(HNM) - Hai hôm trước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra chỉ thị tăng cường chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn và trình diễn thời trang. Nội dung thì nhiều, tựu trung là xử lý nghiêm hành vi không phù hợp - cả với quy định hiện hành, cả với thuần phong mỹ tục.
Nghe chuyện, thoạt tiên là mừng, bởi chỉ thị của ngành đúng quá, nhất là khi sự phản cảm lồ lộ trong lĩnh vực biểu diễn, từ ca nhạc đến thời trang, thi sắc đẹp… Nhưng rồi lại thấy gờn gợn về ước mơ thay đổi, như người ta thường nói là làm lành mạnh hóa thị trường giải trí, bởi dù thế nào thì chỉ hạ quyết tâm thôi cũng là chưa đủ. Thanh tra, ngành văn hóa địa phương có thể hăng hái thực hiện chỉ thị, nhưng hiệu quả sẽ là thế nào nếu trong tay họ không có công cụ đầy đủ để "bắt" các cá nhân, tổ chức biểu diễn vào khuôn phép, ít nhất cũng là biết sợ khi cơ quan quản lý "ra roi".
Muốn phạt một ai đó, muốn dừng cấp phép với một tổ chức biểu diễn nào thì đầu tiên phải biết họ mắc lỗi gì, với lỗi ấy thì có thể xử lý ra sao. Cả hai câu hỏi ấy vẫn thường được đặt ra trong đời sống nhưng không phải bao giờ cũng có câu trả lời trọn vẹn, hoặc trả lời được thì cũng chưa chắc đã có được hình thức xử lý nghiêm minh, đủ mức mà luật cho phép. "Án treo" vẫn còn lơ lửng trên đầu biết bao "sao" giải trí hở hang phản cảm, những ca sĩ giỏi "cởi" hơn ca chỉ là vì nhà quản lý không biết "hở", "ngắn" đến mức nào thì là vi phạm.
Bước tiến (nếu có thể gọi như thế) trong chỉ thị ngành nói trên có lẽ nằm ở phần yêu cầu không cấp phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn với những cá nhân, tổ chức có vi phạm trước đó. Có cán bộ quản lý cấp cục còn mạnh dạn nêu sáng kiến "treo giò" "sao" có vi phạm, không cho phép họ xuất hiện… trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khoảng thời gian nhất định (?). Hai điểm nói trên, một thì khó bảo đảm hiệu lực quản lý do còn nhiều trường hợp sai phạm chưa thể quyết định được là có "xử" hay không, mà đã không "xử" được thì làm sao ban hành lệnh cấm biểu diễn sau đó; còn "sáng kiến" của vị nọ thì không biết thực hiện thế nào bởi không rõ ai, cơ quan nào có quyền cấm "sao" lên báo chí, truyền thông chỉ vì đã mặc quần ren "thủng" lỗ chỗ hoặc váy ngắn?
Bởi thế, muốn chấn chỉnh hoạt động biểu diễn và để chỉ thị của ngành có hiệu lực thì cần liệu pháp tổng hợp, trong đó cần nhất là cơ sở pháp lý cho hành động. Những quy định cũ, những điều khoản ở các văn bản pháp luật liên quan, soi vào thực tế hoạt động tổ chức biểu diễn đã không còn phù hợp, đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi bởi thiếu bột sao gột nên hồ, không thể "tay không bắt giặc" được.
Từ chuyện của ngành văn hóa, biết rằng một dự thảo nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn đang được xem xét thông qua trong khi sự bất cập đã bộc lộ bao nhiêu năm rồi, mới thấy dường như chúng ta thường chậm so với diễn biến thực tế, như có thể thấy trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động du lịch, chung cư, giáo dục đại học, quản lý giá… Sự chậm ắt phải có nguyên nhân, bắt nguồn từ sự trễ nải với yêu cầu nhiệm vụ được giao của bộ phận nào đó, chẳng hạn như trách nhiệm tham mưu của cơ quan cấp bộ với Chính phủ, của cấp cục với thủ trưởng bộ…
Có cần chỉ thị từ cấp cao hơn về vấn đề này?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.