1. Đã tròn một tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự kiện này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế.
Liên tục trong một tháng qua, các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đã cùng bà con ngư dân kiên cường bám biển, cương quyết đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các diễn biến nóng bỏng tại thực địa, cùng với những bằng chứng lịch sử, căn cứ pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài liên tục cập nhật, phản ánh rộng rãi đến công chúng trên toàn thế giới. Vấn đề Biển Đông trở thành tâm điểm của dư luận và truyền thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam bán cầu. Biển Đông cũng làm "dậy sóng" các diễn đàn, hội nghị quốc tế quan trọng trong thời gian qua. Trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp rõ ràng, nhắn gửi với toàn thế giới rằng, Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước và không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lấy một mối quan hệ lệ thuộc!
Cần phải thấy rõ những hoạt động đấu tranh pháp lý của các lực lượng chức năng cũng như người dân cả nước trong một tháng qua là những bước đi thận trọng và phù hợp với tình hình hiện nay. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong đó có bảo vệ chủ quyền đất nước, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt và gắn liền với tiến trình phát triển của đất nước. Song, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, một đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, phát triển bền vững là nguyện vọng chung của nhân dân ta cũng như của toàn thể nhân loại tiến bộ, nhưng lại là điều không mong muốn của một số thế lực thù địch, chống phá Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chặng đường trước mắt chúng ta không chỉ rải toàn hoa hồng mà chắc chắn sẽ có không ít chông gai, với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có cả những biến cố, hiểm nguy…
2. Những diễn biến thực tại và dự báo tương lai cho thấy, để giữ được sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thì phải dựa vào tinh thần yêu nước của mỗi công dân. Tuy nhiên, tinh thần yêu nước đó cần phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Để đủ sức vượt qua những biến cố hiểm nguy, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải chung sức xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dựa trên một nền kinh tế phát triển, trật tự xã hội ổn định, an ninh quốc phòng vững chắc.
Một nền kinh tế phát triển phải dựa trên nền tảng sản xuất, kinh doanh phong phú và tăng trưởng bền vững. Một đất nước thực sự giàu mạnh, phát triển bền vững phải dựa trên nguồn nội lực mạnh mẽ, không lệ thuộc vào nước ngoài. Thực tế những năm gần đây cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể, song cũng đặt ra không ít vấn đề đáng suy ngẫm. Thứ nhất là thành tích tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào đóng góp của "ngoại lực" - là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và đến thời điểm này chuyện "lợi bất cập hại" như thế nào đã quá rõ. Bên cạnh đó, ngay cả nền sản xuất "made in Việt Nam" cũng đang lệ thuộc quá lớn vào bên ngoài, khi các doanh nghiệp của ta chủ yếu là gia công, làm ra sản phẩm từ nguồn nguyên vật liệu nhập của nước ngoài; sản xuất hàng hóa bằng những máy móc, công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài (trong khi các nhà khoa học trong nước có khả năng chế tạo ra). Ngoài ra là thói quen tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn nghiêng về hàng ngoại… Rõ ràng là khi nền kinh tế còn lệ thuộc nhiều vào bên ngoài thì đất nước khó có thể phát triển bền vững. Và để đưa nền kinh tế thoát khỏi phụ thuộc không chỉ là trách nhiệm của các cấp ngành hay cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi mỗi cá nhân người Việt Nam phải thay đổi nhận thức và cùng có những hành động cụ thể, thiết thực.
Đáng lưu tâm nữa là trong khi các quốc gia đều xem doanh nghiệp tư nhân là "xương sống" của nền kinh tế, là động lực chính cho tăng trưởng thì ở nước ta nguồn "nội lực" này lại chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn bị "lép vế" so với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hậu quả thì như đánh giá mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (khoảng 500.000 công ty) có tới… 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ! Đáng nói là trong bối cảnh đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU đang được đẩy nhanh, Cộng đồng kinh tế ASEAN được kỳ vọng sẽ ra đời vào cuối năm 2015…, có nghĩa là rất nhiều cơ hội phát triển to lớn (tất nhiên là kèm theo không ít thách thức) đang mở ra đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, thế nhưng, như nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta khó có thể vươn ra "biển lớn" với "đội thuyền thúng" như vậy.
Những vấn đề đặt ra của tiến trình hội nhập quốc tế đang đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển và phát huy hiệu quả, trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước… Đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp, nguy hiểm hiện nay - được xem như "liều thuốc thử" đối với năng lực chịu đựng của nền kinh tế - thì yêu cầu đó càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
3. Diễn biến đời sống chính trị trên thế giới, đặc biệt là những bất ổn trong khu vực thời gian gần đây, cũng đã chứng minh một chân lý: Sẽ không thể có một đất nước hòa bình thịnh vượng, một nền kinh tế vững mạnh, sản xuất kinh doanh phát triển nếu không có một xã hội ổn định.
Những cuộc biểu tình mang danh "yêu nước" bị biến thành những vụ gây rối, đập phá, cướp bóc tài sản của doanh nghiệp nước ngoài, tương tự là những kêu gọi tẩy chay khách du lịch người Trung Quốc… không những không mang lại lợi ích gì cho đất nước, càng không giúp được gì cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn làm công cuộc đấu tranh càng trở nên khó khăn hơn. Bởi, những hành vi kích động bạo lực, đập phá tài sản của doanh nghiệp nước ngoài đã phá hoại kinh tế, làm xấu đi hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện và mến khách, phá hoại truyền thống dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Trong cuộc đấu tranh với hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, chúng ta được dư luận thế giới ủng hộ, bởi lẽ phải và chính nghĩa thuộc về chúng ta, thế nhưng những hành động gây rối, phá hoại như vậy đã làm bạn bè quốc tế phân tâm, đồng thời gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, những hành động như vậy đã phá hoại nghiêm trọng hình ảnh môi trường đầu tư ổn định, gây hoang mang cho các nhà đầu tư nước ngoài và càng nguy hiểm hơn khi nó bị các thế lực thù địch lợi dụng làm tình hình trở nên phức tạp, bất ổn hơn… Thử đặt giả thiết nếu các nhà đầu tư ra đi thì không chỉ hàng chục vạn người lao động mất việc làm, mà chúng ta sẽ mất đi các nguồn lực đáng kể, bao gồm cả kiến thức quản lý và công nghệ tiên tiến… Những hành động "yêu nước" song thực chất là gây rối, phá hoại như vậy sẽ không làm cho đất nước giàu mạnh, càng không thể góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hay nói cách khác, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền ngoài trùng khơi sẽ gặp khó khăn nếu trên bờ không giữ được sự bình yên.
Trong bối cảnh hiện nay, mọi người Việt Nam, nhất là giới trẻ, cần phải yêu nước bằng cả con tim và khối óc, có nghĩa là mong muốn thể hiện tình cảm yêu nước là sự thôi thúc cháy bỏng của con tim, nhưng thể hiện điều đó như thế nào cần có sự dẫn dắt của khối óc tỉnh táo. Như trên đã nói, phải thể hiện tình cảm yêu nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực, giữ vững ổn định trật tự xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giữ vững chủ quyền đất nước.
Công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta sẽ còn nhiều cam go và thách thức, song nó cũng tạo cơ hội giúp người Việt Nam thức tỉnh để cùng nhau đoàn kết, tạo ra những đột phá mới từ nhận thức đến hành động, đặc biệt là khơi dậy ý chí tự lực tự cường để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, bảo vệ vững chắc đất nước của tổ tiên, ông bà và của muôn đời con cháu mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.