(HNM) -
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch tập huấn và thi đấu của kình ngư Ánh Viên từ đầu năm đến nay?
- Quá trình tập huấn và thi đấu của Ánh Viên từ đầu năm đến nay chính là sự tiếp nối, liên thông của cả một chu trình huấn luyện, đầu tư bài bản cho vận động viên bơi số 1 của Việt Nam suốt các năm qua với mục tiêu chinh phục đấu trường Olympic và ASIAD. Tại ASIAD 2014, Viên đã giành 2 Huy chương đồng. Kỳ này, trọng trách nặng nề của thầy trò huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn là giành Huy chương vàng.
- Đây chắc chắn là nhiệm vụ không dễ dàng, khi mà các nước mạnh trong khu vực cũng đầu tư rất mạnh cho các nhân tố của họ?
- Việc đặt chỉ tiêu Huy chương vàng cho Ánh Viên tại ASIAD 2018 có cơ sở chuyên môn chứ không phải chuyện "nói cho oai". Để đưa ra chỉ tiêu, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ đối thủ, theo dõi sát sao chỉ số thành tích của họ để hiểu vị trí hiện tại của mình ở đâu. Theo tìm hiểu của các nhà chuyên môn, Nhật Bản đang đầu tư cho Olympic Tokyo 2020 và ở môn bơi, họ đang sở hữu lực lượng rất mạnh. Căn cứ vào chỉ số thành tích hiện tại, Ánh Viên không thể thi đấu tràn lan, mà phải tập trung vào nội dung có nhiều khả năng tranh chấp Huy chương vàng - đó là nội dung bơi 400m hỗn hợp. Đối thủ đáng gờm của Viên ở nội dung này là các kình ngư của Nhật Bản và Hàn Quốc.
- Ở nội dung bơi 400m hỗn hợp, mới đây tại Giải Bơi Pro Swim Series (Mỹ), Ánh Viên đã giành Huy chương vàng với 4 phút 44 giây 68 và cô từng đạt thành tích 4 phút 36 giây 85 nội dung này tại Olympic 2016. Vậy muốn giành Huy chương vàng ASIAD 2018, Ánh Viên cần hội đủ những yếu tố gì?
- Việc tính toán đúng điểm rơi thành tích sẽ quyết định thành bại của vận động viên ở các giải đấu lớn. Qua quá trình thi đấu, có thể thấy Ánh Viên vẫn duy trì tốt phong độ. Nhưng để đạt được chỉ số chuyên môn đề ra còn phải căn cứ nhiều yếu tố, đặc biệt là thời điểm cần "bung hết sức" chính là ASIAD 2018 vào tháng 9-2018. Hiện tại, Ánh Viên đang tập huấn ở Mỹ, hằng tuần huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn đều có báo cáo cụ thể về quá trình phát triển chuyên môn của kình ngư này. Theo tôi nắm được, Ánh Viên đang đạt trạng thái tâm lý ổn định, vững vàng, tự tin hơn rất nhiều.
- Trong quá trình luyện tập, tự mình vượt mình đôi khi rất khó so với việc có "quân xanh" cạnh tranh để cùng tiến bộ. Chúng ta giải quyết chuyện này thế nào?
- Ngoài Ánh Viên, chúng tôi còn chọn đội hình gồm từ 6 đến 8 vận động viên trẻ, tăng cường cho các em tập huấn và thi đấu cọ xát, chuẩn bị cho lực lượng kế cận Ánh Viên trong tương lai. Với Ánh Viên, nhờ sự đầu tư bền bỉ từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản Quân đội..., kình ngư này được hưởng mọi ưu đãi, trong đó kinh phí đầu tư năm nay đạt mức tăng từ 10 đến 15% so với năm trước. Trong quá trình tập huấn tại Mỹ, Ánh Viên được sự chỉ bảo tận tình của chuyên gia Mỹ, được học hỏi rất nhiều từ các vận động viên hàng đầu thế giới. Điều rất hay là các vận động viên người Mỹ rất "mở" chứ không "giấu bài". Họ sẵn sàng góp ý ngay để giúp Ánh Viên tiến bộ từng ngày. Chúng tôi cũng có lúc bố trí "quân xanh" làm "đầu kéo" hỗ trợ Ánh Viên là đồng đội trẻ tuổi Nguyễn Kim Sơn...
- Và chắc hẳn không thể không nhắc đến vai trò của huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn, thưa ông?
- Trong thành công Ánh Viên đạt được đến thời điểm này, bản thân tôi đánh giá sự đóng góp của huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn phải chiếm đến 70%. Ông vừa là thầy, vừa là cha, vừa là bạn của Ánh Viên, chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, đến việc tập luyện, giao tiếp... Dù Ánh Viên có chuyên gia huấn luyện người Mỹ, nhưng quá trình luyện tập, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn luôn theo sát hỗ trợ, bởi không ai hiểu trò bằng người thầy đã có cả quá trình gắn bó dài lâu.
- Việc tập trung đầu tư trọng điểm cho Ánh Viên dường như đang dần tạo ra một khoảng trống về trình độ chuyên môn giữa kình ngư này và các vận động viên còn lại?
- Về nữ, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn về lực lượng kế cận. Về nam, có thể kể đến những gương mặt rất có triển vọng như Nguyễn Kim Sơn - một vận động viên trẻ, sinh năm 2002, đã sớm giành Huy chương vàng SEA Games ngay ở tuổi 15; hoặc Nguyễn Huy Hoàng ở cự ly trung bình và dài, Ngô Đình Chuyền ở cự ly ngắn... Để không tạo ra những khoảng trống quá lớn, điều cần thiết là sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương trong đầu tư lực lượng trẻ. Chúng ta phải tính cách đầu tư sớm, bảo đảm luôn có lực lượng "gối đầu", nhất là trong bối cảnh Việt Nam đăng cai SEA Games 2021.
Điều đáng mừng là thành công trong chiến lược đầu tư trọng điểm dành cho Ánh Viên đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực. Các vận động viên trẻ khát khao học tập, các gia đình yên tâm hơn khi cho con theo nghiệp bơi lội, còn các địa phương, đơn vị chủ quản của vận động viên cũng đỡ ngại ngần trong đầu tư dài hạn... Với những yếu tố đó, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội phát hiện các gương mặt triển vọng để mạnh dạn đầu tư cho tương lai của bơi lội Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.