Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có được thỏa thuận thi hành án?

Ban Bạn đọc| 06/04/2015 07:18

Sau khi tòa án xét xử tôi thắng trong vụ kiện tranh chấp đất đai, buộc bị đơn phải trả lại tôi phần diện tích đã lấn chiếm. Nhưng bị đơn muốn tính chuyển diện tích đất phải trả thành tiền mặt để thanh toán cho tôi. Chúng tôi có được thỏa thuận thi hành án sau khi bản án đã có hiệu lực. Đỗ Ngọc Bích (Huyện Phúc Thọ)

Sau khi tòa án xét xử tôi thắng trong vụ kiện tranh chấp đất đai, buộc bị đơn phải trả lại tôi phần diện tích đã lấn chiếm. Nhưng bị đơn muốn tính chuyển diện tích đất phải trả thành tiền mặt để thanh toán cho tôi. Chúng tôi có được thỏa thuận thi hành án sau khi bản án đã có hiệu lực.
Đỗ Ngọc Bích (Huyện Phúc Thọ)

Trả lời:


Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, nêu:

1. Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của UBND xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó.
Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

2. Sau khi thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do.

Người yêu cầu chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.

3. Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có được thỏa thuận thi hành án?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.