, có cơ sở khoa học của Bộ GD-ĐT, vì đây là thời kỳ để các em tập trung học tốt tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của mình. Gần đây, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với việc nhiều trường tiểu học (chủ yếu là ở thành phố lớn) tự ý đưa môn ngoại ngữ vào học ngay ở lớp 1, lớp 2 cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.
Ngay cả kỳ thi tốt nghiệp tiểu học có nên duy trì hay không cũng đã và đang là đề tài tranh luận sôi nổi, từ diễn đàn Quốc hội đến công và ngay cả trong ngành GD-ĐT. Dù quan điểm của Bộ GD-ĐT là vẫn muốn duy trì kỳ thi này, như giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trước Quốc hội là: "Đề nghị cho giữ lại kỳ thi, nhằm đảm bảo chất lượng GD, vì kinh nghiệm một số năm trước đây bỏ thi đã dẫn đến hiện tượng không đảm bảo chất lượng dạy và học ở bậc này". Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai: "Nếu thi với hình thức nhẹ nhàng, coi như một kỳ kiểm tra. Làm sao để hiệu quả, không tốn tiền của dân mà chất lượng vẫn đảm bảo". Chủ trương giảm nhẹ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và nếu Quốc hội cho phép sửa đổi Luật GD thì có thể bỏ kỳ thi này, lấy kết quả kiểm tra học kỳ 2 để xét tốt nghiệp như một số tỉnh đã thí điểm có hiệu quả, chắc chắn sẽ là chủ trương được dư luận xã hội đồng tình. Vậy thì tại sao ở các tỉnh, thành phố hiện nay vẫn còn duy trì kỳ thi HS giỏi ở bậc tiểu học?
Chúng tôi ủng hộ ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà khoa học GD là nên bỏ kỳ thi HS giỏi bậc tiểu học. Bởi kiểu thi của chúng ta hiện nay không có tính mục đích rõ ràng, mà chỉ kích thích cho HS nhỏ tuổi một sự ảo tưởng, sa đà vào danh vị hão huyền. Theo các nhà khoa học GD, nhà trường nên tạo cho HS cảm giác hào hứng, thoải mái khi đến trường thay vì phải chịu sức ép nặng nề, hồi hộp, căng thẳng vì những kỳ thi. Những em không đoạt giải chắc chắn sẽ buồn, không tự tin và chán học. Còn một số em đoạt giải lại tự cao, chủ quan trong học tập. Vô tình kỳ thi HS giỏi đã tạo ra một sự tranh đua không lành mạnh, trong khi ở bậc tiểu học tất cả các em đều phải được khuyến khích và động viên học tập tốt.
Thực tế, kỳ thi HS giỏi tiểu học lâu nay được tổ chức nặng về hình thức, HS được luyện thi trước 2-3 năm theo kiểu nuôi "gà chọi", chủ yếu để các trường đua tranh nhau thành tích, hoặc để chứng tỏ là "trường điểm", trường "chất lượng cao"… hơn là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh: "Dù là trường nhỏ, không phải trường điểm của quận nhưng vẫn phải chuẩn bị đội tuyển HS giỏi để đi thi. Từ lớp 3 đã phải ngắm nghía xem em nào có khả năng sẽ đưa vào đội tuyển. Sau đó là phân công giáo viên giỏi của trường kèm cặp các em từ năm lớp 3 đến khi đi thi (lớp 5). Dù không muốn vẫn phải đầu tư, vì không đầu tư không được, không bồi dưỡng thì không bao giờ HS thi đậu. Ở những trường lớn còn mời cả giảng viên trường sư phạm về luyện gà nòi! Rất phiền phức, tốn kém mà chẳng có hiệu quả gì".
Nhiều giáo viên có thâm niên nhiều năm dạy bồi dưỡng cho HS tiểu học đi thi HS cũng cho rằng, nếu các em không được học bồi dưỡng sẽ không bao giờ đoạt giải. Giáo viên không cần phải dạy HS tư duy sáng tạo, chỉ cần luyện để HS trở thành "thợ" đi thi. Chẳng hạn, dạng toán giáo viên cho HS ôn có trúng với đề thi hay không, giáo viên dạy các em cách giải, HS phải làm đi làm lại nhiều lần cho nhuyễn. Chỉ cần nhớ cách giải là làm được bài, không cần phải động não nhiều. Bởi đề thi thường ra lắt léo, giáo viên làm cũng mệt, đừng nói HS mới 10 tuổi, nếu không "học tủ, học vẹt"!
Các thầy cô giáo ở nhiều trường tiểu học còn cho biết, HS đi thi nhưng giáo viên cũng căng thẳng như bị đặt lên bàn cân. Nếu HS không đoạt giải, không những bị đồng nghiệp, ban giám hiệu trường coi thường mà còn rất ngại khi gặp phụ huynh. Nhiều trường còn quy định khen thưởng dựa trên số lượng HS đoạt giải, giải cao hay thấp… Kết quả kỳ thi không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn cả vật chất (lương thưởng) đối với giáo viên.
Vì sao các trường tiểu học hiện nay, dù không muốn, vẫn phải âm thầm, khó nhọc luyện "gà chọi" cho các kỳ thi HS giỏi? Đó là vì bệnh thành tích đã thành nan y trong việc quản lý GD từ cấp trường, cấp quận trở lên. Tổng kết năm học, bao giờ người ta cũng xem trường đó năm học này có bao nhiêu HS giỏi cấp quận, cấp thành phố. Phụ huynh và xã hội cũng trông vào thành tích để gửi gắm con cái vào học. Trường càng có nhiều HS giỏi, càng chứng tỏ là trường điểm, trường chuẩn, trường chất lượng cao. Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã kiên quyết xóa bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Nhưng các trường chuyên, lớp chọn này lại biến tướng thành trường điểm của quận, của thành phố hoặc trường chất lượng cao. Trong khi bậc tiểu học là bậc phổ cập cho tất cả trẻ em trong lứa tuổi, bậc học được miễn học phí hoàn toàn. Vậy thì trường nào là trường không chất lượng cao, không trọng điểm? Những HS nào sẽ học ở những trường này, những thầy cô giáo nào sẽ phải dạy ở những trường "bị phân biệt đối xử" này? Một khi, đa số phụ huynh vẫn còn thích con em mình phải là HS giỏi, HS xuất sắc (dù là thành tích ảo) thì căn bệnh thành tích này ở các trường tiểu học, các phòng GD-ĐT… có thể vẫn chưa có phương thuốc đặc trị nào chữa khỏi (!?).
Có lẽ, ngành GD-ĐT đã đến lúc phải chấp nhận biện pháp "thuốc đắng dã tật", không thể nuối tiếc mãi một thứ thành tích ảo, không có hiệu quả gì trong công tác GD-ĐT. Theo bà Nguyễn Hoa Mai - Trưởng phòng GD tiểu học (Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh): "Nên nhẹ nhàng việc thi cử cho con trẻ và bỏ bớt kỳ thi. Không nên thực hiện quá nhiều kỳ thi, tạo sự căng thẳng không cần thiết cho cả phụ huynh lẫn HS, mà còn tốn kém tiền của xã hội, Nhà nước. Bậc tiểu học không chỉ tiếp thu kiến thức cơ bản mà còn là cấp học để hình thành nhân cách của HS. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang có xu hướng đào tạo cho tất cả HS phải có tinh thần cộng đồng, biết phương pháp làm việc chung, biết chia sẻ với bạn bè… Không nên tổ chức thi chọn HS giỏi ở bậc học đầu đời này. Tránh áp lực thi cử cho cả HS, thầy cô giáo lẫn phụ huynh…".
Nên xóa những giấc mơ "trạng nguyên"!
Trong khi dư luận xã hội cũng như các nhà giáo, nhà khoa học GD trong cả nước đang sôi nổi kiến nghị ngành GD-ĐT không nên tiếp tục duy trì kỳ thi HS giỏi bậc tiểu học (thậm chí, còn kiến nghị bỏ luôn cả kỳ thi tốt nghiệp tiểu học), vì gây sức ép căng thẳng, nặng nề không cần thiết cho cả thầy lẫn trò, tốn kém tiền bạc của nhân dân, của Nhà nước… thì Vụ GD tiểu học (Bộ GD-ĐT) lại phối hợp với một tờ báo viết cho trẻ em tổ chức một hội thi với quy mô toàn quốc để tuyển chọn "trạng nguyên"! Để cho cuộc thi gây ấn tượng mạnh, Ban tổ chức còn đưa HS vào hẳn Văn Miếu - Quốc Tử Giám (thủ đô Hà Nội) để so tài. Tuy đây không phải là kỳ thi có tính quốc gia trong hệ thống GD quốc dân, không phải là kỳ thi có tính lựa chọn nhân tài từ kiến thức, học lực của HS trong trường tiểu học nhưng những HS được chọn từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trước khi được bước chân vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham dự "vòng thi chung kết", cũng đã phải "lao tâm, khổ tứ" để có thể "vượt vũ môn" qua kỳ sơ khảo, với 4 môn thi viết: toán - tiếng Việt - tự nhiên xã hội - ngoại ngữ.
Chúng tôi không được chứng kiến kỳ thi "trạng nguyên" này nhưng chắc chắn đã thi là có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh với nhau và giữa các đơn vị GD (sở GD-ĐT các tỉnh) với nhau. Các tỉnh, thành phố đã phải bỏ công, bỏ của ra để tuyển chọn được một "đội tuyển" mang màu cờ sắc áo" của địa phương mình về thủ đô ứng thí, đương nhiên đều mong muốn HS nhà mình phải đoạt giải. Và cuối cùng thì cũng đã có "trạng nguyên", "bảng nhãn", "thám hoa"… thời công nghiệp hóa được "ban mũ áo" xênh xang ngay tại nơi thi Hội ngày xưa! Những "trạng nguyên" tuổi lên 10 vô tư sung sướng, thầy cô phụ trách tự hào, thỏa mãn, phụ huynh hả lòng hả dạ vì con trẻ thần đồng (!). Dĩ nhiên, cũng có hàng trăm "sĩ tử" khác phải ngậm ngùi lều chõng, ra về tay trắng, dù tiền bạc, công sức của cả thầy trò, gia đình đã bỏ ra không ít.
Có thể ban tổ chức rất thiện chí khi mở cuộc thi mang tính khuyến học này với mong muốn "GD cho các em truyền thống hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó của cha ông…". Nhưng đưa cuộc thi này vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hoàn toàn không nên. Sự học ngày xưa nặng về văn chương sách vở, thi cử để ra làm quan là mục đích cơ bản. Hiện nay, ngành GD ứng thí, giảm bớt các kỳ thi không cần thiết trong nhà trường, đặc biệt là bậc tiểu học. Ngay kỳ thi HS giỏi tiểu học đã tồn tại từ lâu nay cũng đang được đề nghị xóa bỏ, để giảm sức ép thi cử cho học trò. Vậy mà Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) lại tổ chức thêm một lại đứng ra tổ chức thêm một cuộc thi cho HS tiểu học với các giải thưởng: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa… Một cuộc thi mang tâm toàn quốc như thế này chắc chắn sẽ rất tốn kém, căng thẳng cho HS, cho nhà trường và phụ huynh, dù cuộc thi có thể chỉ mang tính phong trào, do một tờ báo dành cho trẻ thơ khởi xướng và hợp tác với một vụ chức năng quan trong của Bộ GD-ĐT.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã từng day dứt: "Mỗi lần thi là tốn kém hàng tỉ đồng, chưa nói đến sự căng thẳng, vì mỗi lần thi "đẻ" ra nhiều tiêu cực, thi là hình thức, vậy thi để làm gì?". Cần phải xóa những giấc mơ "trạng nguyên" ra khỏi đầu óc non thơ của các em HS tiểu học. Đứng ép các em cứ phải xuất sắc, phải giỏi, phải đoạt giải này, giải kia… Đừng tước mất sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của các em.
Đoàn Quốc Toàn (TG mới)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.