(HNM) - Trong quá trình thực hiện loạt bài
Anh Đặng Ngọc Khuê, 36 tuổi, số 152 Yên Phụ, Hà Nội
Thú thực, nhiều lúc nghe ý kiến của người nước ngoài về hành vi tham gia giao thông bất chấp luật lệ của nhiều người Hà Nội mà thấy chạnh lòng. Nhưng khổ nỗi đó lại là sự thật phổ biến, muốn "nói lại" cũng khó thuyết phục được người ta. Nhìn cảnh giao thông ở Hà Nội mà nản, chẳng mấy ai nhường ai. Người đi xe máy vô tư tạt đầu ô tô, người lái ô tô lại chen vào làn đường của xe máy. Có cảm giác như một chút nhường nhịn trong khi tham gia giao thông đang là điều xa xỉ. Một Hà Nội hiện đại thì không thể để tình trạng trên tồn tại.
Anh Trần Mạnh Hà,39 tuổi, số 270, ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội
Hà Nội thời mở cửa có cả điều hay, sự dở. Có những cái dở hơn trước nhưng cũng nhiều giá trị tốt đẹp ngày càng được nhân lên. Nhiều người phê lớp trẻ sống vội, chỉ lo cho bản thân, nhưng như thế là phiến diện. Có rất nhiều thanh niên tự lực vươn lên, chủ động giúp đỡ người khác. Như lớp võ của tôi chẳng hạn, cứ có dịp là các võ sinh lại chủ động quyên góp làm từ thiện. Còn nhiều thanh niên khác cũng thấm nhuần tinh thần "nhường cơm sẻ áo", "lá lành đùm lá rách". Họ lập nhóm, đến các địa chỉ từ thiện để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bằng mọi cách, từ tặng quà đến dạy học. Lại có những nhóm cứ cuối tuần lại đạp xe kêu gọi bảo vệ môi trường… Cách đây độ 20 năm, chuyện này ít thấy nhưng hiện nay lại nở rộ, đó là điều đáng mừng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, 64 tuổi,98 Yết Kiêu, Hà Nội
Với tôi, ấn tượng lớn nhất về khán giả thời bao cấp là sự nhiệt tình, hết mình nhưng không thái quá. Mỗi trận bóng đá thời bao cấp ở Hà Nội thực sự là ngày hội, kể cả những trận đấu quốc tế không có đội Việt Nam tham dự cũng đông nghẹt khán giả. Họ cổ vũ không bài bản, không có những màn đánh trống, phất cờ như hiện nay, nhưng sự cuồng nhiệt và "cái tình" dành cho cầu thủ rất rõ. Khán giả thường nán lại để động viên cầu thủ, dự lễ trao cúp một cách lịch sự chứ không bỏ về trước. Bây giờ, những hình ảnh đó ít xuất hiện, trong khi cách cổ vũ lại có lắm lời lẽ thô tục. Cổ động viên Hà Nội cần học thêm cách cổ vũ văn minh ở các nền thể thao phát triển chứ đừng nên theo cách đội nhà thắng thì ào ào xuống đường, lúc đội nhà bế tắc thì chìm trong im lặng.
Bà Trịnh Thị Kim Điệp, 64 tuổi, số 12, ngõ 514 Thụy Khuê, Hà Nội
Việc tu bổ, tôn tạo di tích văn hóa ở Hà Nội giờ thuận lợi hơn, đặc biệt là về kinh phí. Nhưng nguồn tiền ấy đã phát huy hiệu quả xứng đáng hay chưa? Ở nhiều nơi, cảnh quan di tích sau khi được tôn tạo thực sự đáng "đồng tiền bát gạo", nhưng cũng có nơi lại không được như vậy, đơn cử như chùa Trăm Gian mới đây. Cách ứng xử với di tích văn hóa nổi tiếng này tạo ra sự lo lắng, bởi nếu không phải là chùa Trăm Gian mà là một ngôi chùa khác, ít tiếng tăm hơn thì liệu sự sai có được giải quyết quyết liệt như vậy không?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.