Nhà tôi nằm đối diện với Bệnh viện Johns Hopkin ở Baltimore. Chúng tôi sống ở tầng 1 và cho những bệnh nhân ngoại trú thuê tầng 2. Một buổi tối mùa hè, tôi đang nấu ăn thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi mở cửa và nhìn thấy một người đàn ông có vẻ ngoài dễ sợ.
Ông ta khó mà cao hơn đứa trẻ 8 tuổi, người cúi gập, da nhăn nheo. Khủng khiếp nhất là gương mặt của ông ấy bị lệch vì sưng tấy. Ông nói như cầu xin: "Xin chào, cho tôi hỏi nhà ông còn phòng không?".
Rồi ông nói rằng mình tìm thuê phòng từ trưa nhưng không được. "Tôi đoán là bởi gương mặt của tôi. Tôi biết nhìn nó rất khủng khiếp, nhưng bác sĩ nói với tôi rằng chỉ phải điều trị một vài lần nữa thôi" - ông nói.
Tôi lưỡng lự trong giây lát, ông lại nói, giọng như muốn thuyết phục tôi: "Tôi có thể ngủ ở ghế xích đu trên hiên nhà. Và sẽ rời đi vào sáng mai, ngay khi có xe buýt".
Tôi nói với ông rằng chúng tôi có thể tìm cho ông một cái giường, nhưng không còn chỗ nên phải kê ngoài hiên. Tôi đi vào và nấu súp. Khi nấu xong, tôi hỏi ông rằng ông có muốn ăn với chúng tôi không. "Không, cảm ơn! Tôi có rồi". Trên tay ông là cái túi giấy màu nâu, trong có một miếng bánh mỳ.
Khi rửa bát xong, tôi ra ngoài hiên nói chuyện với ông. Ông kể rằng, ông làm nghề đánh cá để nuôi con gái, 5 đứa cháu và con rể bị tàn phế sau một vụ tai nạn lao động. Mỗi câu ông kể đều bắt đầu bằng từ "Đội ơn chúa!". Ông không hề kêu ca về căn bệnh của mình dù đó có thể là một dạng ung thư da. Đến giờ đi ngủ, chúng tôi mắc một cái màn của trẻ em cho ông.
Sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy thì chiếc giường của ông đã được thu dọn gọn gàng và người đàn ông đã ra ngoài vườn. Ông từ chối ăn sáng, nhưng trước khi ra xe buýt, ông ngập ngừng hỏi: "Liệu tôi có thể quay lại và ở đây vào lần tới khi đến đây chữa bệnh không? Tôi sẽ không làm khó ông đâu. Tôi có thể ngủ ở trên ghế". Ông dừng một lúc và nói thêm: "Các con của ông khiến tôi có cảm giác tôi đang ở nhà. Gương mặt tôi thật tệ nhưng các cháu không để tâm đến điều đó". Tôi nói với ông rằng ông sẽ được chào đón vào lần sau.
Và ở lần chữa bệnh sau, ông đến lúc khoảng 7h sáng. Ông mang cho chúng tôi một con cá và một con hàu to nhất mà tôi từng thấy. Ông nói rằng mình đánh bắt vào buổi sáng, trước khi đi, cốt để chúng được tươi ngon. Tôi biết ông lên xe buýt lúc 4h sáng và tự hỏi ông dậy từ mấy giờ để đánh bắt hải sản cho chúng tôi.
Trong nhiều năm kể từ đêm ông ở lại với chúng tôi, chưa lần nào ông đến mà không mang cho cá, hàu và rau trong vườn nhà. Những lần khác, chúng tôi nhận được qua bưu điện. Biết được rằng ông phải đi chừng 3 dặm mới tới bưu điện và ông kiếm từng đồng khó nhọc thế nào, chúng tôi càng thấy món quà thật quý giá. Khi tôi nhận những món quà này, tôi thường nghĩ tới lời bình luận của người hàng xóm vào buổi sáng hôm ông ở nhà tôi: "Anh đã cho người đàn ông kinh khủng ấy ngủ qua đêm à! Tôi đã đuổi ông ta đi. Anh có thể mất khách bởi ông ta đấy!".
Có thể chúng tôi đã mất khách một hay hai lần. Nhưng tôi biết gia đình tôi luôn cảm thấy vui vẻ khi biết ông. Từ ông, chúng tôi học được cách chịu đựng những điều bất hạnh mà không phàn nàn.
Hôm trước, tôi tới thăm một người bạn, nhà cô ấy có vườn. Và khi cô ấy khoe vườn hoa với tôi, tôi đến chỗ một bông hoa đẹp nhất, một bông cúc đang trổ sắc vàng rực rỡ. Thật ngạc nhiên, nó được lớn lên trong một cái xô gỉ cũ móp. Và tôi thầm nghĩ: "Nếu là tôi, tôi sẽ để nó trong cái chậu hoa đẹp nhất". Nhưng bạn tôi đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. "Tôi đã hết chậu" - cô giải thích - "Cây cúc này mới đẹp làm sao, tôi nghĩ cũng chẳng vấn đề gì khi tôi đặt nó trong cái xô cũ ấy". Tôi chợt nghĩ đến người đàn ông đánh cá. Cũng như khóm cúc, ông tồn tại trong một cơ thể bé nhỏ và đáng thương nhưng tâm hồn thì đẹp tuyệt vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.