(HNM) - Biết nhau nhờ những ngày tù ngục của ba mẹ, để rồi trong dòng chảy của cuộc sống, những đứa con của những người tù chính trị ngày nào lại tìm đến với nhau, để cùng nhau xây tiếp những điều tốt đẹp của cuộc sống, như ba mẹ họ từng làm…
Những chuyến đi kết nối
Ngày ngày hai người bạn Quang Liêm và Quốc Thắng vẫn gặp nhau trong trụ sở Báo Người Lao Động TP Hồ Chí Minh. Khi có người tỏ ý ngạc nhiên trước những tấm hình cũ minh chứng cho một tình bạn đã gần 30 năm, cũng gần bằng với tuổi đời của họ, đôi bạn này lại mỉm cười: "Chúng tôi gắn bó keo sơn bởi cùng hội cu tòn!".
Các con tù và các cựu tù chính trị trong ngày họp mặt đầu năm. Ảnh: Minh Minh
Hai người mẹ của họ chính là hai cựu tù chính trị đã từng có mặt, chứng kiến giai đoạn gian khổ nhất ở chuồng cọp Côn Đảo (1968-1974), đó là bà Tuyết Mai và bà Ngọc Ánh. Ngay từ khi con còn nhỏ, các bà đã cho con trai mình là Quốc Thắng và Quang Liêm chơi thân với nhau. Tình bạn ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng.
Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, cứ đến mùa hè các cựu tù chính trị - tù binh Côn Đảo lại tổ chức những chuyến đi dã ngoại cho con em mình. Những chuyến đi này không chỉ là dịp những người đồng chí gặp lại nhau để hàn huyên, nhớ lại những kỷ niệm của một thời gian khổ mà oanh liệt, mà còn là cơ hội để những con em tù chính trị biết nhau và gắn bó với nhau. Chính những chuyến dã ngoại về nguồn này đã hun đúc nên rất nhiều bài học yêu nước sâu sắc, nhất là khi chính bản thân những người cha, người mẹ của họ là những nhân chứng sống trong những trang sử hào hùng ngày nào. Các địa danh như Củ Chi, Trường Dục Thanh hay Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc... dần trở nên gần gũi với các bạn nhỏ. Có lần, cô hướng dẫn viên của Bảo tàng chuồng cọp Côn Đảo đã phải tròn xoe mắt khi thấy một nhóm trẻ chỉ hơn mười tuổi đã có thể thay phiên nhau rành rọt kể những câu chuyện về chế độ ngục tù Mỹ - ngụy, những tấm gương yêu nước bất khuất của tù chính trị Côn Đảo, thậm chí còn có cả những câu chuyện bên lề mà ngay cả người hướng dẫn chuyên nghiệp cũng không biết.
Từ những chuyến đi đó đã nảy sinh nhiều tình bạn thân thiết, gắn bó keo sơn giữa những người con tù chính trị ngày nào, như đôi bạn Quốc Thắng - Quang Liêm hay Ngọc Linh (con của bà Nguyễn Ngọc Ánh, nguyên cán bộ Quận ủy quận 1) - Chơn Quang (con của bà Đỗ Ngọc Trinh, nguyên Chủ nhiệm VP Chính phủ) - Hoàng Mẫn (con của ông Ngô Hoàng Minh - nguyên Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất TP Hồ Chí Minh). Để rồi từ đó, hội "con tù" (các bạn thường trìu mến gọi là hội "cu tòn") ra đời.
Đi đâu cũng là "cu tòn"
Giữa năm học 1991, Ban Giám hiệu Trường THCS Hồng Bàng phải mời hai phụ huynh lên giải quyết trường hợp hai học sinh lớp 6 - là các em Ngọc Huy và Minh Nhựt - đánh nhau. Và Ban Giám hiệu nhà trường đã bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng hai bà mẹ này ôm lấy nhau khóc ròng khi ôn lại những kỷ niệm một thời chuồng cọp Côn Đảo… Đó chính là bà Ngọc Trang (nguyên Phó ban Phụ nữ, Công an TP Hồ Chí Minh) và bà Thiều Thị Tân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh). Từ đó, hai "cu tòn" Ngọc Huy và Minh Nhựt đã trở thành "đôi bạn cùng tiến" cho đến tận bây giờ vẫn gắn bó thân thiết. Trong khi đó, dù là út cưng của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, "cu tòn" Phương Mỹ không vì thế ỷ lại, mà đã trở thành một nhân tố tích cực của Trung tâm Công tác xã hội Thành đoàn TP Hồ Chí Minh. Cũng trong những chuyến đi xa, Mỹ lại tìm kiếm những "cu tòn" khác để giữ vững đường dây liên lạc giữa những người bạn tù chính trị, mở rộng mạng lưới "cu tòn".
Ba mẹ đồng chí, con đồng hướng
Có được mối thâm tình từ nhỏ, khi hai bà mẹ từng chung chiếc còng tay ở xà lim chuồng cọp, sau này đôi bạn Quốc Thắng và Quang Liêm lại được học chung Trường THPT Trưng Vương. Đến khi Quang Liêm tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, về công tác tại Báo Người Lao Động, dun dủi thế nào mà cũng đúng vào lúc Quốc Thắng cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được nhận vào làm việc tại tờ báo. Thế là đôi "cu tòn" lại được cùng làm việc tại một cơ quan. Hay như "út cưng" Phương Mỹ, chính trong những chuyến đi công tác xã hội của mình, Mỹ thường gặp trên những nẻo đường xa các "cu tòn" cùng chung chí hướng tốt đẹp này. Trong khi đó, đôi bạn Ngọc Huy - Minh Nhựt lại cùng nhau xây dựng những doanh nghiệp kinh tế để vừa có thể làm giàu cho bản thân, vừa có thể giúp ích cho những "cu tòn" khác đang gặp khó khăn.
Riêng nhóm bạn Chơn Quang - Ngọc Linh - Hoàng Mẫn, sau thời gian học chung tiểu học, Chơn Quang vẫn tích cực trong các công tác của địa phương, còn Ngọc Linh trở thành cán bộ Đoàn của Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh (Co.op Mart) đồng thời là một mậu dịch viên xuất sắc. Hay như nhóm bạn Đông Hưng (con bà Tư Sương, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh), ngôi nhà do cụ ngoại Phan Chu Trinh để lại luôn là điểm đến cho những "cu tòn" ở các tỉnh khác mỗi khi có dịp về TP.
Dù đang làm những công việc, nắm giữ những cương vị khác nhau, có nhiều "cu tòn" đã bước qua tuổi 40, nhưng điều quan trọng là tình bạn sâu sắc của họ vẫn còn mãi với thời gian. Bởi điều quan trọng, theo như lời của cô Trần Thị Phi Vân, cựu tù chính trị - nguyên cán bộ Ban Tổ chức Thành đoàn TP Hồ Chí Minh: Cái chất cách mạng luôn tồn tại trong sự kết dính của những người con của các cựu tù chính trị, khi hơn ai hết, họ sẽ là nhân chứng sống cho chính ba mẹ mình về những ngày tù ngục của đế quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.