Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên đòi hỏi thái quá?

Thanh Phong| 01/06/2014 06:40

Liên hợp quốc đã ra Công ước về Quyền trẻ em; Đảng, Chính phủ Việt Nam và các tầng lớp xã hội cũng luôn chăm lo, bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, thực tế đời sống cho thấy HS cần phân biệt giữa quyền được chăm sóc chính đáng với sự đòi hỏi thái quá. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, chúng ta hãy cùng nghe các em nói về điều này nhé.

Em Trần Hoàng Nga (HS lớp 8H, Trường THCS Trần Mai Ninh):

- Em được biết quyền cơ bản của trẻ em là được sống, được học hành và được chăm sóc một cách lành mạnh, an toàn. Chúng em có quyền được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển về thể chất, tinh thần, được đáp ứng các điều kiện về học

tập, vui chơi… Nhưng nhiều bạn thường nghĩ sai về quyền của mình, đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng mọi yêu cầu mà mình đặt ra như mua xe đạp "xịn" để đi học, cho nhiều tiền tiêu vặt, mua quần áo đắt tiền… Theo em, khi đòi hỏi người lớn đáp ứng nhu cầu, các bạn cần xem xét xem nhu cầu ấy có chính đáng không, có phù hợp với điều kiện của gia đình mình hay không. Ngoài ra, HS cần phải thực hiện nghĩa vụ của mình là học hành chăm chỉ, vâng lời dạy bảo của người lớn để đáp lại sự chăm lo của gia đình và xã hội dành cho mình.

Em Nguyễn Thu Hương (HS lớp 9A3, Trường THCS Ngọc Lâm):

- Trẻ em cần được cha mẹ yêu thương để có thể phát triển hài hòa; có quyền được bảo vệ, quyền được tham gia, được tự do bày tỏ quan điểm về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình… Bố mẹ đôi khi áp đặt suy nghĩ của mình. Khi chúng em yêu cầu được làm một việc gì đó, cách từ chối thường được thể hiện theo kiểu ra mệnh lệnh như "con không được phép", "bố mẹ cấm con" thay vì lời giải thích ngọn ngành. Những lúc đó, em cảm thấy rất buồn vì nghĩ rằng bố mẹ không để ý đến quyền bày tỏ ý kiến cá nhân của em.

Cô Nguyễn Thu Giang, phụ huynh HS (ngách 211/18 Khương Trung, Hà Nội):

- Hiện nay, ngay cả phụ huynh nhiều khi cũng không phân biệt được sự khác nhau giữa quyền lợi chính đáng của trẻ em với sự vòi vĩnh. Nếu con có ý kiến hoặc hành động trái ý của bố mẹ là sẽ bị mắng, khiển trách. Nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn, ngoại thành còn bị cha mẹ bắt lao động, bị đánh đập, không được đi học. Trong khi đó, trẻ em cũng có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình, bố mẹ nên biết lắng nghe và phân tích cho con hiểu việc gì đúng, việc gì sai chứ không nên mắng mỏ hay có hành vi bạo hành nhằm tránh làm tổn thương con.

Điều quan trọng là người lớn không nên nuông chiều trẻ một cách thái quá, dù có điều kiện đến mấy thì cũng không nên đáp ứng tuyệt đối yêu cầu mà trẻ đề ra, không để trẻ hành động tùy ý. Tốt nhất là định hướng hành vi của trẻ một cách tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên đòi hỏi thái quá?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.