Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội cuối trước giờ “G”

Quang Anh| 17/07/2013 05:28

(HNM) - Từ hôm nay ngày 17-7 đến ngày 22-7-2013, UBND huyện Đông Anh sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với một số hộ dân ở thôn Đông Trù, Đông Hội cố tình không chịu bàn giao mặt bằng.



Đây là một động thái quyết liệt của chính quyền đang được đa số người dân ủng hộ. Trước giờ "G", các cơ quan chức năng vẫn kiên trì vận động để những người còn chưa thấu hiểu và tôn trọng pháp luật kịp thời thay đổi.

Vài hộ dân cản trở cả một dự án lớn

Dự án "Đường 5 kéo dài" là dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đoạn qua Hà Nội, được giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn phụ trách đã bắt đầu khởi công từ ngày 19-5-2005. Đây là tuyến đường đô thị chính cấp I được xây dựng hiện đại với chiều dài 13,32km, mặt cắt ngang nền đường từ 65m tới 68,5m, khởi đầu từ Khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, chạy dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội (huyện Đông Anh), giao với quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài cho tới cầu Chui (quận Long Biên). Theo quy hoạch, trên tuyến có 3 cây cầu là Đông Trù, Đông Hội và Phương Trạch. Riêng cầu Đông Trù có chiều dài 1.139m, được thiết kế kiến trúc vòm, gồm làn cho xe cơ giới, xe thô sơ và người đi bộ, dải phân cách ở giữa có thể đặt đường sắt đô thị...

Cầu Đông Trù đang xây dở dang.


Với người dân và chính quyền huyện Đông Anh, dự án Đường 5 kéo dài khi hoàn thành sẽ là trục giao thông chính, mở ra hướng phát triển kinh tế mạnh mẽ cho khu vực phía bắc sông Hồng, trong đó có huyện Đông Anh. Vậy mà, sau gần 8 năm xây dựng (chậm khoảng 5 năm so với tiến độ ban đầu), dự án "Đường 5 kéo dài" vẫn tiếp tục... bị kéo dài về thời gian, mà một trong những nguyên nhân chính cản trở tiến độ vẫn là công tác GPMB bị dừng lại tại thôn Đông Trù, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Chúng tôi tới xã Đông Hội vào những ngày nắng lửa giữa tháng 7-2013, khi cây cầu Đông Trù (nối hai đoạn của Đường 5 kéo dài) đang xây dựng dở dang phải ngừng lại vì thiếu mặt bằng. Qua bên kia con đê, các vị trí trụ cầu P4, P5 không thể thi công vì vướng một số nhà dân chưa được giải tỏa. Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết, các nhà thầu đã sẵn sàng và việc thi công sẽ rất nhanh nếu có mặt bằng sạch ở Đông Trù. Tuy nhiên, chỉ vì những đòi hỏi vượt quá quy định pháp luật của một số ít hộ dân mà cả một công trình giao thông lớn, mang tầm quốc gia đang bị cản trở...

Đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho dân

Đi tìm lời giải thích cho những "đòi hỏi" của người dân, chúng tôi gặp Ban Bồi thường, GPMB huyện Đông Anh. Ông Nguyễn Lê Hiến, Phó ban Bồi thường, GPMB huyện, cho biết: Theo Quyết định 9309/QĐ-UB của UBND thành phố, huyện Đông Anh phải thu hồi gần 1.000.000m2 đất tại các xã Đông Hội, Tàm Xá, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ, Kim Chung để giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn thực hiện dự án xây dựng Đường 5 kéo dài. Đến tháng 4-2013, huyện Đông Anh đã cơ bản hoàn thành việc GPMB trên 98% diện tích đất cần thu hồi. Công tác di dời gần 1.000 ngôi mộ (nằm trong chỉ giới thu hồi đất) cũng đã thực hiện đúng tiến độ… Tuy nhiên, chỉ còn một phần đất thổ cư (hơn 16 nghìn mét vuông) trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng cầu Đông Trù, liên quan tới 76 hộ dân thôn Đông Trù, xã Đông Hội còn gặp khó khăn do những vướng mắc về đơn giá bồi thường và chính sách tái định cư (TĐC). Qua nhiều lần tổ chức việc đo đạc, kiểm đếm, bồi thường GPMB, đã có 44 hộ dân nhận tiền và 42 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích 9.298,53m2. Huyện cũng đã giao đất TĐC cho các hộ đủ điều kiện. Đến nay, còn 37 hộ chưa nhận tiền bồi thường và 2 hộ đã nhận tiền, nhận đất TĐC, nhưng chưa bàn giao mặt bằng như cam kết...

Sau rất nhiều lần tổ chức vận động, đối thoại, trả lời các kiến nghị, giải quyết khiếu nại, hầu hết các hộ dân nói trên vẫn không hợp tác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ GPMB xây dựng cầu Đông Trù. Ngày 11-6-2013, UBND huyện Đông Anh đã ban hành 32 quyết định cưỡng chế GPMB đối với các hộ dân cố tình không chịu bàn giao mặt bằng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đến ngày 13-7 đã có 15/32 hộ dân thôn Đông Trù đến nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng, giảm số hộ cần phải cưỡng chế, GPMB xuống còn 17 hộ, tương đương với hơn 3 nghìn mét vuông đất cần giải tỏa (còn chưa tới 0,4%). Lý do các hộ khiếu nại hầu hết đều không hợp lý. Đơn cử như các hộ bà Nguyễn Thị Giảng, ông Đào Đức Thọ, ông Nguyễn Văn Sức, bà Nguyễn Thị Kim... có diện tích đất phải thu hồi ở trong làng (vị trí 3), nhưng lại yêu cầu được áp dụng đền bù bằng giá ở vị trí 1 (sai với quy định của thành phố). Hoặc như hộ ông Nguyễn Văn Khởi (bị thu hồi 240m2), đã được đền bù 220m2 đất TĐC ở vị trí đẹp hơn và sau khi nộp tiền đất TĐC, ông còn được nhận thêm trên 500 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Cuối năm 2012, ông Khởi đã xây dựng nhà mới và về ở tại khu TĐC, nhưng đến nay vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng cho dự án. Không những thế lại còn đòi thêm tiền hỗ trợ tạm cư...(!?).

Không thể chậm trễ

Trên thực tế, UBND huyện Đông Anh đã kiến nghị với thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho người dân bị thu hồi đất, và thành phố Hà Nội đã 7 lần chấp thuận chính sách đặc thù đối với việc GPMB cho dự án "Đường 5 kéo dài" tại Đông Anh. Những chính sách như giá đất bồi thường, hỗ trợ được tính theo khung giá nhân với hệ số 1,2; hỗ trợ 10% giá đất phần chênh lệch vượt giữa diện tích đất ở bị thu hồi so với diện tích TĐC; diện tích TĐC trong trường hợp thu hồi cả thửa có diện tích đất ở trên 260m2 thì ngoài diện tích tối đa 180m2 sẽ được tăng thêm 50% diện tích chênh lệch giữa đất ở bị thu hồi và diện tích TĐC (nhưng không quá 80m2); công nhận diện tích đất ở bằng 5 lần hạn mức với các hộ gia đình đã sử dụng trước 18-12-1980 (dù không có giấy tờ về QSD đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003)... đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố và huyện Đông Anh tới quyền lợi thiết thực hợp pháp chính đáng của những người bị thu hồi đất. Do vậy, những đòi hỏi vượt ngoài quy định của một số ít hộ dân tại thôn Đông Trù là không thể chấp nhận.

Việc huyện Đông Anh phải ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân cố tình chây ỳ, không chịu bàn giao mặt bằng là biện pháp "cực chẳng đã".

Để bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện dự án Đường 5 kéo dài và xây dựng cầu Đông Trù, từ ngày 17-7 đến 22-7-2013 UBND huyện Đông Anh sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 17 hộ dân thôn Đông Trù (Đông Hội). UBND xã Đông Hội đã thông báo tới toàn thể nhân dân biết thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế GPMB. Mọi hành vi vi phạm, chống đối đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Trần Đình Nam, trong thời gian thi hành quyết định cưỡng chế, huyện vẫn tiếp tục thuyết phục, vận động người dân tự giác bàn giao mặt bằng. Hy vọng, trước "giờ G", những hộ còn đang cố tình "bám trụ" để theo đuổi những đòi hỏi trái pháp luật sẽ thay đổi thái độ, tự giác bàn giao mặt bằng để cho dự án giao thông quan trọng được hoàn thành đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cuối trước giờ “G”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.