Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một thôn người Hà Nội nơi xứ Lạng

Nguyễn Ngọc Giao| 13/07/2013 07:04

(HNM) - Đó là thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là nơi sinh sống của một cộng đồng người Hà Nội...

Năm 1961, Yên Vượng là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Hữu Lũng, diện tích tự nhiên xấp xỉ 40km2, đất nông nghiệp chiếm ngót 1/10, với gần 200 hộ và khoảng 1.000 dân. Số hộ đói nghèo chiếm quá nửa, hằng năm, chín tháng ăn ngô thay gạo. Cách quốc lộ 1A chừng 5km nhưng xã chỉ có con đường đầy đá tảng, ổ trâu, ổ bò… làm huyết mạch lưu thông với bên ngoài, các tuyến đường tới thôn xóm chủ yếu là đường mòn, quanh co, lầy lội… Những địa danh trong xã mới nghe đã sởn gai ốc, nào là Lân Trà (toàn lợn rừng), Hang Hùm, Mỏ Tối, Hút Cùng... Câu cửa miệng: "Trăm cái tội, không bằng cái tội Làng Lâm" đã khiến người các xã dọc quốc lộ gọi người Yên Vượng là: "Dân trong đèo", với hàm ý là đã đói nghèo lại "ngẩn ngơ".

Đường bê tông liên thôn xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.



Thế nhưng đến một ngày, chỉ trong vòng một tháng trời bỗng đâu ô tô tới tấp đưa tới gần một ngàn người, toàn thanh niên con trai con gái và khá đông cán bộ tới cái nơi “khỉ ho cò gáy” ấy. Các ké, các mế thốt lên: "Hây dà! Lũ con trai, con gái này đông hơn cả dân xã minh rồi lố". Mô hình tổ chức của đoàn người đi khai hoang này cũng khá cồng kềnh. Không ra dáng dấp của một nông trường, cũng không hẳn là một HTX nông nghiệp cao cấp, mà lại là HTX khai hoang Sơn Đông cho phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của nó. Đấy là cái tên mang dấu ấn lịch sử do hai tỉnh Lạng Sơn và Hà Đông đặt ra để đánh một dấu son cho tình đoàn kết gắn bó.

HTX Sơn Đông ngày ấy có quy mô khá lớn cả về tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý điều hành và lực lượng sản xuất. Đích thân Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Đông Nguyễn Hữu Thụ làm Trưởng ban cán sự khai hoang tỉnh, trực tiếp chỉ đạo HTX Sơn Đông; Thường vụ Tỉnh ủy Trần Hữu Trọng làm Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Ty Nông nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Hạnh làm Chủ nhiệm HTX, ngoài ra còn có khá đông cán bộ ưu tú của các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện… đảm trách các chức vụ trong HTX. Công việc trọng tâm của xã viên (thực ra gần như là thanh niên xung phong) là khai phá đất để sản xuất. Để bớt đi gánh nặng của ngân sách nhà nước, HTX còn tổ chức thêm một bộ phận chuyên sản xuất, chế biến đồ gỗ (vì khá dồi dào gỗ nguyên liệu), nung vôi, làm gạch ngói. Chị em phụ nữ có tay nghề thì khâu nón, đan lát mây, tre, nứa… đặc biệt có đội thanh niên xung kích chuyên xây dựng các công trình thủy lợi và mở mang các tuyến đường đi lại trong nội bộ HTX. Nổi bật nhất là hai công trình trọng điểm trong kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở: Trạm thủy điện Đèo Rồng và công trình thoát nước Đèo Phiếu. Người ta đã xây một đập ngăn nước ở hạ lưu thác Đèo Rồng rồi đặt máy phát điện. Trạm thủy điện chỉ với công suất trên dưới 10kw/h lúc đó đã được coi là một thành tích khá ấn tượng. Nhưng mương thoát nước Đèo Phiếu mới thực sự để lại dấu ấn cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, chỉ với hai bàn tay trần cùng với xà beng, choòng thép… dân Sơn Đông đã cắt xẻ cả một vách đá chắn ngang thung lũng Đèo Phiếu, sau đó lại xẻ dọc cả thung lũng đá dài chừng nửa cây số làm mương thoát nước. Hơn trăm ngàn khối đá đã được đập, phá, đào, bới, vận chuyển chỉ bằng những đôi tay trần.

Khi HTX Sơn Đông phát triển đến đỉnh cao, ngày 8-3-1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm. Thủ tướng nói chuyện với cán bộ và anh chị em thanh niên ngay giữa cánh rừng đang khai phá, động viên ý chí quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khai hoang của HTX Sơn Đông. Cuối năm 1963, sau khi đã khai hoang được khoảng vài trăm héc ta đất và xây dựng một số công trình hạ tầng cơ sở, ban quản trị HTX rút về dần. Hầu hết số thanh niên khai hoang tiền trạm cũng được điều đi các nông trường, xí nghiệp, thay vào đó là các hộ gia đình từ Hà Đông đến tiếp nhận cơ ngơi, chủ yếu là đất đai để xây dựng quê mới.

Vượt qua thời gian khó, xây dựng quê hương ấm no

Đến năm 1980, HTX Sơn Đông đã thu hẹp quy mô về nhiều mặt, nhất là về tiềm lực kinh tế. Trăm ngàn cái khó, cái lạ… phát sinh và đáng sợ nhất là nỗi day dứt nhớ về quê cũ, đã có một số hộ bỏ về quê. Sơn Đông lúc này đang ở một tình thế vô cùng gay go, không chỉ là nghèo nữa mà là đói, kể cả cái khát rình rập hằng ngày. Người ta cho rằng các vị cán bộ trước đây đã phiêu lưu đến một vùng đất ba không: không có ruộng, không có nước, không có đường đi và thị trường mua bán… chỉ có rừng xanh, núi đá và đất bạc màu. Thậm chí có người còn độc miệng cho rằng cán bộ đã "mang con bỏ chợ". Tính đi tính lại, chi bộ thôn và Ban quản trị HTX đi đến quyết định: Dựa vào nghề nghiệp sẵn có trong khá đông gia đình và một số cán bộ, thanh niên ở lại chuyển dịch từ HTX nông nghiệp sang làm nghề thủ công. Với nguyên vật liệu khá dồi dào là củi, gỗ, đá, đất đai, HTX xây dựng lò nung vôi, lò gạch, ngói, làm nón lá, đan lát mây tre và làm mành trúc xuất khẩu. Ròng rã dễ đến hơn 10 năm, từ người nông dân đồng bằng đi xây dựng quê hương mới đã biến thành người thợ thủ công chuyên sản xuất hàng hóa, xây dựng, tiêu dùng… ở miền núi. Thế rồi gỗ, củi cũng cạn dần. Lấy gì để đốt lò vôi, lò gạch? Người ta mua than thay thế củi, nhưng lỗ chổng vó. Nón, nan, mây tre đan, mành trúc xuất khẩu cũng không tìm được đầu ra. Bí bách đến nỗi người ta đã tính đến chuyện di chuyển cả cái cộng đồng này đến một địa điểm mới. Rất may điều đó đã không xảy ra.

Đầu những năm 80, trong khi đất nước đang gặp những khó khăn về kinh tế, dẫn đến việc tan rã của rất nhiều HTX. Thôn Sơn Đông được thành lập lại trên cơ sở toàn bộ đất và người của HTX thủ công Sơn Đông, nhưng kẹt nỗi đất đã bỏ hoang và chuyển giao khá nhiều. Chi bộ kịp nhận ra tình hình và ngay lập tức đề ra chủ trương, phương hướng phù hợp với tình hình mới, đó là lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, hướng tới mô hình VAC, tranh thủ làm thêm nghề phụ, mở các dịch vụ và buôn bán nhỏ. Tiếp đó cán bộ, nhân dân trong thôn đã mạnh dạn đề nghị với Đảng và chính quyền địa phương trao lại số đất đai bỏ hoang, nên nhân dân địa phương phục hóa. Với lòng thương yêu đùm bọc và tình nghĩa anh em chung sống từng ấy năm trời, Đảng ủy và chính quyền xã đã vận động bà con địa phương hoàn trả phần lớn số đất đai này. Một việc tưởng như không bao giờ làm được, mà nếu có làm được cũng sẽ xảy ra bao nhiêu "khổ nạn". Thế nhưng việc trao trả lại hết sức nhẹ nhàng, thể hiện tình đoàn kết, thương yêu trên cơ sở lý tình và hòa hợp. Khi Luật Đất đai 1993 ra đời, xã Yên Vượng lại là một trong những xã đầu tiên tiến hành đo đạc ruộng đất, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho nông dân và 100% số hộ thôn Sơn Đông đã có sổ đỏ. Đánh giá về quá trình xây dựng và phát triển của thôn Sơn Đông hơn 50 năm qua, lãnh đạo Đảng bộ huyện Hữu Lũng ghi nhận: Số hộ đồng bào miền xuôi (Hà Đông) lên Hữu Lũng khai hoang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mở mang diện tích canh tác, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển địa phương…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một thôn người Hà Nội nơi xứ Lạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.