(HNM) - Cơ đồ dân tộc là giá trị linh thiêng, được hội tụ tổng hợp từ nhiều thành tố, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hài hòa sức mạnh vật chất và tinh thần, giữ vững chủ quyền quốc gia, có thể chế chính trị tiến bộ, có tiềm lực kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quốc phòng và an ninh luôn được tăng cường... Cơ đồ dân tộc cũng chính là tầm vóc Việt Nam hôm nay và mai sau, là hình ảnh đất nước trong lòng dân, trong con mắt bạn bè thế giới.
1. Cơ đồ dân tộc ngày nay không tự có mà được dựng xây, tô đẹp và bảo vệ bằng trí tuệ, nhiệt huyết cách mạng, đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ người dân đất Việt Nam. Tổng công trình sư dựng xây cơ đồ Việt Nam hôm nay thuộc về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam. Hình hài đất nước mà Nguyễn Ái Quốc tìm ra cho Tổ quốc, được Người truyền vào linh hồn của Đảng là độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào. Ngay từ ngày thành lập, Đảng ta đã xác định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là thực hiện thành công cách mạng dân tộc, dân chủ và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lãnh thổ luôn gắn liền với chủ quyền thiêng liêng dân tộc, vì nó mà tổ tiên, cha ông ta từ muôn đời không cam chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ xâm lược nào. Việt Nam từng chịu nỗi đau chia cắt bởi các cuộc nội chiến và xâm lược, đô hộ từ bên ngoài, nên trong 91 năm có Đảng lãnh đạo, vấn đề cốt lõi của dân tộc chính là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đến nay, non sông ta liền một dải từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Chúng ta có đường biên giới trên đất liền, trên biển và trên không, được luật pháp quốc tế công nhận. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc, Việt Nam có đủ thực lực, trước hết là quan điểm của Đảng luôn nhất quán, kiên định, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong phát triển. Tiếp đến là lòng dân yêu nước, không để bất kỳ kẻ thù nào chia rẽ khối đại đoàn kết, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Chúng ta cũng đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh về tinh thần thép và sự mưu trí chiến thuật làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân. Bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm, không để Tổ quốc bị bất ngờ, dựa vào thế trận lòng dân để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ - đó là tư tưởng giữ nước mang bản sắc Việt Nam.
Thể chế chính trị là nhân tố dẫn hướng cơ đồ dân tộc. Thể chế chính trị ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân ngay từ khi khai sinh đã mang những thuộc tính dân chủ nhân dân. Nhà nước biết lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, học hành, làm việc, cống hiến, thụ hưởng lợi ích chính đáng; những người được dân ủy quyền quản lý, điều hành đất nước là công bộc của nhân dân. Biết “khoan thư sức dân”, biết đau nỗi đau đất nước, biết cùng nhân dân đẩy con thuyền cách mạng vượt qua bão tố thời đại, cập bến vinh quang, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, thể chế chính trị ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng là tinh hoa trong trí tuệ và nhân tâm của đồng bào.
2. Kinh tế là sức mạnh vật chất của dân tộc. Từ phương thức sản xuất thủ công, dân tộc Việt Nam đã dần tự giải phóng cơ bắp của mình, học hỏi kinh tế tri thức, kinh tế thị trường, đón đầu xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Việt Nam từ một nền kinh tế bao cấp, sau 35 năm đổi mới đã trở thành một nền kinh tế mở theo hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập ngày càng tích cực hơn với kinh tế thế giới, tự tin tham gia vào hầu hết các thể chế kinh tế đa phương khu vực và thế giới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lương thực, thực phẩm không đủ ăn, hàng tiêu dùng khan hiếm, đến nay Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo và nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, kinh tế du lịch cũng là mũi nhọn mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia có môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả, trở thành một lực hút khá mạnh đối với giới đầu tư nước ngoài. Từ một nền kinh tế gần như mất kiểm soát an ninh tài chính, để lạm phát phi mã trên 300%, để nợ nước ngoài và nợ nội địa chồng chất, đến nay Việt Nam có khả năng kiểm soát tài chính và kéo giảm nợ công ở mức dưới 60%. Ngân sách quốc gia sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ có khoảng 1 triệu đồng tiền Đông Dương rách nát, đến nay đã có đủ nguồn lực tài chính để giữ cân đối kinh tế vĩ mô, đầu tư cho những công trình trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ một dân tộc bị coi là nhược tiểu, bị các cường quốc thỏa thuận lợi ích sau lưng, Việt Nam trở thành một quốc gia có quyền tự quyết, có vị trí, vai trò, uy tín trên trường quốc tế, có mối quan hệ ngoại giao với 189/193 thành viên của Liên hợp quốc. Trong đó, có quan hệ với 30 đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, tổ chức thành công nhiều diễn đàn lớn của quốc tế, 2 lần hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 2 lần Chủ tịch luân phiên ASEAN... Việt Nam là tấm gương trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19. Một dân tộc đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế nhỏ bé, không phải là cường quốc quân sự, nhưng Việt Nam đã khiến bạn bè quốc tế phải thốt lên không ít mỹ từ như: Dân tộc Anh hùng, đất nước kỳ diệu, tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, phát triển, bảo vệ phẩm giá và lương tri nhân loại…
Khối đại đoàn kết, lòng dân là thước đo nội lực tinh thần dân tộc, là điểm tựa để dựng xây và bảo vệ vững chắc cơ đồ dân tộc Việt Nam từ xưa cho tới nay và mãi mai sau. Kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây cho thấy, chỉ số lòng tin của nhân dân với Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII theo biểu đồ đi lên. Đại đa số người dân được hỏi ý kiến đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là dấu mốc mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về dựng xây cơ đồ Việt Nam tới giữa thế kỷ XXI khi đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi các cấp độ mục tiêu này, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, cần phải thấu triệt 5 quan điểm phát triển được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đó là đường chỉ đỏ mà Đảng đã hoạch định và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chắc chắn sẽ đi tới bằng tiền đề lịch sử đã có cũng như bằng khát vọng đang trào dâng trong đời sống chính trị của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.