Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội và thách thức khi đón khách du lịch tàu biển

Tuệ An – Phương Nam| 26/02/2023 19:57

(HNMO) - Khách du lịch bằng tàu biển là dòng khách cao cấp. Ngoài việc chi tiêu mạnh tay tại những nơi họ đến, du khách tàu biển còn góp phần lan tỏa sự hấp dẫn của điểm đến, nơi họ dừng chân. Nhiều địa phương phía Nam đang nỗ lực thu hút dòng khách đặc biệt này.

Tàu Spectrum of the Seas đã cập cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 26-2, đưa 3.500 khách quốc tế đến Việt Nam.

Nhiều cơ hội

Ngày 26-2, tàu biển quốc tế Spectrum of the Seas đã cập cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đưa 3.500 khách quốc tịch Anh, Mỹ, Australia… đến Việt Nam trong 2 ngày. Ngay khi tàu cập bến, các du khách đã chia thành nhiều đoàn tham quan, khám phá tại nhiều địa phương phía Nam như Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang…

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để. Tổ chức này cũng dự báo sự phục hồi tốt hơn của du lịch tàu biển trong năm 2023, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Tàu du lịch đưa khách đến Đà Nẵng.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều địa danh du lịch chất lượng cao và độc đáo, hấp dẫn du khách. Du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều tàu du lịch biển đã đến các địa phương phía Nam. Điển hình như ngày 23-1, tàu Silver Spirit đã cập cảng Tiên Sa đưa trên 500 khách đến “xông đất” thành phố Đà Nẵng. Ngày 26-1, tàu du lịch quốc tế Mein Schiff 5 chở 2.370 du khách quốc tế đã cập cảng tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ngành Du lịch các địa phương phía Nam, dự kiến trong tháng 3-2023, hàng loạt tàu du lịch biển hạng sang, sức chở hàng nghìn du khách sẽ tiếp tục đến Việt Nam, như TUI Cruises, Silversea Cruises, Azamara Cruises, Royal Caribbean Cruise Lines…

Không ít thách thức

Theo Công ty cổ phần Cảng Nha Trang, dự kiến trong năm 2023, có khoảng 30 chuyến tàu du lịch biển đến Nha Trang, bao gồm những tàu chở đến 2.000 - 4.000 du khách. Tuy nhiên, mấy ngày qua, một số hãng đã hủy chương trình ghé Khánh Hòa trên tuyến hải hành qua Việt Nam. 

Một số tàu biển du lịch đã không ghé qua Nha Trang.

Cụ thể, từ ngày 18 đến 24-2, đã có 3 chuyến tàu biển hủy chuyến đến Nha Trang, gồm: Queen Mary 2 (2.000 khách Tây Âu), Seven Seas Explorer (700 khách Mỹ), Nautica (500 khách). Mới nhất, ngày 26-2, tàu Spectrum of the sea (4.000 khách) cũng đã hủy chuyến đến Nha Trang. 

Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours, do các tuyến đường chính ra vào thành phố Nha Trang và một số điểm du lịch nổi tiếng ở ngoại thành mà khách du lịch tàu biển rất ưa thích đều bị cấm xe trên 29 chỗ ngồi để giảm ùn tắc giao thông, nên các đơn vị lữ hành rất khó khăn trong việc tổ chức tour tham quan. Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu ngành Giao thông và Du lịch xem xét, tham mưu cách xử lý.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ những tàu du lịch biển có sức chứa vài trăm du khách mới có thể vào sông Sài Gòn, đưa du khách xuống cảng khu vực bến Nhà Rồng, tạo thuận lợi cho những chuyến đi khám phá thành phố. Nguyên nhân là do tĩnh không cầu Phú Mỹ (gần ngã ba sông Đồng Nai - Lòng Tàu - Sài Gòn) chỉ đủ cho tàu khách có sức chứa dưới 1.000 người qua lại. Nếu cầu Phú Mỹ 4 (sắp xây dựng) được hình thành với tĩnh không 10m, những tàu cỡ nhỏ cũng không còn vào được bến Nhà Rồng.

Chỉ tàu cỡ nhỏ (dưới 1.000 khách) mới vào được cảng Nhà Rồng.

Trước đây, thành phố Hồ Chí Minh thường bố trí các tàu du lịch cỡ lớn cập các cảng hàng hóa thuộc hệ thống cảng Cát Lái, nhưng các cảng này thường kín tàu hàng. Từ năm 2019 đến nay, tàu du lịch biển phải cập cảng Phú Mỹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Du khách phải di chuyển bằng đường bộ hơn 60km qua quốc lộ 51 thường xuyên kẹt xe để về thành phố Hồ Chí Minh, rất bất tiện. Trong khi đó, dự án cảng du lịch bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7) chưa biết lúc nào mới triển khai.

Nói rõ hơn về cơ chế hoạt động của tàu du lịch biển, ông Lim Jiun Yan, Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore (chuyên chọn cập cảng thị xã Phú Mỹ) cho biết, tàu biển phải chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm, nên rất cần nước chủ nhà công bố điểm cập bến, phí cảng… ổn định, lâu dài, tránh việc giờ chót thay đổi, gây khó cho cả hãng tàu và du khách.

Các địa phương phía Nam mong đón được nhiều khách du lịch tàu biển thời gian tới.

Là một đơn vị kinh doanh lữ hành, ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Lux Group cho biết, hiện tại, vẫn chưa có những quy định chung chú trọng việc phục vụ khách và hiểu sâu sắc hoạt động du lịch biển; một số địa phương tự ý đưa ra những quy trình riêng làm khó doanh nghiệp. “Việc phát triển hệ thống cảng biển chuyên dụng đón tàu du lịch biển và xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm tour tuyến phù hợp phục vụ dòng khách này là những yếu tố quan trọng để thu hút du khách tàu biển tại các địa phương phía Nam thời gian tới”, ông Phạm Hà nhận định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức khi đón khách du lịch tàu biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.