(HNM) - Theo các nhà khoa học, khí thải trong chăn nuôi nếu biết sử dụng đúng cách sẽ trở thành nguồn năng lượng hữu ích. Như máy phát điện chạy khí sinh học (biogas) để thắp sáng, bơm nước… vừa giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường vừa hướng tới giảm
Biến chất thải thành tiền
Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm, tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam sẽ thải vào môi trường khoảng 73 triệu tấn chất thải. Ước tính, với cách quản lý, sử dụng truyền thống như hiện nay một tấn chất thải đó sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2. Bởi thế, giải quyết vấn đề chất thải chăn nuôi và hiệu ứng từ nó là một trong những vấn đề cấp bách của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay. Việc sử dụng công nghệ biogas là một trong những giải pháp vừa mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường và nguồn dịch bệnh.
Xây dựng hầm khí biogas tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Đình Na
Theo ông Nguyễn Đức Tuyến (Công ty cổ phần Thương mại Tân Tiến), với các trang trại vừa và nhỏ, chi phí cho việc xây hầm biogas, dùng máy phát điện chạy biogas là không đáng kể so với lợi ích mang lại. Sử dụng loại máy này có thể tiết kiệm được 50% chi phí điện cho các hộ gia đình. Nguyên tắc vận hành của máy cũng khá đơn giản: Khí biogas từ các hầm ủ được dẫn vào các túi nhựa để trữ và khi vận hành chỉ cần mở van dẫn khí vào máy và khởi động máy. Khi thấy điện áp ổn định thì đóng tải các thiết bị như ti vi, quạt, máy bơm nước… Toàn bộ lượng phân thải ra sẽ được tận dụng tối đa, không chỉ để đun nấu mà còn tạo được điện năng, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.
Với tình trạng cắt điện luân phiên như hiện nay, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vấn đề thiếu điện để thắp sáng, quạt mát... cho gia súc, gia cầm nhiều năm nay đã trở nên nan giải. Trong khi đó, nếu hộ dân nuôi từ 50 con lợn trở lên mà biết tận dụng nguồn chất thải hợp lý thì có thể chủ động được nguồn năng lượng điện, không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Cụ thể, với 50 con lợn, nếu dùng chất thải để phát điện có thể sản sinh từ 4-5kW điện, giúp thắp sáng 50 bóng đèn nê ông. Chi phí đầu tư cho hệ thống máy biogas phát điện vào khoảng 30-40 triệu đồng. Sử dụng khí biogas để phát điện thắp sáng mỗi năm sẽ tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ đối với người chăn nuôi trong bối cảnh "bão giá" hiện nay.
Giải pháp để nhân rộng mô hình ?
Máy phát điện chạy bằng biogas đã được ứng dụng tại Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Tiền Giang… Bước đầu, giải pháp này đã cho hiệu quả rõ rệt. Ở Hà Nội, mô hình này cũng đã được áp dụng tại một số hộ chăn nuôi ở Mỹ Đức, Đông Anh.
Ông Nguyễn Kim Tuấn, xã An Tiến (huyện Mỹ Đức), chủ hộ chăn nuôi lợn siêu nạc cho biết, một số hộ chăn nuôi lợn đã xây hầm biogas được vài năm nay và cho hiệu quả tốt. Với hầm biogas 25m3, ngoài đun nấu, gia đình ông sử dụng lượng gas dư để chạy máy phát điện, tiết kiệm được không ít kinh phí. Ngoài ra, phụ phẩm khí sinh học được sử dụng làm phân bón cho đồng ruộng và hoa màu, giúp cây trồng tăng sản lượng rõ rệt.
Theo bà Hồ Lan Hương (Viện Năng lượng), hiện cả nước có khoảng 2 triệu hầm biogas các loại nhưng số dùng để phát điện còn hết sức khiêm tốn... Trong khi đó, ngành chăn nuôi vẫn tăng trưởng nhanh nên tiềm năng phát triển thị trường máy phát điện sử dụng khí sinh học là khá lớn.
Một tín hiệu vui là sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học của ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã thành công trong việc nghiên cứu, sử dụng biogas để chạy động cơ diesel cỡ nhỏ. Kết quả của nghiên cứu này là động cơ sử dụng nhiên liệu diesel sẽ được cải tạo để có thể sử dụng biogas. Để bảo đảm nguồn cấp nhiên liệu cho động cơ hoạt động ổn định khi thay đổi tải, các nhà khoa học đã sử dụng bộ ổn áp kết hợp với van tiết lưu cơ khí thành bộ điều tốc cho động cơ biogas. Thực nghiệm cho thấy, khi thay đổi tải, điện áp ổn định cao, hệ thống đơn giản và dễ chế tạo, giá thành thấp. Thêm nữa, khi động cơ chạy ổn định thì khí thải không có bồ hóng. Đây là ưu điểm nổi bật của động cơ chạy bằng biogas. Nếu các hầm biogas có sự cố thì vẫn có thể chuyển sang sử dụng nguyên liệu dầu diesel.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá thành máy tương đối cao so với khả năng của nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng máy phát điện chạy biogas nên người dân khó lựa chọn loại thiết bị tối ưu. Nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng biogas để phát điện thành công nhưng chi phí để nhân rộng mô hình trong đời sống thì không tùy thuộc giới khoa học. Tính ứng dụng đã rõ, giải pháp nhân rộng mô hình ứng dụng thì không (chưa), điều đó dẫn đến việc dùng biogas để phát điện gần như vẫn là "xa xỉ" với hầu hết hộ chăn nuôi. Đó là điều đáng tiếc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.