(HNM) - Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được vận hành khá lâu. Việc trích lập, sử dụng nguồn quỹ này được tính toán dựa trên những biến động của thị trường và thông báo đến các doanh nghiệp đầu mối thực hiện.
Tính đến trước thời điểm 15h ngày 17-4-2019, Quỹ Bình ổn giá tại Petrolimex đang âm 240 tỷ đồng. Trước đó 2 tuần (ngày 2-4), doanh nghiệp này cho biết quỹ còn dư 9,6 tỷ đồng, ngày 18-3 là 655 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, quỹ này của Petrolimex liên tục giảm. Trong khi đó, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh khá mạnh. Cụ thể, xăng E5 RON92 tăng 1.115 đồng/lít, giá mới là 19.703 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.484 đồng/lít, giá mới là 21.235 đồng/lít…
Theo liên bộ Tài chính và Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua đã nhích lên, trong đó xăng RON92 để pha chế xăng E5RON92 tăng 2,986 USD/thùng so với kỳ trước, xăng RON95 cũng tăng 3,374 USD/thùng. Do vậy, nhằm bảo đảm giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng chịu đựng của quỹ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…, nên giá xăng có sự điều chỉnh như trên. Thế nhưng, điều hành giá xăng, dầu bằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn với mức lớn khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó.
Lý giải về điều này, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương đầu tháng 4-2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về điều hành giá xăng dầu, đã được quy định rõ trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 3-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Liên ngành Công Thương - Tài chính theo đó áp dụng và chỉ điều tiết giá qua điều chỉnh mức trích quỹ. Theo đó, quỹ này được trích 300 đồng mỗi lít xăng dầu khi nhập về, nằm ở doanh nghiệp đầu mối. Việc trích Quỹ Doanh nghiệp được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, có doanh nghiệp mới thành lập, quỹ kế dư chưa nhiều, khi trích nhiều sẽ bị âm...
Thực tế cho thấy, kinh doanh xăng dầu từng được xem thuộc độc quyền của Nhà nước. Nhà nước thực hiện vai trò chi phối thông qua quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như phân phối của 11 doanh nghiệp đầu mối, trong đó Petrolimex chiếm trên 60% thị phần. Căn cứ từ biến động thị trường, cơ quan quản lý sẽ ấn định mức giá tăng, giảm trong dư địa trên dưới 10%. Năm 2008, điều hành xăng dầu có bước ngoặt mới khi giá bán lẻ được định hướng vận hành theo cơ chế thị trường. Các nghị định lần lượt ra đời cho phép doanh nghiệp tự quyền quyết định giá bán. Nhà nước chỉ giữ vai trò kiểm soát và can thiệp khi thị trường có biến động. Doanh nghiệp phải công khai cách tính giá, mỗi lần điều chỉnh phải báo cáo Tổ giám sát liên bộ với vai trò chủ yếu của Bộ Tài chính và Công Thương. Để ổn định thị trường, năm 2009 Quỹ Bình ổn giá được thành lập. Quỹ này được trích từ giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu, được đặt tại doanh nghiệp và chỉ được sử dụng để bình ổn giá theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Bày tỏ quan điểm của mình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không muốn tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tốt nhất là nên bỏ quỹ này để giá xăng dầu vận hành theo thị trường. Nhưng, thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất thị trường, vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên vẫn cần phải có Quỹ Bình ổn”.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận, tác động ngay vào CPI của tháng đó. Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng "sốc". Quỹ Bình ổn giá nên dự phòng cho những lúc khác quan trọng hơn trong năm, nhất là cuối năm, hoặc sau khi tăng giá điện theo lộ trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.