(HNM) - Ra đời cách đây 10 năm, CLB Nhà doanh nghiệp tương lai (TEC) Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, hoạt động thu hút sinh viên (SV) tham gia, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và SV. Đây là mô hình kiểu mẫu thu hút đông đảo SV ngành kinh tế các trường ĐH trên địa bàn Thủ đô.
Nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh sáng tạo
Hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó thế mạnh của TEC là tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng và tài năng kinh doanh dưới dự chỉ đạo của Khoa Quản trị kinh doanh, Đoàn Trường ĐH Ngoại thương cùng với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam. TEC đã gặt hái nhiều thành công, chứng minh việc tập hợp và phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể năng động, sáng tạo trong phong trào khởi sự, lập nghiệp qua các cuộc thi như "Ý tưởng kinh doanh sáng tạo" năm 2001-2002; "Tài năng kinh doanh trẻ tương lai" năm 2003; "Thế giới doanh nhân" và "Giải pháp kinh doanh sáng tạo" năm 2004. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, TEC là CLB duy nhất đứng ra tổ chức cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Kawai". Đây là cuộc thi có giá trị giải thưởng lớn nhất trong khối sinh viên kinh tế toàn miền Bắc với tổng giá trị 900 nghìn yên Nhật (tương đương khoảng 170 triệu đồng).
|
Các thành viên Câu lạc bộ TEC. |
Nguyễn Phương Anh, thành viên của TEC cho biết, cuộc thi đạt được 3 mục đích: Thực hiện cam kết hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương và Công ty General Engineering về quỹ học bổng "Kawai Business Start-up"; kích thích sáng tạo, tư duy năng động của SV; tạo điều kiện để những đề án kinh tế thiết thực của SV có cơ hội trở thành hiện thực. Mỗi nhóm tham gia chỉ cần đăng ký và nộp dự án (có thể dự án đang thực thi, chứ không chỉ dừng lại ở ý tưởng). Tại mỗi cuộc thi, hội đồng giám khảo là các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp và chuyên viên đầu tư dày dạn kinh nghiệm nên thu hút đông SV tham gia và số lượng bài dự thi tăng dần theo từng năm.
Phạm Sơn Tùng, Chủ tịch TEC cho biết, cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Kawai" năm 2010 đang rất sôi động. Đã có 10 dự án lọt vào vòng 2, trong đó tiêu biểu là dự án "Khu du lịch thu nhỏ", "Túi sinh thái", "Dự án giải trí giáo dục trực tuyến"… Ban tổ chức sẽ chọn 5 dự án tham gia vòng thi chung kết vào cuối tháng 4 này.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: "CLB là một sáng kiến hay của SV Trường ĐH Ngoại thương. Từ khi ra đời, CLB đã hoạt động sáng tạo, không chỉ bổ ích cho SV mà còn lôi cuốn cả những người có dịp tham gia sinh hoạt CLB". Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng: "CLB là mô hình hay của SV, bước đầu tập hợp, phát huy ý chí cũng như sức mạnh trí tuệ của tập thể SV năng động, sáng tạo trong phong trào khởi nghiệp của SV".
Sức hút từ những sân chơi mớiChứng kiến Hội chợ về trò chơi kinh doanh thực tế (Business Game Fair) của TEC tổ chức ngày 6-4 mới thấy sự năng động, sáng tạo của các nhóm SV. Đây cũng là lần đầu tiên TEC ra mắt sân chơi mới này cho SV, giới thiệu bộ trò chơi về kinh doanh và tài chính nổi tiếng trên thế giới, đó là "sản xuất mũ" và "cashfow Board Game". Sôi động, vui vẻ nhưng không kém phần cạnh tranh của 8 đội chơi gồm 4 vòng tương đương với 4 quy trình: lập kế hoạch, mua nguyên liệu, sản xuất, bán hàng. Lê Hoàng An, Phó Chủ tịch TEC cho biết, các đội chơi phải học cách phân công nhân lực, mỗi nhóm là một doanh nghiệp nhỏ. Để tạo sự tương tác như thị trường thật, ngoài 8 đội chơi thì còn có 3 nhóm thu mua sản phẩm và ngân hàng. Các đội sẽ phải đối mặt với giả thiết có sự biến động của thị trường, tìm cách đối phó, tháo gỡ. Đội nào vượt qua 4 vòng thi mà có số lợi nhuận cao nhất là đội chiến thắng. Trò chơi nhằm hỗ trợ, bổ sung kiến thức và rèn luyện các kỹ năng trong môi trường kinh doanh cho SV khối ngành kinh tế, tạo điều kiện để SV được tiếp cận các vấn đề thực tế với các tình huống đa dạng. Đây là trò chơi bổ ích đối với SV chuyên ngành kinh tế. Việc mô phỏng thực tế, tạo thị trường giả giúp SV nắm rõ phương pháp kinh doanh khi bắt đầu khởi nghiệp.
Luôn đổi mới tạo sự hấp dẫn với SV, Phạm Sơn Tùng, Chủ tịch TEC cho biết thêm: "Tới đây, TEC sẽ tổ chức tọa đàm "Sẵn sàng cho tương lai" qua các buổi nói chuyện giữa SV và các chuyên gia, doanh nhân, giảng viên trong trường về các vấn đề kinh tế "nóng". Ðây là hình thức giúp SV tích lũy thêm kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả, bởi không khí gần gũi và thân mật của các buổi tọa đàm và việc trình bày cũng như giải đáp thắc mắc giữa chuyên gia và SV".