Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên quy định cá nhân được đề nghị trưng cầu ý dân?

Vân An| 03/06/2015 16:53

(HNMO) – Chiều 3/6, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật trưng cầu ý dân đã đề cập đến quy định về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu đề nghị, dự luật cần quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. Đồng thời, dự luật cần cụ thể hóa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.

Đại biểu Lưu Thành Công - Vĩnh Long đề nghị thêm, để đảm bảo trưng cầu không xâm phạm quyền con người, an toàn xã hội, an ninh quốc gia, dự luật nên chế định một số vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân như thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia.

Về trình tự và thủ tục của quá trình trưng cầu ý dân, một số ý kiến cho rằng, dự án luật phải trả lời được các câu hỏi lớn gồm: Điều kiện trưng cầu ý dân, khi nào trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân là gì, ai là người đề nghị trưng cầu ý dân, chủ thể quyết định thời điểm, thời gian và nội dung, xử lý sau khi trưng cầu ý dân, chủ thể công nhận kết quả trưng cầu ý dân…



Liên quan đến chủ thể có quyền trưng cầu ý dân, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là có nên cho phép Chủ tịch nước, Thủ tướng có quyền trưng cầu ý dân hay không.

Một số đại biểu cho rằng, nếu quy định các vị trí này có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là vi hiến.

Theo đại biểu Phạm Quang Nghị - Hà Nội, dự luật chỉ nên quy định các cơ quan, tổ chức mới được quyền đề nghị trưng cầu dân ý, chứ không nên quy định cá nhân. Đại biểu cho rằng, thể chế chính trị của nước ta là nhân dân làm chủ, vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy, việc đề nghị trưng cầu ý dân nên thông qua các cơ quan, trong đó có Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Các đại biểu Lê Văn Lai - Quảng Nam, Trịnh Ngọc Thạch - Hà Nội cũng nhất trí đề nghị, Hiến pháp giao Mặt trận quyền giám sát, phản biện, đại diện thì luật cũng nên giao quyền đề nghị trưng cầu ý dân cho Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ quy định cá nhân được quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Theo các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – TP Hồ Chí Minh, Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh, ngoài Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nên có quyền đề nghị trưng cầu ý dân bởi thực tế, có những vấn đề Thủ tướng thấy cần nhưng chưa chắc Chính phủ ủng hộ. Vì vậy, nên quy định vai trò của Thủ tướng được đề nghị vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân. Quy định như vậy cũng không vi hiến vì cuối cùng, Quốc hội vẫn là cơ quan quyết định.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng tán thành phạm vi trưng cầu ý dân chỉ tiến hành trên toàn quốc, không tiến hành ở phạm vi địa phương và cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành sẽ được công bố để thi hành.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo – Hà Nội đề nghị làm rõ thêm, sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, cơ quan nào sẽ công bố kết quả? Kết quả này có được trình ra Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không?BTVQH công bố? Theo ông, kết quả phải được Quốc hội phê chuẩn mới có giá trị.

Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều nay, các đại biểu đã góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Các đại biểu nhất trí đánh giá, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật hàng hải Việt Nam là cần thiết, tạo chuyển biến căn bản, đột phá cho ngành hàng hải nước ta phát triển, tương xứng với vị trí, tiềm năng biển, để nước ta trở thành “quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển” như đã được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Để thúc đẩy ngành hàng hải phát triển mạnh mẽ, bền vững, các chính sách phát triển hàng hải cần có sự đồng bộ. Đồng thời, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành hàng hải, khắc phục sự yếu kém dẫn đến thua thiệt của các doanh nghiệp Việt Nam trong tranh chấp quốc tế về hàng hải; có cơ chế cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không thực sự cần thiết phải có sự tham gia của Nhà nước thì nên giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, về nhân lực của xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên quy định cá nhân được đề nghị trưng cầu ý dân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.