(HNM) - Với gần 250 nghìn trường hợp có HIV/AIDS tích lũy đến nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ căn bệnh thế kỷ.
Trẻ bị nhiễm HIV tại TTGDLĐXH số 2 sẽ có cơ hội được điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong khi triển khai thí điểm phương pháp điều trị HIV 2.0. Ảnh: Nhật Nam |
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận định, sau 20 năm kể từ khi phát hiện bệnh nhân HIV đầu tiên, hiện công tác quản lý, hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai có hiệu quả trên toàn quốc với 318 phòng khám ngoại trú; 317 phòng xét nghiệm, tư vấn tự nguyện HIV/AIDS; 75 phòng xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV tại 49 tỉnh, thành phố… Từ năm 2008, dịch HIV có xu hướng giảm và về cơ bản, Việt Nam đã kiềm chế tốc độ gia tăng của đại dịch ở mức đạt mục tiêu chiến lược quốc gia đề ra. Hơn 53 nghìn bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virút ARV. Hiện 9 tỉnh, thành phố triển khai chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đối với 3.813 bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu ban đầu tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng cho thấy, sau 12 tháng sử dụng Methadone, chỉ còn dưới 16% bệnh nhân tiếp tục tiêm chích hêrôin.
Tuy nhiên, hiện dịch vẫn có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Tích lũy đến nay, Việt Nam phát hiện hơn 250 nghìn người có căn bệnh thế kỷ, chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, hơn 50 nghìn người đã tử vong và hơn 190 nghìn người có HIV/AIDS còn sống. Hà Nội có số người có HIV nhiều thứ hai toàn quốc, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hải Phòng, An Giang, Sơn La, Thái Nguyên… Riêng 6 tháng đầu năm 2011, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, số trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo trên cả nước là 6.146 người, trong đó có 2.477 bệnh nhân AIDS và 844 trường hợp đã tử vong do AIDS. Các trường hợp có HIV/AIDS chủ yếu được phát hiện ở một số tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS. Số người có HIV/AIDS gia tăng ở nhóm tuổi 30-39.
Đẩy lùi dịch HIV vào năm 2015
Trong vòng 5 năm qua, mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng phạm vi điều trị HIV nhưng hầu hết những người sống với HIV đều bắt đầu điều trị muộn, khi hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập, khiến cho việc điều trị rất ít hiệu quả, làm gia tăng số ca tử vong. PGS-TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, phương pháp điều trị 2.0 - một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm - sẽ được khởi động vào cuối năm nay tại hai địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV là Điện Biên và Cần Thơ. Phương pháp này bao gồm 5 phương thức chính: tối ưu hóa công thức điều trị, giảm số lượng viên thuốc, giảm độc tính của thuốc; phát triển công nghệ chẩn đoán mới, đơn giản hóa quy trình chẩn đoán, sử dụng phương pháp chẩn đoán sớm với công cụ chẩn đoán rẻ hơn; giảm giá thành dịch vụ xét nghiệm, thuốc, chi phí cho thầy thuốc và bệnh nhân; công tác tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẽ được lồng ghép vào hoạt động y tế thôn bản, xã, phường, cộng đồng, các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản…; huy động sự giúp đỡ của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của người có HIV/AIDS.
Tại hai địa phương được thí điểm, trước mắt Bộ Y tế sẽ sử dụng test chẩn đoán HIV nhanh và thực hiện lồng ghép dịch vụ cung ứng chẩn đoán, điều trị ngay tại tuyến xã, phường và huyện. Người nhiễm HIV được hỗ trợ tham gia các dịch vụ kết nối chăm sóc điều trị ARV với điều trị bằng Methadone, trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao su. Ở mỗi huyện sẽ thiết lập một điểm cung cấp, kết nối dịch vụ.
Trước sự đổi mới cùng quyết tâm thực hiện của Việt Nam, ông Eamonn Murphy, Giám đốc UNAIDS Việt Nam, Chủ tọa nhóm phối hợp của Liên hợp quốc về HIV tại Việt Nam khẳng định sẽ cùng WHO hỗ trợ tích cực để Việt Nam triển khai thành công phương pháp 2.0 nhằm đạt mục tiêu giảm đáng kể chi phí, phát triển hơn nữa quy mô các chương trình can thiệp về HIV; huy động được nguồn lực từ cộng đồng để mở rộng xét nghiệm và điều trị HIV; giảm sự kỳ thị và tăng tính bền vững của hoạt động ứng phó quốc gia với HIV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.