(HNM) - Ôm đứa trẻ bị đa tật trong vòng tay, cô bảo mẫu Trần Thị Ban nhè nhẹ vỗ về. Ứa nước mắt, chị kể: Cháu là Đặng Thị Nụ, ở huyện Thường Tín, bị đa tật mù, câm, điếc do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha.

Nụ 20 tuổi nhưng chỉ nặng 30kg, nhận thức như đứa trẻ 1-2 tuổi và không thể tự ăn, uống, vệ sinh. Bị mẹ bỏ từ nhỏ, bố thường xuyên đau ốm, Nụ lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà nội. Mười năm nay, ông bà đã già, Nụ nhiều lần quay đi quay lại Làng Hữu nghị Việt Nam. Cứ mỗi khi về làng, Nụ lại được chị Ban đón về chăm sóc. Nụ là một trong 20 đứa con tật nguyền, luôn khao khát tình cảm trong ngôi nhà do chị Ban làm bảo mẫu.

Gần 10 năm tình nguyện làm việc ở Làng Hữu nghị Việt Nam (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), chị Ban (sinh năm 1965, nhà ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) đã dành trọn tình yêu thương cho những đứa con thiệt thòi. Chồng là cựu chiến binh, hai con trai đã lớn, chị sắp xếp việc nhà, vào sống trong Làng Hữu nghị. Thời gian đầu hết sức khó khăn, công việc lạ lẫm, vất vả triền miên. Những lúc yếu mệt, đuối sức, chị lại nhớ hai đứa con trai khỏe mạnh, yêu đời, được học hành đến nơi đến chốn; tự nhủ mình phải luôn cố gắng để bù đắp cho những đứa trẻ vô tội nhưng quá thiệt thòi đang sống ở đây.

Ngày làm việc của chị Ban kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya. Nhà có 20 con từ 6 tuổi trở lên, mỗi đứa một tính nết và đứa nào cũng có khiếm khuyết về thể trạng. Chị coi chúng như con đẻ và hiểu tính nết từng đứa một. Cố gắng không thiên vị tình cảm, chị vẫn dành nhiều thời gian âu yếm, động viên những đứa đa khuyết tật, thiệt thòi hơn. Lo việc ăn uống, sinh hoạt cho 20 đứa trẻ bình thường đã khó; chăm sóc 20 đứa trẻ khuyết tật, nhận thức chỉ như trẻ 2-3 tuổi lại càng khó khăn hơn. Những ngày đẹp trời, lũ trẻ khỏe mạnh, chịu ăn chịu chơi thì chị rất vui, dành thời gian chăm lo bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa, chơi cùng các con. Hôm nào trở trời, con đau ốm, chị thức cả đêm lo chăm sóc, chữa trị. Kinh phí chăm sóc trẻ có hạn, chị phải tính toán chi ly, tổ chức bữa ăn hợp lý, chế biến hợp khẩu vị để trẻ bảo đảm sức khỏe. Nhiều khi chị dùng tiền của mình để mua thêm thực phẩm bồi dưỡng cho trẻ ốm yếu. Những hôm con nằm viện, chị thay phiên túc trực cả ngày ở đó, lo lắng cho con nhưng vẫn phải bảo đảm sinh hoạt thường nhật trong nhà. Những lúc ấy, chị thức đêm triền miên.

Gần 10 năm luôn nỗ lực vượt khó, làm vơi đi những đau đớn, thiệt thòi của trẻ tật nguyền bị ảnh hưởng chất độc da cam; chị Trần Thị Ban là bảo mẫu được Ban giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam và cha mẹ các cháu tin cậy; rất xứng đáng với danh hiệu người tốt việc tốt của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô bảo mẫu tận tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.