(HNM) - NSND Lê Khanh và nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ vừa trở về nước sau chuyến học tập cách làm sân khấu tại Nhật Bản suốt 4 tháng liền. Vở mới
Liên quan đến vở diễn mới, NSND Lê Khanh kể rằng chị đã mê mẩn và bị chinh phục bởi không gian sân khấu mang phong cách độc đáo, sự kết hợp giữa con người và con rối trong một vở diễn của Nhà hát Yukiza (Tokyo) vào năm 2014, trong chuyến học tập tại Nhật Bản. Ngày trở về, chị đã phát biểu: "Khi chúng tôi đến, bạn mới trồng một cây fuji trơ cành. Giờ thì cây trổ lá tốt tươi, cũng giống như trong chúng tôi đã nảy nở rất nhiều điều tốt đẹp sau khi tiếp cận với sân khấu, lối diễn có sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại của các bạn Nhật Bản. Tôi mong muốn được trổ hoa, muốn hiện thực hóa điều đó cùng Yukiza".
Thế là người Nhật để tâm. Chính nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12 đã triển khai dự án biểu diễn của Nhà hát Yukiza tại Việt Nam vào tháng 3-2015, tạo cơ sở trao đổi về một sân khấu hợp tác quốc tế Nhật - Việt tại hai nước. Muốn thế thì phải đi học, học thật sự. Hai diễn viên, một kỹ thuật âm thanh, một thiết kế sân khấu, trong đó có cả Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Lê Khanh lại sang Nhật học. Mà là học "xuyên Tết", nghiêm túc, cầu thị suốt 4 tháng trời.
Mục đích của chuyến học tập nói trên rất rõ ràng: Tạo ra được một chương trình công diễn hoàn chỉnh cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Yukiza tại Nhật Bản. Ngoài diễn viên, các kỹ thuật viên Việt Nam cùng dựng sân khấu với người Nhật Bản một cách bình đẳng. Tuy vậy, trình độ và phong cách làm việc của nghệ sĩ, kỹ thuật viên, đạo diễn ở ta khác xa với Nhật Bản, ê kíp của Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể theo kịp bạn. NSND Lê Khanh thành thật: "Nhiều lúc tôi thấy mình thật dốt, thật kém. Chẳng có cách nào khác là phải cố gắng tiến lên thôi". Sau một thời gian, ê kíp của dự án quyết định chọn dựng vở "Vịt trời trúng độc" dựa trên nguyên tác "Con vịt trời" của kịch tác gia người NaUy Henrick Ibsen - với ý tưởng về sự gặp gỡ văn hóa Âu - Á, giữa truyền thống và hiện đại, mới lạ để có thể mang vở đi khắp nơi, xóa nhòa mọi ranh giới chứ không chỉ diễn vài ba buổi rồi "đắp chiếu".
"Vịt trời trúng độc" của đạo diễn Sakate Yoji không sử dụng hình thức kịch hiện đại như nguyên tác, mà triển khai hình thức mộng huyền phức hợp của Noh - kịch truyền thống Nhật Bản. Tính bình luận được thể hiện qua sự phân ly giữa con rối và người điều khiển rối trong sân khấu kịch rối truyền thống, giúp chiếu rọi sâu sắc đời sống nhân vật của kịch tác gia Henrick Ibsen. Vở diễn mở ra theo cấu trúc kịch Noh, nhân vật chính là một hồn ma đang ám giữ không gian và nhân vật phụ là người hành hương đến hỏi chuyện, từ đó tái hiện câu chuyện quá khứ - chính là cốt truyện nguyên tác.
NSND Lê Khanh là nhân vật liên kết trong cả vở diễn, luôn đối diện với những con rối do diễn viên của Yukiza đảm nhiệm. Lê Khanh nói: Đây là một ê kíp vô cùng "VIP". Một đạo diễn tài danh của Nhật Bản. Dàn diễn viên xuất sắc, trong đó có nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ 12. Ota Keisuke là nghệ sĩ violon nổi tiếng. Sân khấu được trang trí tối giản, tinh tế, làm nổi bật từng trò diễn... Nghệ sĩ rối Nhật Bản tài năng, diễn có hồn đến mức có lúc NSND Lê Khanh nghĩ mình chính là một con rối to lớn thực thụ hòa trong nhóm rối của bạn.
"Vịt trời trúng độc" đã "lên sàn" thành công trong 6 buổi diễn tại Nhà hát nghệ thuật Tokyo và Theatre East, cuối tháng 3-2016. NSND Lê Khanh không giấu được sự hân hoan khi được tiếp cận với cách làm sân khấu không giới hạn, không khiên cưỡng, rất nghiêm ngặt mà tràn trề sáng tạo. Trước mắt, khán giả trong nước sẽ được thưởng thức một "bữa tiệc" nghệ thuật không biên giới "Vịt trời trúng độc", dự kiến tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), từ ngày 13 đến 15-5 và tại Nhà hát Lớn - Hải Phòng, ngày 17-5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.