(HNM) - Tuyến đường Bắc Sông Gianh trải dài hơn 20km nhưng mỗi ngày có hàng chục lượt máy bay Mỹ quần đảo, dội bom. Cũng con đường này, trong những tháng năm bom đạn, Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh (Đoàn 559) ngày ngày vượt hiểm nguy đưa bộ đội vào trận địa rồi đón thương binh ra khỏi vùng chiến sự…
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2015. |
Tinh thần anh dũng, sáng tạo của những cô gái ngồi sau vô lăng đã tạo nên bao ngỡ ngàng, cảm phục cho bộ đội ta lúc bấy giờ… Hơn bốn mươi năm sau ngày giải phóng, giữa ồn ã đời thường những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa vẫn luôn nhớ về đồng đội, dành cho nhau những tình cảm ấm nồng…
Một thời khói lửa đạn bom
Thoáng ngỡ ngàng thấy người gọi tên mình đầu ngõ, rồi đúng với tác phong của người lính Trường Sơn, cô Nguyễn Thị Thúy (cựu chiến binh thuộc Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh) vồn vã kéo chúng tôi vào nhà, vừa pha trà, rót nước vừa ríu rít hỏi thăm như người thân lâu ngày đi xa về: "Phóng viên Báo Hànộimới hả? chồng con chưa?... Hỏi chuyện lái xe Trường Sơn chứ gì?... Uống nước đi, cô gọi cô Lương sang đây, cùng kể chuyện chiến trường cho mà nghe!".
Giống với nhiều chị em khác trong Trung đội, "chuyện chiến trường" của cô Lương và cô Thúy bắt đầu vào tuổi đẹp nhất khi các cô tham gia TNXP, có mặt trên khắp tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị… Trái tim nóng bởi tình yêu đất nước và sức vóc đang tuổi "bẻ gãy sừng trâu" nên khi nghe quân đội cần tuyển nữ lái xe, các cô đã hăng hái ghi danh. 40 cô gái tập trung về Thanh Hóa, tham gia khóa học cấp tốc, rồi được đưa vào chiến trường dưới cái tên Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Nhận nhiệm vụ chuyên chở bộ đội, hàng hóa tiếp tế cho quân đội và chuyển thương binh về tuyến sau điều trị, một ngày với người chiến sĩ lái xe, không kể nam hay nữ, đều bắt đầu từ 4h chiều: Nhận người, nhận hàng, chặt lá ngụy trang, ăn chiều rồi lên đường. Khác biệt duy nhất với nữ lái xe là các cô được phân công theo "cặp", hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những kỷ niệm về Trường Sơn một thời gian khổ mà hào hùng, cứ thế được chắp nối, hồi nhớ… trở nên gần gũi.
Mùa mưa ở Trường Sơn bắt đầu từ tháng 6 rồi dai dẳng đến hết năm, kéo theo muỗi, vắt, ruồi vàng và vô vàn thứ côn trùng khó chịu khác. Trên những cung đường âm u, ẩm ướt, nam giới đã khổ, nữ giới còn cực gấp nhiều lần vì quần áo, tư trang, đồ dùng riêng tư chẳng mấy khi khô, sạch. Thế nhưng khi mùa khô đến lại là lúc thiếu nước uống, nước sinh hoạt triền miên trong khi ngày nắng cháy khét da, đêm về sương giăng buốt thịt… Nhưng: "Thiếu thốn, khó nhọc vậy các cô không ngại! Ngại nhất là đụng bom bi, bom tấn… Hôm đó, xe cô Lương đang chạy thì máy bay địch đến. Theo kinh nghiệm, khi rải bom, máy bay địch thường đổ nghiêng về trước nên cô Lương thận trọng chạy xe chậm lại, lựa đường rồi cài số lùi. Hôm ấy, nếu không bình tĩnh, ứng phó kịp thời, có lẽ cả lái xe và bộ đội đã lĩnh trọn loạt bom. Tuy vậy, sức ép của đất đá dội vào đã khiến xe bị hỏng nặng không thể đi tiếp".
Một lần cũng thoát chết trong gang tấc là chuyến cô Thúy cùng đồng đội chạy về Nghi Xuân, Nghi Lộc, xe bị sa hố bom. Vừa hô mọi người chuyển hàng, các cô vừa cố hết sức đạp kính thoát ra. Vừa rời xe thì ca bin bùng cháy. Sợ địch phát hiện, mọi người cùng túm lại dùng quân trang dập lửa. "Lửa tắt cũng là lúc chị em ôm chầm lấy nhau bật khóc rồi lại mếu máo cười… Chiếc xe bị cháy được kéo về đội đại tu, thời gian sau lại… chạy bon bon trên đường ra tiền phương".
Ngày nghỉ, đêm đi, dò dẫm, miệt mài theo cảm tính, thói quen, kinh nghiệm và cả trọng trách trên vai, chưa một lần, Trung đội nữ lái xe chùn bước. Không chỉ nhận nhiệm vụ vận tải, các cô còn là văn công biểu diễn văn nghệ, là y tá chăm sóc, vận chuyển thương binh, là liên lạc viên chuyển những lá thư gửi gắm tình cảm, tâm sự của những người lính trẻ…
Một góc nhớ về nhau
Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành viên Trung đội nữ lái xe năm xưa mỗi người về một ngả. Tuổi thanh xuân qua đi trong đại ngàn, qua những cơn sốt rét và mưa bom bão đạn, khiến việc lập gia đình của các cô như lỡ nhịp, cứ trúc trắc, chông chênh. Không ít người mơ hồ nhận thấy những ẩn họa len trong cơ thể, đã chôn chặt khát khao làm vợ, làm mẹ… Nhiều người khác, có vợ, có chồng lại quá vất vả, ngược xuôi với cuộc mưu sinh. Kết nối, tìm nhau trong nỗi nhớ đồng đội một thời vào sinh ra tử, những nữ chiến sĩ lái xe ngày ấy luôn dành cho nhau sự quan tâm, tình cảm ấm nồng.
Trưởng ban Liên lạc của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn, cô Nguyễn Thị Hòa (Ngọc Thụy, Long Biên) cho biết: "Biết được đời sống của nhiều đồng đội, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Nhiều người tuổi đã cao vẫn sống thui thủi một mình với mức trợ cấp thương binh, tiền làm thuê công nhật hoặc buôn thúng, bán bưng, trong khi nhà cửa tạm bợ, thiếu thốn. Thương nhau, chị em thường hò nhau đóng góp ủng hộ ít nhiều. Sau này nhờ các đơn vị, tổ chức quan tâm một vài chị em được cho tiền làm nhà, sửa nhà, tặng đồ dùng, vật dụng sinh hoạt…
Những khi ấy, chúng tôi lại họp cùng nhau để chọn ra người cần được trợ giúp, cần giúp đỡ cái gì để hỗ trợ đúng người, đúng việc như ưu tiên chị em neo đơn, thiếu thốn nơi ở hoặc ốm đau bệnh tật... Cũng có chuyện đùn đẩy vì nhường nhau nhưng tập thể đã tính, đã quyết thì mọi người phải thuận theo… Ngày xưa gian nan, đói khổ, vui buồn có nhau thì giờ vẫn vậy, không gì thay đổi".
Chỉ mới đây thôi, trong chuyến về nguồn thường niên của Hội đồng đội nữ lái xe mừng 41 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các nữ lái xe năm xưa, giờ đã tóc bạc da mồi, lại tập hợp bên nhau với những câu chuyện, cười hồn nhiên như ngày đôi mươi ra trận, rồi ngậm ngùi tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Có người cầm toàn bộ tiền tiết kiệm để tham gia chuyến đi bởi "nhỡ đâu sang năm yếu hơn, sẽ không còn cơ hội gặp nhau được nữa". Người khác lại chú tâm suy tính làm sao cho chị em đỡ khó nhọc, gian nan hơn, liệu dịp gặp mặt truyền thống năm sau sẽ còn hội tụ được đông đủ đồng đội như bây giờ…
Mỗi nữ cựu lái xe tôi được gặp, sau chuyến "về nguồn" vừa qua, đều mang theo mình một số phận, cảnh đời khác nhau nhưng điểm chung, ẩn chứa sau những câu chuyện cuộc đời ấy, là sức chịu đựng, đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại nhận phần khó, phần khổ về mình - những điều đã được tôi luyện qua thời đạn bom khói lửa. Miên man chuyện cũ, chuyện mới nhưng những cựu nữ lái xe Trường Sơn đều không muốn người viết thuật lại chi tiết từng cảnh đời bởi, "đã là lính, các cô muốn giữ những gian khó cho mình, coi đây là thử thách để vượt qua". Tất nhiên, tôi đã nắm đôi bàn tay những người chiến sĩ ấy và nói rằng: "Con hứa!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.