Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có nên để các nguyên thủ ASEM mặc áo "lưỡng long chầu nguyệt"?

HONGHAI| 12/09/2004 09:05

"Lưỡng long chầu nguyệt" vốn chỉ là một môtíp dùng để thờ cúng, chuyên trang trí ở đình chùa đã bị hiểu lầm và suy diễn cảm tính để có thể được dùng làm "trang phục Việt truyền thống" cho các nguyên thủ ASEM mặc. Để làm trang phục cho các nguyên thủ họp mặt ASEM, nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã được chọn. Và mới đây bà tuyên bố trên báo chí là dùng hoa văn "lưỡng long chầu nguyệt" để may áo. Bà nói một cách cảm tính rằng "hình tượng lưỡng long chầu nguyệt của thời nhà Nguyễn tượng trưng cho sự đoàn kết, thái hoà, thịnh vượng"; rằng đây là "một hình tượng rồng thuần Việt"...

Không thuần Việt

Ai đã qua chợ Lớn ở TPHCM, hẳn thấy trên nóc các ngôi chùa người Hoa đều chạm hình "lưỡng long chầu nguyệt". Đền chùa người Việt cũng phổ biến như vậy. Và mặc dù mẫu "lưỡng long chầu nguyệt" được dùng khá phổ biến ở Huế, đời Nguyễn, thì không hẳn là chỉ đời này mới dùng. Đơn cử một thí dụ. Theo nhà Việt Nam học nổi tiếng người Pháp Hippolyte Le Breton (trong cuốn Le vieux An-Tịnh, trích từ Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1936), đình Hoành Sơn ở Nam Đàn (Nghệ An) dựng từ đời Lê Hiến Tôn (1740-1786) đã có những bức chạm khắc tuyệt đẹp chạm rồng chầu nguyệt (Planche 139 và 140, tr.131); đền Vua Bà (dựng thời Tây Sơn) ở vùng Ghềnh Đá, Nam Đàn cũng có một bức chạm "lưỡng long chầu nguyệt" rất đẹp khiến ông phải mê mẩn (Planche 155, tr.157).

Điều đáng nói là  Le Breton đều gọi những môtíp này là sino-annamite (không tách bạch được đâu là Việt, đâu là Trung Hoa). Đây chẳng phải là không có lý, bởi lẽ cũng trong đình Hoành Sơn hay đền Vua Bà, các bức chạm khắc bố trí đăng đối với bức lưỡng long chầu nguyệt đều được vẽ theo các tích Trung Hoa như "Minh Hoàng du nguyệt cung", "Trúc Lâm thất hiền", "Long Mã phụ đồ"...

Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây, báo Thể thao Văn hoá ngày 7.9 đưa tin một loại hộp bánh trung thu nhập từ TQ có giá 3,8 triệu đồng, trên hộp có chạm hình "song long tranh châu". "Lưỡng long tranh châu" đã là của Trung Hoa thì "lưỡng long chầu nguyệt" gượng ép lắm cũng chỉ là sino-annamite được thôi chứ là đặc trưng "của thời nhà Nguyễn" và là "hình tượng rồng thuần Việt" thì khó quá!

Không hợp với vua chúa

"Lưỡng long triều nguyệt" (Hán tự "triều" nghĩa là "chầu" nên còn gọi là "lưỡng long chầu nguyệt") và "lưỡng long tranh châu" là những môtíp thường thấy trên các mái nhà, trạm trổ, hoa văn ở đình chùa, miếu vũ ở Huế. "Lưỡng long tranh châu" gồm có hai con rồng nằm ngang hai bên, ở giữa là "quả cầu lửa" mà theo một số nhà nghiên cứu thì là viên ngọc, nên còn gọi là "Rồng giỡn hột châu" (có người còn cho là hoàng ngọc) hoặc là mặt trời (nên gọi là lưỡng long triều nhật). Môtíp này tả 2 con rồng nhe răng giành nhau hột ngọc ở giữa, và theo học giả Bùi Minh Đức, đây là một biểu hiện vương giả với chí khí tranh hùng tranh bá. Vì vậy, môtíp này có thể được vua dùng. Trong mẫu áo của Càn Long, phía diềm dưới ta có thể thấy một đôi rồng nằm ngang giỡn châu ở giữa.

Tuy nhiên, "lưỡng long triều nguyệt", mẫu mà theo đó bà Minh Hạnh dùng trong trang phục cho nguyên thủ ASEM, lại khác. Theo chính mẫu của học giả nổi tiếng Cadiere trong cuốn sách "L'Art à Hué", hai con rồng ở đây đuôi chổng lên đầu chúc xuống ngước lên chầu mặt trăng ở trên cao (Planche 121: les deux dragons rendant hommage à la lune) với một vẻ thần phục. Đây là môtíp chỉ thấy dùng trong trang trí tôn giáo ở đình chùa đền miếu. (Văn Miếu dựng từ thế kỷ 17 cũng có biểu tượng này).

Trong tư duy triết học Trung Hoa, rồng là biểu tượng của tính dương, mặt trăng là thái âm. Rồng chầu trăng là rồng đã bị âm chế. Đây chính là rồng ở hào đầu trong Kinh Dịch: Tiềm long vật dụng, nghĩa là Rồng lặn chớ dùng. Đây là con rồng vẫn còn tiềm ẩn, như bậc đại nhân thuở hàn vi phải nấp bóng. Cho nên ngoài bà Minh Hạnh, chưa thấy ai dùng môtíp này thêu trên quần áo, bậc vua chúa lại càng đại kị. Không phải ngẫu nhiên mà mẫu "lưỡng long triều nguyệt" kinh điển của Cadiere chỉ là rồng 4 móng (tức là con mãng), không phải là 5 móng (biểu tượng rồng của vua chúa).

Vì khuôn khổ bài báo có hạn, xin không đề cập đến việc không hợp lý khi nhà tạo mẫu gọi đây là "trang phục Việt" (nên gọi trang phục Minh Hạnh thì hơn). Chỉ xin lưu ý rằng việc dùng một biểu tượng thờ cúng (và không thuần Việt) cho trang phục các nguyên thủ là không hợp. Đó là chưa kể đến về mặt lễ tiết ngoại giao, họ sẽ nghĩ gì khi người VN cho họ mặc áo có hình rồng bị quy phục, bị âm chế? Ai là rồng bị thần phục đây? Còn ai là mặt trăng đây? Đó là chưa kể hình tượng rồng ở phương Tây là một con vật hung ác, dễ gây ác cảm. Và nhỡ có vị nguyên thủ từ chối không mặc thì sao... Đây là vấn đề thể diện, nghiêm cẩn, thiết nghĩ các cơ quan hữu trách nên xem xét, kẻo khi mỡ đã ngấm vào bột bánh thì đà quá muộn.

Theo LĐ

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên để các nguyên thủ ASEM mặc áo "lưỡng long chầu nguyệt"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.