Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ Đô - Làng họa sĩ

Sơn Tùng| 08/09/2013 06:41

(HNM) - Nằm soi bóng bên dòng sông Hồng hiền hòa, trải qua năm tháng, Cổ Đô (Ba Vì) vẫn luôn giữ được vóc dáng, hồn cốt của làng quê Việt.

Xã Cổ Đô có 4 làng và xóm chài (Tân Tiến), mỗi làng đều ẩn chứa một vẻ đẹp riêng. Kiều Mộc là làng có lương - giáo cùng chung sống hiền hòa, thanh bình. Làng Kiều Mộc đang phấn đấu trở thành "làng sức khỏe" trong năm 2013. Người dân có ý thức cải thiện môi trường sống, hạn chế các bệnh dịch, đi đôi với danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nếp sống lành mạnh, xóa bỏ được các tập tục có hại đối với sức khỏe con người. Làng Viên Châu giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của một làng ven sông với cây đa, bến nước, sân đình… luôn níu giữ chân những ai một lần qua đây.

Chợ trên sông của xóm chài Cổ Đô. Ảnh: Quốc Ân


Làng Cổ Đô nổi tiếng là làng hiền tài và học vấn với những danh nhân Nguyễn Sư Mạnh đỗ Tiến sĩ, đời Lê Thánh Tông; Nguyễn Bá Lân nổi tiếng về văn chương, thơ phú. Có lẽ đương thời và sau này, không có một Nguyễn Bá Lân thứ hai. Với 50 năm làm quan, ông đã 17 lần được thăng chức và được vinh danh là "Thượng thư lục bộ", từ Thượng thư Bộ lễ, rồi Thượng thư Bộ bộ, Thượng thư Bộ công... Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Viết Liêm không giấu được niềm tự hào: Từ nghìn đời nay, đến với ngã ba Hạc Phú là đến với vùng mây nước tươi đẹp, nơi gặp gỡ của ba con sông, ba màu nước… Cụ Nguyễn Bá Lân đã có những vần thơ bất hủ: "Xinh thay!Ngã ba Hạc/Lạ thay!Ngã ba Hạc.../Ngóc ngách khôn dò rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/Lênh láng dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc". Để rồi ngày nay, con cháu ở đây lại tiếp nối truyền thống thơ phú ấy.

Làng Cổ Đô còn là làng hoạ sĩ. Hoạ sĩ Sĩ Tốt khá nổi tiếng với những bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia: "Bố con", "Tiếng đàn bầu" cùng nhiều tranh khác được lưu giữ ở các bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thuỵ Điển... Ông được coi là người "khởi nghiệp" hội họa của làng Cổ Đô. Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình, tên tuổi và vị trí Sĩ Tốt được ghi nhận trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã dìu dắt lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới họa sĩ. Hiện làng có gần 1.000 hộ, hơn 3.000 dân sinh sống, thì gia đình nào cũng có người biết vẽ và cả xã có hơn 100 họa sĩ giỏi, khẳng định được vị trí của mình trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại. Cổ Đô không phải ai cũng được học qua các lớp mỹ thuật, nhưng bằng năng khiếu bẩm sinh, bằng niềm đam mê hội họa đã ngấm vào máu của người dân nơi đây. Đặc biệt, sự ra đời của Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, Trung tâm Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình đã trở thành điểm sinh hoạt, nơi ươm mầm tài năng cho các thế hệ họa sĩ nhí của làng quê. Họa sĩ trẻ Phạm Quang Tùng tâm sự: "Tôi đến với mỹ thuật rất tình cờ, qua các lớp học của họa sĩ Sĩ Tốt, niềm đam mê lớn dần theo năm tháng. Hình ảnh làng quê đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng và giờ đã có nhiều triển lãm tại Hà Nội, song dấu ấn làng quê vẫn nguyên vẹn trong tôi".

Ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô chia sẻ đầy tự hào: Cổ Đô xưa và nay có được những vẻ đẹp văn hóa ấy, bởi nó được xây dựng trên cái nền học vấn tốt và nền tảng ấy do người dân bao đời tạo dựng. Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học. Đất Cổ Đô là đất học. Thời kỳ phong kiến, Cổ Đô rạng rỡ với những ông nghè, ông cống; ở thời kỳ Pháp thuộc, làng quê này lại tự hào với những cử nhân, tú tài tây học và giờ đây có hơn 300 cử nhân, tiến sĩ của làng càng làm người Cổ Đô tự hào hơn. Dù còn nhiều khó khăn, người dân Cổ Đô vẫn cố gắng góp công, góp của xây dựng trường sở, động viên con em học hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ Đô - Làng họa sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.