(HNM) - Nhiều người biết ông Phạm Quang Chúc là chủ hiệu kem Zephia chứ ít ai biết ông là cán bộ cách mạng, bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động và hiệu kem là
Số 37 phố Cầu Gỗ là cơ sở bí mật của phong trào yêu nước ở Hà Nội từ năm 1930 đến năm 1954. Ảnh: Bá Hoạt
Ngôi nhà số 43 phố Đinh Tiên Hoàng bề ngang chỉ rộng hơn 2m, nhưng sâu tới 30m, ăn thông sang phố Cầu Gỗ, mang số nhà 37, trên tường vẫn còn tấm biển bằng đá hoa cương trắng khắc chìm dòng chữ "Ngôi nhà 37 Cầu Gỗ là cơ sở bí mật của phong trào yêu nước ở Hà Nội từ năm 1930 đến năm 1945".
Nằm giữa trung tâm buôn bán nhộn nhịp ngày đêm, những chủ nhân của căn nhà nhìn ra hai mặt đường cũng nhanh chóng hòa nhập vào cơ chế thị trường, mở cửa hàng bán túi xách, vali có bánh xe, cặp, ví đầm, giày da nam nữ… Nhìn ngôi nhà ba tầng hình ống và tấm biển đá, tôi nhớ một lần theo ông Phạm Quang Chúc về nhà ở xa thành phố. Đường xuống chợ Mơ, rồi về phường Tân Mai, xe cộ như mắc cửi, nhưng ông đạp xe cứ thoăn thoắt dù khi ấy đã 91 tuổi rồi, tóc bạc trắng. Tới chùa Sét chúng tôi rẽ vào ngõ nhỏ có cái cổng sắt mở hé. Tôi dắt xe, đi vào một trại cây ăn quả, um tùm màu xanh, một bên lối đi trồng hàng cây đinh lăng và hàng cau thẳng tắp, dẫn tới một ngôi nhà hai tầng dài, rộng, thoáng đãng, đón gió mát từ khu vườn rộng phía trước.
Giữa không khí tĩnh lặng của vùng ven đô, tôi ngồi nghe ông Chúc chậm rãi kể chuyện. Câu chuyện đã lui về dĩ vãng già nửa thế kỷ…
Ông Phạm Quang Chúc kể rằng cụ thân sinh từ quê Thường Tín ra đất kinh kỳ làm nghề đúc tiền kẽm. Cũng như các cụ xưa còn đúc bạc nén, lò đúc mở trong hai ngôi đình còn lại ở số 42 và 50 Hàng Bạc bây giờ. Có tiền, cụ mua được mảnh đất hẹp ngang, sâu lòng kể trên. Thời ấy, phố Đinh Tiên Hoàng còn mang tên Francis Garnier. Ở đây, cụ sinh được 12 người con: 5 trai, 7 gái. Ông Chúc là con trai thứ tư. Các bà con gái đều mang tên hoa trái bốn mùa: Hồng, Nga, Lan, Na, Mai, Cúc, Thu. Hồi đó, hồ Hoàn Kiếm có chỗ còn bắc cầu để giặt giũ. Hà Nội còn đốt đèn dầu; tuy có điện nhưng điện Nhà máy Đèn Bờ Hồ chỉ đủ phục vụ cho các phố có công sở và biệt thự người Tây. Lớn lên ông Chúc học đến năm thứ ba Trường trung học tư thục Trương Minh Sang - tiền thân của Trường tư thục Gia Long - thì rẽ ngang, đi làm cách mạng.
Năm 1930, ông Chúc bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, được tha, trở về Hà Nội, ông vẫn tìm cách hoạt động hợp pháp. Năm sau, ông sửa lại ngôi nhà cổ, tìm người dạy nghề cho vợ cùng mấy cô em gái, đúng vào đầu mùa hè khai trương hiệu kem Zephia, có nghĩa là luồng gió mát.
Thầy dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật chế biến là anh Cầu, người thợ chuyên làm các loại kem, bánh Âu. Sau một tháng truyền nghề, anh được ông Chúc tặng cái xe đạp Tero của Pháp trị giá 40 đồng Đông Dương - bằng 4 tấn thóc lúc ấy.
Từ đó, mấy chị em trong nhà đã làm được thành thạo 5 loại kem chế từ bột, sữa, trứng gà, đường kính, các loại hương liệu và bột màu thực phẩm. Kem vani màu trắng. Kem píttatsơ màu xanh. Kem phơrămboađơ màu hồng. Kem phơruytiri hỗn hợp hai thứ kem vani và píttatsơ, trên đặt mấy quả nho tươi. Kem xăng tily màu trắng, có lớp bơ non ở trong.
Trước hồ Hoàn Kiếm, hiệu kem Zephia khá lịch sự. Mấy chục bộ bàn ghế nhỏ đánh vecni kê sát tường, lúc nào cũng đông khách. Hiệu kem hoạt động suốt mùa hè tới mùa thu, đông nhất là từ chập tối đến gần nửa đêm. Năm sáu chú bé chạy bàn mặc quần áo ta trắng, nhanh nhẹn bê ra từng khay, đặt những cốc chân cao đựng kem màu, kèm những chiếc thìa nhỏ mạ kền bóng loáng. Các chú bé sau này thành tự vệ sao vuông, ngày nay có người là đại tá, trung tá quân đội. Có thể nói đây là một trong vài hiệu kem đầu tiên ra đời ở đất Hà thành, giới thiệu loại kem 4-5 màu, đặt hàng giải khát mới mẻ, đắt tiền. Lúc đầu một cốc kem giá 5 xu, sau lên 1 hào, bằng một thùng thóc 10kg lúc bấy giờ. Tiếng đồn về kem Zephia lan về các tỉnh, bay cả vào Sài Gòn, lục tỉnh. Thế là kem bán ra mỗi ngày khoảng bốn, năm trăm cốc, doanh thu tới 600 đồng Đông Dương.
Năm 1938, ông Chúc phát triển kinh doanh, thuê lại cửa hàng kem ở bên cạnh, mua cỗ máy cũ của Thụy Điển về làm kem que, vừa giao cho đám trẻ đi bán rong, rao ời ợi "Kem Tự Do đâ… ây". Mỗi ngày làm 5 mẻ, khoảng 1.000 que, bán hết veo. Kem que "Tự Do" ra đời, sớm hơn hiệu kem que của người Nhật ở số 12 cùng phố Francis Garnier. Ông Chúc nói: Cái tên "Kem Zephia", "Kem Tự Do" nay còn được nhiều người cao tuổi nhớ đến, do đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó "trọ" ở trên gác, đang viết báo tiếng Pháp La Volonté Indochinoise (Ý chí người Đông Dương) đặt ra. Quanh năm "khách" đến chơi đông, đều ở lại ăn cơm, có ai biết đó là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Khuất Duy Tiến… nhà có cửa trước, cửa sau ở hai mặt phố lợi hại lắm.
Đầu năm 1941, ông Chúc lại bị bắt giam ở Nha Liêm phóng. Sau 5 năm hoạt động, hiệu kem phải đóng cửa. Bọn mật thám giữ ông 3 tháng nhưng không tìm được chứng cớ gì, đành thả ra.
Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Chúc hoạt động công khai. Năm 1946, ông được giao làm giám đốc "cơ quan ấn loát Trung ương" thực chất là nhà máy in giấy bạc. Được Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo, ông Chúc mua lại nhà máy in của một chủ người Pháp (nay là Công ty Bách hóa số 5 Nam Bộ) có thiết bị tối tân, với giá hơn 1 triệu đồng Đồng Dương. Những tờ giấy bạc Việt Nam đầu tiên bằng giấy dó (1đ, 5đ, 20đ, 100đ) do các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Mai Văn Hiến, Lê Phả… vẽ, đã được gấp rút in ra phục vụ nhu cầu cách mạng. Các họa sĩ đều vẽ ủng hộ. Thời ấy, mọi người làm việc nhiệt tình, không ai nghĩ tới thù lao, ông Chúc cũng chưa có lương. Sau 3 tháng ở Hà Nội, nhà máy in giấy bạc phân tán làm hai nơi, sau mới tập trung lên Việt Bắc…
Câu chuyện kết thúc. Ông Chúc dẫn tôi ra vườn có nhiều loại cây ăn quả: hồng xiêm, cam, chanh, roi, mít, đu đủ. Bên bờ ao cuối vườn, những bóng dừa, chuối, ổi, khế ngọt… tỏa bóng khắp mặt nước. Vườn trồng xen cả cây thuốc Nam. Ông cho biết, đã mua lại khu vườn này của một người Pháp từ hồi mở hiệu kem Zephia, lúc đầu rộng tới nửa hecta. Từ vùng kháng chiến trở về, ông bán bớt đi, chỉ giữ một nửa diện tích và vay tiền ngân hàng tu bổ lại ngôi nhà gạch đã xuống cấp. Trở lại phòng khách, tôi được xem cuốn anbom màu có ảnh những bạn tù Côn Đảo, giờ đây lưng còng, tóc bạc hết rồi. Lại cả ảnh hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh tới thăm gia đình, ngồi quây quần với vợ chồng ông và đàn con cháu đông vui.
Thấm thoát mà đã 15 năm kể từ lần cuối tôi gặp ông Chúc. Phạm Quang Chúc mất ngày 11-3-2002, thọ 96 tuổi. Và cứ mỗi độ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tôi lại khôn nguôi nhớ đến người xưa!...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.