(HNM) - Xã Cổ Đô là một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Ba Vì trong thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng làng văn hóa… Tuy trở thành xã điểm NTM, điển hình của huyện Ba Vì nhưng Đảng bộ, chính quyền nhân dân Cổ Đô vẫn còn phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách.
Sinh động bức tranh nông thôn
Những năm qua, xã Cổ Đô đã được quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình phúc lợi trên địa bàn bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự tự nguyện đóng góp của người dân. Vì vậy, có thể nói, bộ mặt nông thôn mới ở Cổ Đô đang đổi thay từng ngày. Hai năm nay, xã đang tích cực liên kết với một số trường cao đẳng, trung cấp mở các lớp dạy nghề cho xã viên, đến nay đã mở được 2 lớp nuôi trồng thủy sản cho hơn 100 lao động trong vùng quy hoạch thủy sản. Xã có 4 thôn thì cả 4 thôn đều được công nhận là làng văn hóa, số hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm là 92%, trong đó tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 90%. Các thôn đều xây dựng hương ước và quy ước làng văn hóa, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ…
Cách đây 6 năm, xã Cổ Đô trở thành một trong những xã điển hình về phong trào DĐĐT, Đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch chỉ đạo các HTX thực hiện. Với tổng diện tích đất nông nghiệp 331ha, khi chưa DĐĐT trung bình mỗi hộ dân có từ 14 đến 18 thửa, mỗi thửa khoảng 160m2. Sau khi thực hiện DĐĐT, hộ nhiều nhất chỉ còn 5 thửa, hộ ít là 1-2 thửa, trung bình cả xã mỗi hộ có 3 ô thửa, diện tích mỗi thửa tăng lên 634m2. Hiện xã Cổ Đô đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung như vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản (20ha); khu vực đồng trũng 80ha chuyển sang nuôi thủy sản thuộc HTX Tân Đô và vùng còn lại có diện tích khoảng 200ha trồng hai vụ lúa và một vụ màu. Đến nay, nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, từ 80 đến 180 triệu đồng/ha/năm, những hộ đầu tư cao cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm.
Đẩy mạnh huy động sức dân
Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho rằng, trong xây dựng NTM, thách thức lớn nhất đối với địa phương là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với các vùng quê thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, muốn nâng cao thu nhập quan trọng nhất vẫn là phát huy giá trị của đất đai, đầu tư phát triển nông nghiệp giá trị cao. Trên cơ sở điều kiện canh tác của từng xứ đồng, xã quy hoạch thành vùng lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, vùng nuôi trồng thủy sản… gắn với công tác DĐĐT lần 2, bảo đảm 100% số hộ chỉ còn từ 1-2 thửa, thậm chí nhiều hộ chung nhau một thửa để tập trung chuyển đổi các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch. Đây là cơ sở quyết định cho việc hình thành những trang trại lớn, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Cổ Đô.
Theo kết quả rà soát hiện trạng xã Cổ Đô mới có 2 tiêu chí đạt, 4/19 tiêu chí cơ bản đạt và 13 tiêu chí chưa đạt. Xã đã xây dựng đề án NTM với tổng số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Xây dựng NTM không có mục tiêu nào khác là làm cho cuộc sống của nhân dân tốt lên, vì vậy bản thân người dân phải tham gia thực hiện mới thành công. Hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng nhưng nguồn lực tại chỗ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thủy, hiện xã đã hoàn thành các quy hoạch tổng thể và đang triển khai đồng loạt hơn 20 đầu việc liên quan tới các tiêu chí trong xây dựng NTM. Để tạo thêm nguồn lực, xã đã huy động được một số DN hỗ trợ cho địa phương trong công tác xây dựng NTM, xã tập trung tuyên truyền, vận động cũng như tạo điều kiện để con em xa quê được tham gia, đóng góp ý kiến cho quy hoạch NTM, tranh thủ trí tuệ và vật lực kiến thiết quê hương. Trên cơ sở quy hoạch, xã phân loại các hạng mục công trình dễ huy động sức dân để tiến hành xã hội hóa, công trình nào Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp để có kế hoạch triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.