Mỹ Huệ, cô gái may mắn trở thành khách du lịch Việt Nam đầu tiên chính thức được khám phá hang Sơn Đoòng, tự hào chia sẻ hành trình của mình.
Khi xem những hình ảnh đầu tiên về Sơn Đoòng do kênh National Geographic công bố, tôi đã tự nhủ: “Phải vào được Sơn Đoòng để tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của nó”. Cuối cùng, tôi phát hiện có một công ty du lịch ở Quảng Bình chuyên làm tour cho khách đến Tú Làn, một khu hang động cũng nằm gần vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tôi nhanh chóng tập hợp bạn bè cùng sở thích đến Tú Làn để tạm thời thỏa mãn khát khao Sơn Đoòng và không ngờ đó chính là cơ duyên để tôi được đến với chuyến đi lớn của cuộc đời.
Mỹ Huệ - cô gái may mắn và dũng cảm. |
Tôi có dịp gặp lại người từ công ty tổ chức tour đi Tú Làn. Cuộc trò chuyện dẫn đến chủ đề Sơn Đoòng, anh hỏi một câu mà tôi tưởng như không tin vào tai mình: “Em có đi Sơn Đoòng không? Sắp tới có một tour 6 ngày vào Sơn Đoòng của nhóm người nước ngoài, nếu em đi chuyến này em sẽ là khách du lịch Việt Nam đầu tiên vào Sơn Đoòng”. Tôi phải hỏi lại lần thứ hai để chắc chắn điều mình vừa nghe.
Sơn Đoòng mới mở cửa đón khách từ tháng 8/2014, tuy nhiên từ tháng 9 đến hết tháng 1 năm sau hang sẽ bị đóng cửa do mùa lũ. Tôi quyết tâm vào Sơn Đoòng trong đợt đi cuối cùng của tháng 8. Khi nghe lịch trình, tôi chỉ có vài ngày chuẩn bị. Tôi nhận một bảng câu hỏi rất dài từ công ty tổ chức tour, trong đó hỏi rất chi tiết về sức khỏe, kinh nghiệm đi du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm và rất nhiều thứ khác.
Dù tin tưởng vào sức khỏe và thành tích du lịch mạo hiểm của mình nhưng tôi vẫn lo lắng vì Sơn Đoòng là một nơi hoàn toàn khác với những chuyến đi trước đó, bằng chứng là lần đầu trong đời đi du lịch, tôi phải hoàn thành một thứ mà tôi gọi là “sơ yếu lý lịch du lịch”.
Tôi có mặt ở Phong Nha - Kẻ Bàng một ngày trước chuyến đi. Tối hôm đó tôi có cuộc gặp 5 người có mặt trong hành trình đặc biệt với mình. Đi cùng là khoảng 18 nhân viên gồm hai vợ chồng chuyên gia khám phá hang động Howard và Deb Limbert, người có công rất lớn trong việc tìm hiểu và phát hiện Sơn Đoòng, nhân viên cứu hộ, chuyên gia leo núi, bác sĩ y tế, nhân viên kiểm lâm và các nhân viên khác.
Howard mang đến cho chúng tôi cảm giác khá thoải mái. Ông đề cập đến lịch trình đi, cho chúng tôi biết những điểm dừng và vị trí các địa điểm sẽ đi qua, mức độ nguy hiểm. Ông cũng dặn dò lại một lần nữa về những thiết bị do công ty du lịch cung cấp gồm thiết bị an toàn, lều, túi ngủ, mũ và quần bảo hộ, mỗi cá nhân cần và nên có những thứ gì, sắp xếp đồ đạc ra sao. Cuối cùng là nhắc nhở cả đoàn phải có một giấc ngủ thật ngon để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi ngày mai.
Xuất phát
8 giờ sáng, chuyến xe đưa nhóm chúng tôi hướng ra vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bằng tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau khoảng một giờ, xe dừng lại trên đường, tài xế báo đã đến chỗ đi vào Sơn Đoòng. Tôi xuống xe nhìn xung quanh nhưng không thấy một lối đi nào. Dù vậy, tôi vẫn yên tâm mang ba lô lên vai. Chúng tôi bắt đầu rẽ cỏ bước xuống con đường phía bên dưới.
Mỹ Huệ cùng nhóm khách nước ngoài trong ngày đầu tiên của hành trình. |
Dù đã được cảnh báo về con dốc dài 4 km nhưng tôi vẫn không thể nào tin vào độ dài của nó, chưa kể có những đoạn dốc rất cao và dựng. Thế nhưng, con dốc ấy chẳng là gì so với đám vắt chiếm cứ toàn bộ lối đi. Tiếp tục đi thêm 20 phút nữa, chúng tôi có mặt ở bản Đoòng, bản của người địa phương với khoảng 5 hộ dân sinh sống. Do thời gian gấp rút nên cả nhóm chỉ kịp gỡ vắt rồi lại lên đường. Từ đây, hành trình lội nước bắt đầu.
Suối Rào Thương là hợp lưu của nhiều con suối nhỏ thuộc dãy Trường Sơn. Suối không sâu, trong và nhiều bãi bồi. Lội suối bỏ qua được đám vắt và các loài cây độc, đường đi khó trong rừng thì nước lại kéo bước đi chậm lại. Những đoạn suối dài, nước trong veo, dù trên bề mặt rất êm nhưng có những đoạn nước cao đến ngang hông chảy ngầm bên dưới. Hết đoạn này đến đoạn khác nối tiếp nhau khiến tôi xuống sức rất nhanh.
Khoảng 15 giờ 30, sau khi vượt qua được đám chuối rừng rậm rạp, hang Én hiện ra trước mắt với cửa hang dài như hai con mắt thần. Chui vào hang, bên dưới là dòng sông xanh ngắt, phía trên ánh sáng chiếu rọi từ giếng trời ở trần hang. Trên trần, trong những hốc đá, thạch nhũ muôn hình vạn trạng là tổ của hàng vạn con én và dơi.
Từ trong hang Én nhìn ra cửa phía Tây Bắc, nơi vòm hang cao hơn 80m, bầu trời và cảnh vật hiện qua vòm hang như sắp lọt xuống dưới. Đêm đó, chúng tôi cắm trại ở hang Én. Di chuyển liên tục, mệt nên chúng tôi lăn ra ngủ sớm ngay sau khi bữa tối vừa kết thúc.
Bước chân vào thế giới khác
Tôi thức dậy sớm với sự háo hức cao độ vì biết Sơn Đoòng đang ở rất gần. Hầu như hết ngày hôm sau chúng tôi leo trèo và lội nước trong hang Én. Cuối cùng, đi qua một tán rừng, đu dây lên cao, lúc này cổng Sơn Đoòng mới xuất hiện.
Trái với sự đồ sộ ở ngoài, cổng Sơn Đoòng chỉ là một cái lỗ nhỏ vừa cho một người chui vào. Tôi vừa thò đầu vào, cả một không gian rộng lớn xuất hiện. Từ cửa động, phải bám dây để đi xuống dưới khoảng 150m. Những khối đá nhấp nhô, trơn trượt vì độ ẩm trong hang rất lớn, chưa kể có những khối đá không chắc chắn để chịu trọng lượng cơ thể người.
Để vào được Sơn Đoòng, bạn phải vượt qua được hang Én khổng lồ. |
Đứng trong lòng động, tôi thở phào nhìn xung quanh. Tôi đã có dịp đến những hang động đẹp nhất Việt Nam nhưng tất cả đều trở nên mờ nhạt khi tôi nhìn thấy nhũ đá ở đây. Nhũ đá không những vô số mà còn khổng lồ. Cả nhóm lặng lẽ đứng nhìn không thốt nên lời.
Việc tiếp theo là vượt qua một dòng nước xiết trong lòng động. Tôi không biết chính xác là thác hay suối nhưng nếu muốn đi tiếp, chúng tôi buộc phải lội qua dòng nước chảy xiết đó. Một đoạn dây được giăng sẵn từ phía bên kia, lần lượt từng người men theo dây để vượt thác, chỉ cần tuột tay, bất cứ ai cũng có thể bị dòng nước cuốn xuống dưới thác cách đó khoảng 50 m. Tôi men theo sợi dây, lần mò đường đi dưới dòng nước chảy xiết, tim chỉ muốn nhảy ra ngoài.
Tiếp tục vượt qua con suối rộng, nước lạnh buốt, mở ra trước mắt tôi là thứ ánh sáng lấp lánh trên các nhũ đá. Tôi nghĩ mình đang đứng trong một căn phòng chứa toàn kim cương. Phía bên dưới, nơi những dòng nước chảy là một dải những viên ngọc động. Hàng triệu viên đá được hình thành từ những giọt nước mang calcium từ trần hang rơi xuống. Có những dải chỉ toàn đá trắng như ngọc. Tôi nhìn những viên ngọc động, điều duy nhất trong đầu lúc đó là phải nhớ vẻ đẹp này và rất dũng cảm để không thò tay nhặt một viên. Nó đẹp đến mức có thể khiến lòng ham muốn của bất kỳ ai trỗi dậy, lấn át hết lý trí.
Vị trí cắm trại cũng là lỗ sụt thứ nhất trong lòng hang. Khi chúng tôi đến, những đám mây liên tục trôi vào khiến mọi thứ trở nên mờ ảo. Nếu đi những hang động khác, bạn sẽ hét lên khi nhìn thấy nhũ đá, còn ở đây điều đó không cần thiết vì nhũ đá ở khắp mọi nơi. Chúng lớn đến mức không có máy ảnh nào có thể chụp lại hết.
Đến chốn thiên đường
Chúng tôi khởi động ngày thứ ba bằng một cuộc leo trèo qua những dốc đá, triền đá, đặc biệt là những khe đá nhọn do nước có acid bào mòn. Tôi nín thở bước từng bước, chỉ khi bước chân bên này chắc chắn mới dám đưa chân kia lên. Đổi lại, tôi và những người bạn bước vào một cái động lớn hơn bất cứ cái động nào tôi đã thấy trước đó.
Đây cũng chính là lỗ sụt thứ hai của Sơn Đoòng. Bất cứ nơi nào có ánh sáng chiếu vào đều lung linh huyền ảo. Dưới lỗ sụt là một khu rừng xanh mướt. Đứng bên dưới, nơi ánh sáng dội ngược từ trên cao xuống, màu xanh của vườn Địa đàng (Garden of Edam) hiện ra thật kỳ ảo.
Vườn Địa đàng nhìn ngược sáng khoác lên mình một màu xanh đặc biệt. |
Khu rừng bên dưới sở hữu những thân cây dựng thẳng đứng, vươn lên đón ánh sáng từ lỗ sụt và loài vắt xanh rất độc. Sơn Đoòng không chỉ mang vẻ đẹp của sự hoang sơ mà còn chứa đựng một hệ động thực vật khác biệt. Tôi không phải là người đi rừng chuyên nghiệp để cảm nhận được sự nguyên sơ của khu rừng nhưng tôi cảm nhận được không có hơi người ở nơi này. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ, nó khiến tôi lo lắng vì không biết điều gì hay con vật gì chờ mình ở bước đi kế tiếp.
Chỗ cắm trại thứ ba là một cái động mà khi nhìn thấy bên dưới, tôi nghĩ mình đang bước vào một nơi có chứa loại cát trắng mịn nhất mà tôi từng thấy. Thế nhưng, khi đi xuống dưới, chạm chân vào mặt đất, tôi mới biết đó là một loại đất sét dẻo mịn và mềm mại. Từ chỗ này, Howard chỉ tay gọi chúng tôi nhìn ngược lại đoạn đường vừa đi qua, cả nhóm lúc này mới ngấm sợ hãi vì nó quá hiểm trở, ai cũng cắm đầu đi mà không nhận ra sự nguy hiểm của nó.
Chinh phục điểm cuối
Ngày cuối cùng trong hành trình đi vào động mới là ngày đỉnh điểm của các loại thạch nhũ. Những ngày đầu bước vào hang, tôi choáng ngợp với các loại thạch nhũ thì giờ đây cảm giác phải nhân lên rất nhiều lần. Vào những ngày mưa, nước lên cao khoảng 15m, khách sẽ được di chuyển bằng thuyền, lúc ấy cảnh còn đẹp hơn so với những gì tôi nhìn thấy.
Hôm tôi đi, nước xuống nên chúng tôi phải lội bộ, bùn ngập đến bắp chân nên khá vất vả. Hết đoạn đường này, chúng tôi đến điểm cuối của Sơn Đoòng, một bức tường dài và cao như một bức tường thành dựng đứng. Nếu trong trường hợp mưa lớn, nước ngập lối vào hang, chúng tôi sẽ phải vượt bức tường thành này để ra ngoài thay vì trở lại đường cũ.
Điểm cắm trại của ngày thứ hai, nơi những dải sương bay vào khiến thời tiết trong động liên tục thay đổi. |
Tuy nhiên công sức bằng cả chuyến đi bốn ngày trong động. Howard bảo chúng tôi tắt hết toàn bộ đèn, lúc này ánh sáng từ cửa cuối cùng của động chiếu vào tạo thành một con đường dài bằng ánh sáng. Chuyến đi ngược trở ra dễ dàng hơn rất nhiều vì cả đoàn đã quen với cường độ hoạt động liên tục trong suốt mấy ngày và đi nhanh hơn vì không dừng lại để ngắm cảnh nhiều như trước. Khi trở về lỗ sụt thứ nhất, chúng tôi không đi theo đường cũ nữa mà di chuyển bằng một con đường khác.
Đêm cuối cùng trong hang, chúng tôi được tắm ở một dòng nước nhỏ trong veo và lạnh buốt. Phía trên tường là hàng ngàn san hô và các loài động vật biển hóa thạch đã hơn 300 triệu năm. Cả một dãy vách đá dài xung quanh lòng động đều có hóa thạch tạo thành một bức tranh khổng lồ. Khi đã chán chê ngắm nhìn những hóa thạch, ghi nhớ từng hình ảnh, tôi cố gắng nhanh chóng rửa người rồi về lều ủ mình trong chăn ấm.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, Deb Limbert, người phụ nữ tận tụy và chăm sóc chúng tôi một cách thầm lặng suốt chuyến đi, dẫn nhóm băng qua chỗ có khối thạch nhũ cao 80 m nổi tiếng, cao bằng một tòa nhà 20 tầng. Để đến được đây, chúng tôi lại tiếp tục ôm cua, men theo những triền đá nhọn nhưng với những gì nhìn thấy thì quả là xứng đáng để mạo hiểm.
Tôi bước ra khỏi Sơn Đoòng nhẹ tênh, cảm giác không hề mệt mỏi như tưởng tượng ban đầu. Tôi biết Sơn Đoòng quá tuyệt vời để khiến tôi quên đi những vất vả, sợ hãi. Với tôi, dù có đi rất nhiều hành trình nữa, Sơn Đoòng vẫn là chuyến đi tuyệt nhất mà tôi có trong cuộc đời. Tôi hạnh phúc mỗi khi có ai đó hỏi về chuyến đi. Đó không phải là niềm tự hào của một người may mắn mà tôi hạnh phúc vì mỗi lần được kể chuyện là một lần nữa ghi lại trong trí nhớ những điều kỳ lạ và những cảnh tuyệt đẹp đã nhìn thấy suốt những ngày ở đây.
Kinh nghiệm du lịch Sơn Đoòng của Mỹ Huệ
Với những ai muốn khám phá Sơn Đoòng, bạn nên liên hệ với công ty tổ chức thật sớm vì lượng khách vào rất hạn chế. Hiện nay chỉ có Công ty Du lịch Oxalis được phép tổ chức tour cho khách vào Sơn Đoòng. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị cho mình một “sơ yếu lý lịch du lịch” thật tốt. Tập luyện thể lực, có những trải nghiệm về du lịch mạo hiểm trước khi đến với Sơn Đoòng. Bất cứ ai vào Sơn Đoòng hay tổ chức tham quan nơi này mà không có sự đồng ý của ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đều vi phạm pháp luật.
Các vỉa calcium phủ rêu xanh được các nhà thám hiểm gọi là green gours. |
Hãy sắm máy ảnh chống nước nếu bạn đi Sơn Đoòng. Để thực hiện được bộ ảnh này, Ryan Deboodt phải có sự giúp đỡ của rất nhiều người trong đoàn và mang theo nhiều máy móc chuyên dụng. Hãy cố gắng nhìn mọi thứ bằng mắt thường và ghi nhớ nó, cảnh trong hang Sơn Đoòng đẹp và lớn đến mức không thể có bất cứ máy ảnh nào ghi hết được.
Sau chuyến đi Sơn Đoòng, không ít bạn bè hỏi tôi: Tại sao lại phải bỏ một số tiền lớn như vậy (phí 3.000 USD) rồi vất vả, khổ sở suốt mấy ngày, chưa kể rất nguy hiểm nữa? Đi như vậy có được tắm mỗi ngày không? Có Internet để lên mạng và check-in Facebook không? Cho đến bây giờ, tôi vẫn thường chọn sự im lặng hoặc cười để trả lời những câu hỏi này, bởi đơn giản người hỏi không hiểu tinh thần của du lịch mạo hiểm. Tôi chỉ mong muốn chuyến đi của mình sẽ truyền cảm hứng cho bạn bè để họ có cơ hội cảm nhận được cảm giác “tim đập, chân run” khi nhìn thấy vẻ nguyên sơ của Sơn Đoòng. Từ đây bạn sẽ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ nó.
Tuyệt đối tôn trọng môi trường
Hiện nay, ngoài việc bị hạn chế số lượng vào Sơn Đoòng (năm 2014, ban quản lý rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ cấp phép cho 220 khách vào hang), khách còn phải ý thức được việc bảo vệ môi trường. Bạn chẳng những không được xả rác, bẻ cây, ngắt lá mà còn tuyệt đối không được chạm vào bất cứ thứ gì trong hang khi các chuyên gia chưa cho phép, vì có những thạch nhũ vẫn đang trong quá trình hình thành, chỉ cần một cái chạm tay thạch nhũ sẽ bị tác động và ngừng quá trình phát triển.
Nhũ đá khổng lồ có mặt ở khắp mọi nơi trong lòng động. |
Bạn phải lưu ý, đưa cái gì vào thì phải đưa nó ra, kể cả chất thải của mình. Việc không chạm tay cũng để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của bạn vì trong động vẫn còn nhiều thứ chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, có thể vẫn còn những chất ảnh hưởng đến sức khỏe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.