Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có hay không người Hà Nội gốc?

Nguyễn Ngọc Tiến| 25/01/2013 07:50

(HNM) - Gần đây, trên khá nhiều trang mạng lưu truyền quan niệm cho rằng hiện nay chỉ có người sống ở Hà Nội mà không có người Hà Nội gốc. Vậy thực hư thế nào?

Các quan niệm

Thực tế đã có ba quan niệm khác nhau về người được gọi là Hà Nội gốc. Quan niệm thứ nhất dựa trên những nghiên cứu nhiều năm của Giáo sư Từ Chi được in trong cuốn "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ". Theo đó rất nhiều hương ước của các làng xã Bắc bộ khá thống nhất, dân "ngoại tịch" sau 3 đời sống ở làng đó thì đàn ông mới có tên trong sổ đinh. Tuy nhiên nếu làng đó thiếu kẻ đóng thuế hay thiếu xuất phu phen thì có thể họ sẽ được vào sổ đinh sớm hơn. Việc được vào sổ đinh mang lại quyền lợi cho họ là được chia đất, được quyền xây nhà thờ và không phải ở ngoài trại, hay rìa làng, không bị xếp ngang hàng với thằng mõ...


Thiếu nữ Hà Nội xưa.


Cùng với quyền lợi, họ phải gánh vác các trách nhiệm của làng. Việc tha hương có thể do nghèo đói, loạn luân, nhà có con gái chửa hoang... tóm lại phần lớn có nguyên nhân éo le vì thế họ "mang ơn" làng mới và coi đó chính là quê họ. Năm 1831, vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội nên về hành chính thì Hà Nội vẫn còn là làng (đã xuất hiện phố nhưng phố lại nằm trong làng), như vậy cũng như các làng xã Bắc bộ, các làng ở Hà Nội cũng có hương ước với các điều về "ngoại tịch" và "nội tịch". Đến năm 1943, các làng ven hồ Tây vẫn còn bổ sung các điều khoản về nếp sống vào hương ước vốn có trước đó. Vì thế người ta căn cứ vào quan niệm này để nói rằng họ là người Hà Nội gốc hay mới nhập cư. Quan niệm thứ hai là theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM): sinh ra ở đâu thì nơi đó là quê. Ví dụ vợ chồng một người Hoa đến sinh sống ở Malaysia và sinh con ở đất nước này thì con họ có quê là Malaysia chứ không phải Trung Quốc, Trung Quốc là quê của cha mẹ họ. Quan niệm này cũng là căn cứ để nhiều người nói quê của họ là Hà Nội. Hà Nội gốc theo quan niệm thứ ba là tổ tiên họ ở đất Thăng Long từ thời Lý Công Uẩn định đô. Hiện người ta nghi ngờ quan niệm thứ ba.

Tiền Thăng Long không phải là mảnh đất hoang

Từ khi chọn vùng đất ven sông Tô Lịch, vốn trước đó là phủ Tống Bình có thành Đại La được Lý Công Uẩn chọn làm Kinh đô của Đại Việt thì ở đây đã có dân cư sinh sống, bằng chứng là Lý Công Uẩn đã viết trong "Chiếu dời đô" về mảnh đất này: "... Dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất phồn thịnh". Như vậy cách đây hơn 1000 năm, Thăng Long đã có cư dân sinh sống.

Trong cuốn "Lịch sử Hà Nội", nhà sử học người Pháp, Philippe Papin viết: "Cao (Thái thú Cao Biền, người Trung Quốc cai quản Tống Bình thế kỷ IX - NV) đã chấm dứt tình trạnh lộn xộn và mang thóc gạo cho dân nghèo". Cũng trong cuốn sách này, Philippe Papin viết tiếp: "Theo các tài liệu của Trung Quốc thì trong thành (Đại La - NV) có cửa hàng, kho chứa thóc, dinh thự, nơi làm việc của các quan cùng 5.000 ngôi nhà dành cho 150.000 người, trong đó có 4.200 người làm việc cho triều đình". Trước nữa, Thăng Long có thể coi là vùng đất cổ khi các nhà khảo cổ học tìm thấy rìu đá ở ven hồ Bẩy Mẫu, cuốc đá, giáo đồng tìm thấy ở ven hồ Tây, trống đồng ở làng Ngọc Hà... Còn theo văn hóa dân gian có thể dẫn ra nhiều truyền thuyết, ví dụ như Lý Ông Trọng (cuối đời Hùng Vương, đầu đời An Dương Vương) với truyền thuyết con giải nuốt mẹ ông Trọng và bị trừng phạt nên từ Chèm (nay thuộc xã Đông Ngạc) đến bến Đông Bộ Đầu (nay là phố Hòe Nhai, Hàng Than) không còn bóng dáng của con giải. Dù là truyền thuyết nhưng cũng cho thấy từ Chèm đến Đông Bộ Đầu đã có dân cư sinh sống bằng nghề chài lưới. Một huyền tích khác vẫn lưu truyền cho đến ngày nay là chó mẹ trên lưng mang chữ vương từ Đình Bảng bơi qua sông Cái (sông Hồng) sang đỉnh núi Nùng sinh con vì đây là đất lành. Và một trong những lý do Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long cũng là vì huyền tích này. Thế nên khi khánh thành Kinh đô mới, người ta đã tế một chú chó con và chỗ tế chính là đền Cẩu Nhi (nằm ở phía bắc hồ Trúc Bạch hiện nay). Rồi phố Hàng Cá xa xưa là Trại Tiên Ngư, bản doanh của Lý Tiến đời Hùng Vương thứ 6, người Anh hùng chống giặc Ân trước cả Phù Đổng Thiên Vương. Ngoài ra còn rất nhiều ví dụ khác.

Khu vực "36 phố phường"

Thời Lý, Trần dân nhập cư vào Thăng Long là không nhiều, nguyên nhân chính do chế độ công hữu đất đai trong hai triều đại này. Vì đất công nên tất cả phải cùng làm, cùng ăn và thời kỳ đó làm nông nghiệp phải chống chọi với thiên nhiên bão lũ khi cả vùng Đồng bằng Bắc bộ thời đó là đất trũng. Họ phải cùng nhau đắp đê, cấy hái và dù sao thì họ cũng có mức sống tối thiểu nên ít ai tính chuyện ra Thăng Long. Các nghề thủ công ngoại nhập hay nội sinh cũng không nhiều. Sang đến triều Lê thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Lê Lợi có chính sách đất tư. Nghĩa là ngoài đất công, các đầu đinh đều được chia đất để canh tác. Chính sách này tác động đến các làng có nghề thủ công, khi nông nhàn, họ làm hàng và mang ra Thăng Long bán hay đổi chác. Song do chính sách "ức thương" của nhà Lê nên việc mua bán diễn ra lén lút nhưng cuối cùng hàng hóa vẫn được giao dịch.

Khi các chúa Trịnh chơi bời xa xỉ, xây lầu thì họ cần tiền và thế là thương mại ở Thăng Long bắt đầu được cởi trói từng tí một. Thế kỷ XVII, chúa Trịnh cũng cho phép Công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Hà Lan mở thương điếm ở Thăng Long. Họ được quyền mua các sản phẩm thủ công như: gốm sứ, lụa thô hay quế... đồng thời họ bán đồng để triều đình đúc súng và sau đó họ bán sắt, chì. Các công ty Đông Ấn Anh, Đông Ấn Hà Lan đã ngầm ứng trước vốn cho các làng sản xuất hàng thủ công nên nhờ đó mà các làng nghề này phát triển, hàng làm ra nhiều hơn. Mặc dù trước đó đã có truyền thuyết Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy ở hồ Lục Thủy nhưng đến giai đoạn này thì Lục Thủy mới bị ngăn làm hai để lấy đường cho nhà chúa cưỡi voi sang lầu Ngũ Long (khu vực Bưu điện Bờ Hồ hiện nay). Nửa trên gọi là Tả Vọng (nay là hồ Hoàn Kiếm), nửa dưới là Hữu Vọng (đã bị lấp). Và cũng từ đó dân cư khu vực phía đông thành Thăng Long đông đúc hơn, ao hồ bị lấp để lấy đất lập làng mở phố. Dân các làng nghề ở các nơi mới đầu ra lẻ tẻ sau đó họ kéo cả làng ra để sản xuất ngay tại Thăng Long - Hà Nội. Ví dụ nghề đúc bạc (phố Hàng Bạc) có gốc ở Trâu Khê, Hải Dương, nghề kim ngân cũng ở Hàng Bạc có gốc Đồng Sâm, tỉnh Thái Bình và Định Công (huyện Thanh Trì); nghề làm mành (phố Hàng Mành) có gốc ở Tam Tảo, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nghề nhuộm điều (Hàng Đào) gốc Mộ Trạch, Hải Dương; nghề thêu (phố Hàng Thêu) có gốc ở Quất Động, huyện Thường Tín hay nghề khảm trai (phố Hàng Khảm - nay là Hàng Khay) gốc gác ở huyện Phú Xuyên... làm nên "36 phố phường nhộn nhịp".

Còn người Hà Nội gốc

Xã Đông Ngạc (tên Nôm là Kẻ hay Kẻ Vẽ) nằm sát chân cầu Thăng Long không chỉ là làng cổ của Hà Nội mà còn là làng văn hiến. Trong cuốn "Lịch sử Đông Ngạc" các họ được xếp theo thứ tự đến đây khai canh "Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng", theo cuốn "Dư địa chí vùng ven Thăng Long" của Đỗ Thỉnh, các họ Phan, Đỗ và Nguyễn đều là các họ quanh vùng (ví dụ như làng Giàn) đến Đông Ngạc lấy vợ hay lập nghiệp và cho đến nay các dòng họ này vẫn sinh sôi phát triển. Ở Kim Lũ (nay thuộc quận Hoàng Mai) có dòng họ Nguyễn (trong đó Nguyễn Văn Siêu được gọi là thần Siêu, người có công tu chỉnh lại đền Ngọc Sơn). Cũng tại Kim Lũ có họ Hoàng với nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy sinh ra ở phố Hàng Đào hay bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, ông bà từng sống và buôn bán ở phố Hàng Ngang. Dân Thập tam trại (gồm có Liễu Giai, Ngọc Hà, Hữu Tiệp...) dù có gốc gác từ Lệ Mật (quận Long Biên ngày nay) sang lập trại khẩn hoang thì cũng chẳng phải Hà Nội gốc đó sao? Điệu múa cổ Giảo Long của Lệ Mật là câu chuyện kể lại khi họ vượt sông Cái sang phía tây phải chiến đấu với thủy quái thế nào. Có thể kể ra rất nhiều làng cổ khác. Như vậy không thể nói không có người Hà Nội gốc từ thời Lý Công Uẩn định đô ở đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có hay không người Hà Nội gốc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.