(HNM) - Người dân thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa (Thanh Trì) đã gửi đơn tới Báo Hànộimới, phản ánh có gần 2.000m2 đất bị bỏ hoang, trong khi địa phương thiếu đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng…
Khu đất Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái được giao quản lý, sử dụng tại thôn Phú Diễn. |
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Bí thư Chi bộ và ông Vũ Văn Thanh, Trưởng thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, thì năm 1975, Tổng cục Đường sắt Việt Nam về địa phương làm việc có "mượn" một thửa đất để xây dựng Trường Đào tạo công nhân. Sau gần 10 năm, trường chuyển đi, nhưng không trả đất cho địa phương mà lại bàn giao cho Xí nghiệp Quản lý cầu Thăng Long (nay là Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái) tiếp tục quản lý, sử dụng và Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái đã chia 1/2 số diện tích này cho các hộ công nhân ngành đường sắt làm nhà ở, phần còn lại rộng gần 2.000m2 bỏ hoang trong nhiều năm…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 1978, UBND tỉnh Hà Sơn Bình có Quyết định số 275/QĐ-UBND, giao cho Trường Nghiệp vụ thông tin tín hiệu đường sắt, thuộc Tổng cục Đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) hơn 11.000m2 đất tại thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Năm 1984, Trường Nghiệp vụ thông tin tín hiệu đường sắt đã đền bù cho địa phương 7.268m2 đất, còn 3.321m2 chưa đền bù và đến năm 1988, trường được chuyển về Xí nghiệp Quản lý cầu Thăng Long. Từ năm 1990 đến 1997, qua nhiều lần chuyển giao, sáp nhập, đơn vị trên được chuyển thành Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái và cũng trong khoảng thời gian đó, đơn vị đã cắt trả lại cho xã Hữu Hòa 5.593m2 đất. Hiện tại, Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái đang sử dụng 4.306m2 đất, trong đó có khoảng 1.600m2 đã giao cho 16 hộ công nhân ngành đường sắt làm nhà ở, một gian nhà giao cho Ban tuần đường quản lý.
Thực hiện Quyết định số 2650/ĐS-TCCB của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2008, Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái đã xây dựng nhà làm việc. Khi thi công, một số người dân thôn Phú Diễn ra ngăn cản, với lý do "thôn Phú Diễn hiện không có đất để xây dựng Nhà văn hóa và khu đất này trước đây địa phương cho ngành đường sắt mượn, nay phải thu lại...". Tháng 9-2010, Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái và UBND xã Hữu Hòa đã làm việc và thống nhất: Dành một phần đất gần sân bóng Phú Diễn, rộng khoảng 500m2 để xây Nhà văn hóa phục vụ các hoạt động cộng đồng của nhân dân thôn Phú Diễn và cụm dân cư thuộc tập thể Đường sắt. Phần đất giáp đường sắt, Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái xây dựng nhà cung đường và những công trình phụ trợ theo yêu cầu của ngành đường sắt. Tuy nhiên, Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái vẫn không thể xây dựng công trình, người dân thôn Phú Diễn tiếp tục ngăn cản, đòi thu hồi toàn bộ diện tích đất gần 2.000m2. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Bá Thực, Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái cho biết: "Tuyến đường sắt từ ga Bắc Hồng (Đông Anh) đến ga Văn Điển (Thanh Trì) dài hơn 30km, công nhân tuần đường phải làm việc rất khó khăn, vất vả, nên rất cần xây dựng nhà cung đường để thuận tiện cho việc quản lý…". Ông Nguyễn Bá Thực cũng thừa nhận do quá trình sáp nhập, chuyển giao, thay đổi cơ cấu tổ chức, dẫn đến việc quản lý, sử dụng đất của công ty chưa sát sao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa khẳng định: "Việc một số người dân thôn Phú Diễn đòi Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái trả lại đất là không hợp lý". Thế nhưng, khi người dân ngăn cản việc xây dựng của công ty, chính quyền địa phương chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, khiến vụ việc càng thêm phức tạp.
Để giải quyết tồn tại trên, UBND xã Hữu Hòa và Công ty Quản lý đường sắt Hà Thái cần tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, công khai mốc giới để làm rõ phần đất các bên được quyền sử dụng, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, hợp tác, tránh xảy ra những khúc mắc, gây mất ổn định cho tình hình địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.