(HNM) - Sau hàng loạt vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, điển hình là vụ Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) gần đây, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về sự an toàn của hệ thống ngân hàng, vốn được coi là ngành xương sống của nền kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động ngân hàng?
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. |
Những lỗ hổng cần khắc phục
Không cần thiết phải lật lại tất cả những vụ việc trước đây liên quan đến hoạt động ngân hàng, chỉ cần nhìn vào vụ án của VNCB mới đây cũng khiến nhiều người giật mình. Mặc dù phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB) và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng đã kết thúc, nhưng câu hỏi: Tại sao những thành viên của VNCB lại có thể gây án với số tiền thất thoát lớn như vậy? vẫn treo lơ lửng!
Với cái tên lúc đầu là Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến (được thành lập năm 1993), rồi chuyển thành Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank), sau 23 năm hoạt động, đến tháng 5-2013 Tập đoàn Thiên Thanh và một số cổ đông tham gia góp vốn, tái cấu trúc Trust Bank để đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB. Bất chấp đã qua thời kỳ tái cấu trúc, VNCB vẫn bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải xin ý kiến của Tổ giám sát NHNN đặt tại ngân hàng này.
Có Tổ giám sát NHNN với quy định khá ngặt nghèo như vậy, nhưng Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh vẫn lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát VNCB; cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, lãi ngoài và chi tiêu cá nhân, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Bản án cho Phạm Công Danh và đồng phạm đã được tuyên, nhưng vấn đề là tại sao Phạm Công Danh và đồng phạm có thể làm trái quy định của pháp luật để gây ra hậu quả lớn như vậy? Mặc dù bộ máy nhân sự chủ chốt của ngân hàng này đều bị đánh giá là không có đủ chuyên môn, cũng như tiềm lực tài chính, song không biết lý do gì mà họ vẫn được lựa chọn để tham gia tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém.
Trong hầu hết các phiên xử, hội đồng xét xử đã nhiều lần khẳng định, Phạm Công Danh không có đủ năng lực tài chính như đã cam kết khi tiếp quản Trust Bank. Rõ ràng là từ khâu chọn người để tham gia tái cấu trúc ngân hàng đã sai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Khắc phục lỗi hệ thống
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Từ trước đến nay, hoạt động thanh tra ở Việt Nam mang tính chất tuân thủ, chủ yếu là xem ngân hàng này có thực hiện đúng quy định, có chi vượt trần hay sai quy định không? Nhưng, ở các nước khác (như Hoa Kỳ), họ thanh tra giám sát theo mô hình nhìn tổng thể một ngân hàng từ vấn đề vốn cho đến chất lượng tài sản, quản trị, lợi nhuận, thanh khoản, sự nhạy cảm của thị trường với ngân hàng. Rồi từ đó, sẽ xếp hạng ngân hàng theo hệ thống tiêu chuẩn A, B, C, D…
Còn theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nếu trước đây ngân hàng yếu kém thường được gom lại hoặc được chuyển tới một ngân hàng lớn để tái cơ cấu; với VNCB lại áp dụng một cách thức khác khi đưa một người chưa hoạt động ngân hàng bao giờ vào thực hiện tái cơ cấu. Đây là cách thức không phải chưa có tiền lệ, bởi đã từng sử dụng người ngoài hệ thống, không chuyên về ngân hàng để thực hiện tái cơ cấu một ngân hàng. Song, đây là giải pháp chứa đựng nhiều rủi ro, vì ngân hàng cần người có nhiều nghiệp vụ đặc thù. Như vậy, lỗi đầu tiên là chưa đánh giá được cách thức đưa người bên ngoài vào quản lý ngân hàng, cũng như để tái cấu trúc một ngân hàng, nếu chỉ căn cứ vào tiềm lực tài chính thì cũng chưa đủ.
Ngoài ra, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định: Sai sót của các cá nhân xảy ra khi vẫn có một Tổ thanh tra giám sát đang hoạt động cho thấy có một khoảng cách giữa quy định và việc thực hiện quy định đó. Đây cũng là trách nhiệm của Tổ giám sát...
Từ đại án VNCB cho thấy NHNN cần phải tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cần thận trọng hơn trong việc đánh giá thực trạng của ngân hàng khi tái cơ cấu cũng như lựa chọn người thực hiện. Để những rủi ro không lan ra hệ thống, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bên cạnh việc thanh tra, phát hiện sai phạm của ngân hàng để có những biện pháp khoanh vùng và bắt buộc xử lý; nếu ngân hàng đó vẫn không thể tự xử lý, tự điều chỉnh thì nên cho phá sản. Đã đến lúc các ngân hàng phải tự đứng vững trên đôi chân của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.