(HNM) - Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ chế nhà nước bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Giám sát mới đây của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về vấn đề này cho thấy, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, song vẫn còn nhiều bất cập…
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ. |
Tự chủ nửa vời
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giao quyền tự chủ tài chính cho 16 đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay mới có 2 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Đó là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Việc tự chủ 100% chi thường xuyên như ở Nhà hát Múa rối Thăng Long đã là rất nỗ lực, song hoạt động còn nhiều bất cập. Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long Chu Văn Lượng cho biết, nguồn thu của đơn vị tương đối ổn định, trong đó năm 2018 vượt thu hơn 6 tỷ đồng so với chỉ tiêu giao. Từ đó, đơn vị dành một phần kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng quy trình xin cấp trên duyệt rất chậm. Có hạng mục trình duyệt hơn 1 năm vẫn chưa được chấp thuận.
Bảo tàng Hà Nội hiện tại chưa thực hiện được cơ chế tự chủ chi thường xuyên, nhưng theo Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Tiến Đà, đơn vị đã có những khu trưng bày chuyên đề và nhiều doanh nghiệp du lịch rất muốn đưa khách đến tham quan. Song, trở ngại chính là quy định không được bán vé, tức không có nguồn thu "hoa hồng" từ vé của doanh nghiệp nên nơi đây rất vắng khách. Vì thế, để tăng nguồn thu, thành phố sớm cho phép để đơn vị bán vé tham quan, thúc đẩy hoạt động du lịch, tiến tới tự chủ chi thường xuyên vào năm 2022.
Các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục và Đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Bà Ngô Thị Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt Triều Hữu nghị (quận Đống Đa) nêu: “Trường rất áp lực trong hoạt động tuyển sinh hằng năm, vì phụ huynh so sánh mức thu học phí của nhà trường cao hơn các trường công lập khác chưa thực hiện cơ chế tự chủ. Trong khi, không thu học phí đủ cân đối thì không đủ trang trải cho chi lương và hoạt động thường xuyên”.
Tương tự, Trường Mầm non đô thị Sài Đồng thuộc quận Long Biên cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng do xây dựng mức thu học phí bảo đảm cân đối cho tự chủ toàn phần chi thường xuyên, nên tỷ lệ tuyển sinh của trường đều không đạt so với dự kiến. Bên cạnh đó, tự chủ về tài chính, nhưng chưa được tự chủ về nhân sự, nên việc tuyển dụng giáo viên đáp ứng đủ chuẩn cũng khó thực hiện.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cũng đối mặt nhiều khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn (Giám đốc Ban), để tự cân đối chi thường xuyên, đơn vị phải có nhiều dự án. Song thực tế, ban đang phải giải quyết 200 dự án tồn đọng khi sáp nhập 7 đơn vị, mà hầu hết hồ sơ thất lạc, ngân sách đã chi, nhưng chưa quyết toán xong. Bên cạnh đó, viên chức, lao động của đơn vị lên tới hơn 300 người nhưng chất lượng không đồng đều, dẫn đến hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ.
Tháo gỡ cách nào?
Thực tế ở cơ sở cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn mâu thuẫn. Đó là đơn vị tự chủ thực hiện nhiệm vụ chưa được tự chủ chi trả lương dựa trên năng lực, hiệu quả công tác vì quy định lại bắt buộc tiền lương chi cho cán bộ, viên chức và người lao động phải bảo đảm theo ngạch, bậc. Điều này chẳng những không khuyến khích được sự sáng tạo, các nhân tố tích cực, mà còn tạo sức ỳ, gây khó khăn cho đơn vị.
Hiệu trưởng Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thu Thùy đề xuất, ngoài giao tự chủ về tài chính, Nhà nước cần giao tự chủ về nhân sự. Bên cạnh đó, nên triển khai đồng loạt việc tự chủ tài chính đối với các trường công lập, tránh phụ huynh so sánh mức thu học phí cao - thấp, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết, song phải có lộ trình, làm từng bước, hướng dẫn cụ thể quy trình, để tránh việc thực hiện một thời gian khó khăn, quay lại xin bao cấp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, hiện một số bộ, ngành chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý ngành dọc. Do đó, chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa việc tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế với việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu các giải pháp cho UBND thành phố để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố sẽ kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo rà soát, làm rõ về mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy của các ban quản lý dự án tập trung của thành phố; các công ty thủy lợi, các đơn vị sự nghiệp công lập khối giáo dục, khối văn hóa - thể thao có các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật, trung tâm huấn luyện thể dục - thể thao. Thông qua đó xem xét hiệu quả hoạt động, việc thực hiện phân cấp, việc thực hiện kinh phí do thành phố cấp, cũng như việc thực hiện tự chủ chi thường xuyên của các đơn vị. Từ đó, HĐND thành phố xem xét, xây dựng, ban hành chính sách về lĩnh vực này cho hợp lý, phù hợp thực tiễn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.