(HNMCT) - Thiết kế sáng tạo đang được coi là nghề “hot” của tương lai, tuy nhiên, số cơ sở đào tạo về lĩnh vực này chưa nhiều. Hànộimới Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số ý kiến về công tác đào tạo thiết kế sáng tạo hiện nay.
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế:
Tính kết nối và liên ngành là câu chuyện của sáng tạo hôm nay
Gần đây, khi tham gia Ban giám khảo của một cuộc thi về thiết kế sáng tạo, tôi phát hiện ra rằng, các bạn trẻ có hoài bão, năng lực, tố chất nhưng lại thiếu nền tảng kiến thức, ví dụ như kiến thức về di sản, về mạch nguồn văn hóa hay hiểu biết về công nghệ. Mạch giáo dục của chúng ta hiện nay khá rời rạc, thiếu sự kết nối giữa khoa học, công nghệ với nghệ thuật. Các trường nghệ thuật thì thuần túy đào tạo về nghệ thuật, còn các trường khoa học kỹ thuật thì "thuần khoa học kỹ thuật". Tôi cho rằng, mô hình một trường nghệ thuật đơn biệt có nguy cơ không thích ứng được với những biến đổi của thời đại liên quan tới sự đan xen, tính kết nối, tính liên ngành.
Giáo dục đang đứng trước kỷ nguyên sáng tạo. Nền kinh tế thế giới đang có sự biến đổi lớn khi máy móc đã làm thay con người trong rất nhiều công đoạn. Trong bối cảnh đó, yếu tố sáng tạo giữ vai trò quan trọng bởi góp phần tăng giá trị thương hiệu của sản phẩm. Sáng tạo gần như góp phần quyết định cho sự phát triển nền kinh tế sáng tạo và vì vậy, giáo dục sáng tạo phải trở thành điểm mạnh. Lĩnh vực đào tạo này đón chờ một cơ hội rất lớn. Trong một thị trường rất sôi động về đào tạo, tới đây sẽ có nhiều mô hình đưa tư duy giáo dục sáng tạo vào môi trường đào tạo, giống như Đại học Quốc gia với điểm nhấn mới là chuyên ngành thiết kế sáng tạo.
Có thể nói, nếu hệ sinh thái đào tạo sáng tạo ở các trường truyền thống khác đang còn thiếu tính liên ngành, tính hệ thống thì ở Đại học Quốc gia, điều này đã được hoàn thiện với các môn học có nhiều ưu điểm: Truyền thống hơn, dân tộc hơn vì cung cấp kiến thức về di sản; công nghệ hơn, khoa học hơn vì tích hợp các thế mạnh của các trường thành viên trong Đại học Quốc gia; đại chúng hơn vì gắn với đời sống thực tế khi kết hợp với doanh nghiệp là các đối tác có thương hiệu. Trở lại Đề cương văn hóa Việt Nam với các yếu tố dân tộc - đại chúng - hiện đại, rõ ràng là định hướng đào tạo này của Đại học Quốc gia khẳng định một nền tảng chắc bền.
Thực tế, nhiều mô hình đào tạo nghệ thuật và sáng tạo trên thế giới cũng đang theo xu hướng nói trên. Ngày nay, sáng tạo không chỉ là câu chuyện của một cá nhân. Với công nghiệp sáng tạo, đó là câu chuyện của cả một cộng đồng, thậm chí sau này sẽ được gọi là giai tầng sáng tạo. Hào quang của một cá nhân là câu chuyện của nhiều năm trước. Triết lý “cùng sáng tạo”, “đồng sáng tạo”, “sáng tạo kết nối” nghĩa là không chỉ thuần những người làm nghệ thuật với nhau, mà họ còn phải “bắt tay” với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Do đó, kiến thức mà đội ngũ sáng tạo cần được trang bị không chỉ là nghệ thuật mà còn cần có kiến thức về con người, về thiên nhiên, đặc tính tự nhiên, sinh trưởng... Đó là kiến thức liên ngành và là câu chuyện của sáng tạo hôm nay.
Ông Lê Trần Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giầy, Bộ Công Thương:
Luôn mong muốn có đội ngũ thiết kế sáng tạo giỏi
Kinh tế phát triển, mức sống của người dân đang ngày càng được nâng cao, nhu cầu về thời trang, dệt may da - giầy ngày càng tăng, thu hút nhiều lao động. Do đó, rất cần hoạt động nâng cao tính thiết kế để phục vụ yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, mang lại giá trị cao cho sản phẩm. Viện Nghiên cứu Da - Giầy rất quan tâm và mong muốn có được đội ngũ thiết kế sáng tạo giỏi.
Tuy hiện nay ngành da - giầy của Việt Nam đang phát triển nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thua kém về khâu thiết kế. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, các chương trình đào tạo cử nhân thiết kế sáng tạo sẽ đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành da - giầy nói riêng cũng như các ngành thiết kế sáng tạo của đất nước nói chung. Nhân đây cũng xin được giới thiệu, sắp tới có cuộc thi thiết kế về da giày được tổ chức, các bạn sinh viên có thể theo dõi và tham gia thử sức mình.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Trưởng bộ môn Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo, khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Năng lực thiết kế là yếu tố chiến lược tạo tính cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ
Trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo những năm gần đây, thiết kế luôn được xem là một hợp phần then chốt trong nền kinh tế sáng tạo. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành năm 2016 đã xác định thiết kế là một trong những khía cạnh chủ chốt. Năng lực thiết kế được coi là yếu tố chiến lược tạo nên tính cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ của cá nhân, công ty và tập đoàn. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, cập nhật với quốc tế, đó là yêu cầu của xã hội hiện nay và trong tương lai.
Thiết kế là một phạm trù sáng tạo. Có thể coi đó là một nghệ thuật, không bị giới hạn bởi đối tượng, cách thức và công cụ. Nhưng đó không phải là thứ nghệ thuật thuần túy hàn lâm; để nghệ thuật thiết kế có thể đi vào cuộc sống thì phải có tư duy thiết kế có tính sáng tạo kết hợp với sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thực tiễn, cũng như có tầm nhìn toàn diện về bối cảnh và xu hướng.
Trước sự phát triển của đời sống xã hội trong thời kỳ 4.0, yêu cầu đặt ra đối với nhà thiết kế không chỉ là biết vẽ, có tư duy mỹ thuật, tạo hình, mà còn cần phát triển năng lực sáng tạo một cách toàn diện để đem lại giải pháp giải quyết vấn đề dựa trên sự hiểu biết về nghệ thuật, văn hóa bản địa, văn hóa đương đại, xã hội, công nghệ, hiểu biết về nền công nghiệp, thị trường... Nói cách khác, thiết kế sáng tạo đòi hỏi nhà thiết kế không chỉ là một nghệ sĩ mỹ thuật mà còn là một nhà sáng tạo có trách nhiệm xã hội, có năng lực đem lại các giải pháp thiết kế tổng thể, quản trị được các nguồn nhân lực, làm chủ được công nghệ, có khả năng quản trị quá trình kinh doanh, phân phối sản phẩm, quan hệ với khách hàng, để tối ưu hóa hoạt động sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền công nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dùng, từ đó có thể quản lý và tham gia vào nhiều khâu đoạn khác nhau trong giải pháp thiết kế sáng tạo tổng thể một cách bền vững.
Do đó, các chương trình đào tạo của khoa Các khoa học liên ngành, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo, cần hướng tới việc trang bị cho sinh viên tư duy sáng tạo theo hướng phát triển bền vững và có chiều sâu. Cần giúp họ thể hiện trách nhiệm xã hội, tính nhân văn; có sự nhạy bén về kinh doanh cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số để sinh viên có thể nhanh chóng tham gia thị trường lao động đầy tính cạnh tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.