(HNM) - Mặc dù có lịch sử phát triển lâu đời, nhưng ẩm thực Việt Nam chưa khai thác hết thế mạnh và tiềm năng để tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách. Vừa qua, Tổ chức Michelin Guide (danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực thế giới) chính thức đến Việt Nam và lựa chọn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến trong bản đồ tìm kiếm những thương hiệu nhà hàng, món ăn uy tín. Đây là cơ hội lớn để ẩm thực Việt Nam được nâng tầm về chất lượng, thu hút du khách nhiều hơn.
Nâng tầm ẩm thực Việt
Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một trong những nhân tố quan trọng để giữ chân du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Đặc biệt, với những nhà hàng đạt chuẩn “sao Michelin” luôn có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Một khảo sát gần đây cho thấy, có 67% du khách sẽ lựa chọn điểm đến có nhà hàng đạt “sao Michelin”; 57% du khách thường xuyên kéo dài thời gian lưu trú tại điểm đến có nhà hàng hoặc món ăn được Michelin đánh giá.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định: “Sự đánh giá độc lập, khách quan và nổi tiếng khắt khe của Michelin đã khiến cho danh hiệu này trở nên danh giá trong giới ẩm thực thế giới. Việc Michelin đưa các chuyên gia đến Việt Nam để thẩm định, lập danh sách những nhà hàng đạt “sao Michelin” là cơ hội rất lớn để nâng tầm ẩm thực Việt, thu hút du khách đến Việt Nam lưu trú dài ngày hơn”.
Đánh giá về tinh hoa ẩm thực Việt và cơ hội để các nhà hàng Việt Nam sở hữu “sao Michelin”, Giám đốc điều hành Michelin Việt Nam Ahmad Faiez Mohamed Pisal cho rằng, với nét văn hóa ẩm thực riêng cùng nhiều công thức nấu ăn hấp dẫn, ẩm thực Việt Nam đã nổi tiếng trên thế giới. Trong đó, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng được tôn vinh vì sự độc đáo của ẩm thực đường phố cũng như những tinh hoa trong các nhà hàng sang trọng. Vì thế, việc Michelin lựa chọn Việt Nam là điểm đến là rất xứng đáng. Dự kiến, tháng 6-2023, Michelin sẽ công bố danh sách nhà hàng đạt sao tại Việt Nam.
Nói về cơ hội lớn trong việc quảng bá ẩm thực Việt Nam trong phát triển du lịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group (đơn vị “đối tác điểm đến” của Michelin) Đặng Minh Trường cho biết, Michelin không chỉ giúp Việt Nam có một hệ thống đánh giá tiêu chuẩn quốc tế cho ẩm thực, mà còn tạo ra một cuộc cạnh tranh giữa các nhà hàng trong việc nâng tầm chất lượng món ăn, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam đón thêm dòng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày hơn.
Chuyên nghiệp hóa hoạt động ẩm thực
Cùng với việc tổ chức Michelin Guide đến Việt Nam, nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức du lịch uy tín thế giới và giới truyền thông quốc tế đánh giá dành cho ẩm thực Việt Nam thời gian qua cũng góp phần tạo dựng thương hiệu điểm đến của Việt Nam. Cụ thể, năm 2020, Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng Việt Nam danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5. Thủ đô Hà Nội được Tripadvisor bình chọn trong “tốp 25 điểm đến hàng đầu thế giới cho những người yêu ẩm thực”…
Mặc dù có nền ẩm thực đa dạng, nhưng đến nay, so với nhiều nước trong khu vực, ẩm thực Việt Nam vẫn thiếu một chiến dịch để tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, đã đến lúc ngành Du lịch cần hướng đến việc chuyên nghiệp hóa hoạt động ẩm thực, đưa ẩm thực trở thành một trong những mũi nhọn để thu hút du khách, phát triển du lịch.
Để từng bước thực hiện điều này, ngày 2-12 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Ban Chấp hành lâm thời Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam (VCF), quy tụ nhiều đầu bếp danh tiếng của 3 miền. Phó Chủ tịch Thường trực VCF Dương Văn Hùng cho hay, bên cạnh việc nâng cao chuyên môn cho các đầu bếp, VCF còn hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, như: Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh thương hiệu; sáng tạo món ăn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, Tổng Thư ký VCF, Giám đốc Công ty Đầu tư Bếp Việt và Công ty Du lịch Allez Voyage Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ, sự liên kết chặt chẽ trong hoạt động nghiệp vụ đầu bếp sẽ nâng cao chất lượng của ẩm thực; tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị, nhà hàng, góp phần xây dựng các địa chỉ ẩm thực uy tín để các đơn vị lữ hành đưa khách đến trải nghiệm.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang rà soát, cập nhật danh sách những cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ẩm thực Hà Nội là một kênh quan trọng trong phát triển du lịch Thủ đô. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường quảng bá, kêu gọi các đơn vị kinh doanh ẩm thực nâng cao chất lượng để xây dựng một bản đồ ẩm thực riêng cho Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.