(HNM) - Tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức bình quân 68% trong giai đoạn 2011-2015, lên mức 82% năm 2019. Điều này cho thấy, cơ cấu thu, chi ngân sách đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Để nguồn thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, theo kế hoạch, tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 năm 2016-2020 là 6,8 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến nay, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách nhà nước đã đạt 23,4% GDP (kế hoạch là 23,5% GDP).
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cơ cấu thu, chi ngân sách đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%, lên mức 82% năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020. Trong khi đó, thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, xuống còn 17,7% năm 2019 và 16,1% dự toán năm 2020.
Về cơ cấu chi, tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%, trong khi mục tiêu kế hoạch là dưới 64%. Tỷ lệ dự toán bội chi ngân sách nhà nước cũng giảm dần, năm 2020 dự kiến còn 3,44% GDP…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, vẫn còn một số khó khăn như: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm; cơ cấu lại chi đầu tư công chưa hiệu quả, phân bổ còn dàn trải, kế hoạch đầu tư công hằng năm triển khai còn chậm; tỷ lệ nợ công so với GDP tuy có xu hướng giảm, nhưng còn nhiều rủi ro…
Đánh giá về cơ cấu thu, chi ngân sách thời gian qua, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cấp thẩm quyền đã nhiều lần điều chỉnh chính sách thuế theo hướng miễn, giảm, hoãn, giãn tiến độ nộp thuế. Điều này đã làm giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách so với GDP. Tuy nhiên, cơ cấu thu ngân sách nhà nước đã được cải thiện theo hướng bảo đảm tính ổn định, bền vững của ngân sách nhà nước. Nguồn thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh trong nước đã tăng dần qua các năm và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân, công tác quản lý thu ngân sách và cơ cấu ngân sách đã được Bộ Tài chính thực hiện với nhiều bước tiến quan trọng. Cơ cấu thu ngân sách ngày càng vững chắc hơn, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước ngày càng cao; tỷ trọng thuế gián thu trong tổng số thu thuế và phí ngày càng tăng, tỷ trọng thuế trực thu giảm dần, phù hợp với chủ trương giảm động viên, tăng tích tụ vốn. Để bảo đảm tính bền vững của ngân sách trong giai đoạn tới, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, trong cơ cấu thu ngân sách, vai trò của các khoản thu nội địa, nhất là loại thuế tài sản, thuế tiêu dùng với hàng sản xuất nội địa (như thuế tiêu thụ đặc biệt), thuế thu nhập cá nhân sẽ ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, buộc phải có những điều chỉnh về chính sách thuế đồng thời với chính sách chi ngân sách để bảo đảm tính bền vững của ngân sách.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, dưới sự tăng cường giám sát của các cơ quan, ban, ngành, kỷ luật ngân sách đã được thực thi nghiêm ngặt. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tăng trách nhiệm người đứng đầu trong nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.