Theo thông tin từ mạng xã hội, một cô dâu Việt Nam, đang kêu cứu vì bị người chồng đánh đập, hành hạ tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Lần theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến gia đình của cô gái được cho là đang bị hành hạ tại Trung Quốc.
Ông Liêu Xương (50 tuổi) và bà Đào Thị Trăng (49 tuổi, cùng ngụ ấp Điền Hòa, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), cho biết: Gia đình như đang “ngồi trên lửa” khi biết con gái mình là Liêu Thị Mộng Trinh (23 tuổi) đang bị chồng đánh đập và hành hạ tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc”.
Cha và mẹ của chị Trinh đang ngóng tin con gái. |
Vào cuối tháng 2-2016, qua sự mai mối của một người phụ nữ có chồng ở Trung Quốc, con gái bà đã đồng ý lấy một người thanh niên mang quốc tịch Trung Quốc tên là Ye Fei (28 tuổi).
“Tuy gia đình không đồng ý gả con gái vì Ye Fei là một người bị câm điếc. Nhưng phía Trinh muốn lấy người này để nhận 50 triệu đồng tiền cưới, để giúp gia đình trả nợ” – ông Liêu Xương, chua xót cho biết.
Chỉ vài ngày sau, gia đình có tổ chức 2 mâm tiệc để chiêu đãi bà con họ hàng, số tiền còn lại dành để trả nợ. Sau đám cưới 10 ngày, cô dâu xuất ngoại theo chồng. Tuy nhiên, cả 2 cho biết, không làm thủ tục gì cho con gái và cũng không biết con mình đi Trung Quốc bằng đường nào.
Bà Trăng cho biết thêm, 2 năm trước bà cũng đã gả chị của Trinh, là Liêu Thị Hồng Đào cho người Trung Quốc. Sau khi sang Trung Quốc 2 năm, cô chị về thăm nhà được 2 lần, mỗi lần cho bà Trang được 3 triệu đồng. Khi nghe tin gia đình sắp làm lễ cưới cho Trinh, người chị gái cũng đã gọi điện thoại về ngăn cản, nhưng do gia đình đang mang nợ nên chấp nhận để Trinh lấy người chồng câm điếc.
Ảnh cưới của chị Trinh và chồng người Trung Quốc. |
Cũng theo bà Trăng, Trinh qua đến nhà chồng ở Trung Quốc chưa được bao lâu thì liên tục bị chồng đánh đập, bạo hành.
“Con tôi nói chồng nó ngoài bị câm còn bị thêm bệnh thần kinh nhẹ nên cứ la hét, đánh đập nó. Còn giấy tờ tùy thân thì bị gia đình chồng thu giữ hết vì họ sợ bỏ trốn” – bà Trăng cho biết.
Ngày 23-10, trao đổi chúng tôi, ông Lê Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tân, cho biết: “Tại ấp Điền Hòa hơn 50% người dân là người Khmer. Tại địa phương, chính quyền rất khó quản lí các trường hợp lấy chồng ngoại, nhất là lấy người Trung Quốc, vì có một số trường hợp lách luật, đa phần đến tuổi lấy chồng, phụ nữ làm giấy tờ độc thân để nhờ mai mối, sau đó về địa phương lấy chồng".
Một số gia đình chưa nhận thức được vấn đề hôn nhân, tương lai của con cái, chỉ muốn gả để lấy phần tiền cưới khá cao. Phía địa phương cũng đã nắm được thông tin về trường hợp của chị Liêu Thị Mộng Trinh, nhưng chưa xác định được là nguồn tin có chính xác hay không.
Riêng gia đình chị Trinh là người Khmer, có 2 công lúa, nhưng cha mẹ Trinh vẫn phải đi làm thuê, làm mướn, thuộc dạng khó khăn ở địa phương. Riêng em Trinh thì trình độ học vấn cũng vừa hết lớp 10. "Trước mắt, phía chính quyền xã kết hợp với ấp xuống gia đình thăm hỏi và nắm tình hình. Sau đó, đã có báo về lãnh đạo huyện, chờ xử lý”, ông Lê Văn Nhớ nói.
Cùng ngày, bà Đỗ Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thới Tân, cho biết: “Tôi đã liên lạc được với anh Minh (người chia sẻ thông tin lên mạng xã hội), theo anh Minh cho biết thì đã liên hệ được với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Nhưng vấn đề là giữa Liêu Thị Mộng Trinh và người chồng Trung Quốc là kết hôn đúng pháp luật. Phía Đại sứ quán đã có can thiệp với gia đình và tiếp tục theo dõi của sự việc để có hướng giải quyết. Còn điện thoại của Trinh đã bị gia đình chồng giữ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.