(HNNN) - Trong thế kỷ XX, Hà Nội đã 3 lần bị đánh bom. Để hạn chế thương vong, trên các tuyến phố, trong cơ quan, nhà máy và địa điểm công cộng, Thành phố đã cho đào hầm trú ẩn cá nhân, tập thể. Cùng với hầm chìm, nửa chìm nửa nổi, Hà Nội còn có cả hầm “lộ thiên”.
Hầm tránh bom giai đoạn 1941 - 1945
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, quân đội Mỹ được lực lượng Đồng minh chống phát xít ủy nhiệm đánh bom phá hủy các cơ sở quân sự của quân đội Nhật ở Việt Nam. Hà Nội có các cơ quan đầu não dân sự và quân sự của Nhật nên trở thành trọng tâm đánh bom của quân đội Mỹ.
Từ năm 1941 - 1944, Mỹ đã nhiều lần đánh bom Hà Nội. Để che mắt máy bay Mỹ, quân đội Nhật đã giăng lưới rồi buộc những miếng vải xanh lá cây che phía trên các khu vực quân sự, hành chính ở thành phố. Dù trước khi đánh bom, máy bay Mỹ rải truyền đơn khuyến cáo dân chúng tránh xa nơi người Nhật đóng quân nhưng bom đạn vô tình, nên chính quyền thành phố khi đó đã cho đào hầm nửa chìm nửa nổi khắp nơi. Năm 1942, bom Mỹ rơi trúng chợ Hàng Da làm nhiều người chết và bị thương.
Tháng 12-1944, Bảo tàng Maurice Long (nay là vị trí Cung Văn hóa hữu nghị, phố Trần Hưng Đạo) bị trận bom phá tan nát vì quân đội Nhật đóng ở đây. Khối tượng Nước Pháp bảo hộ Đông Dương trước bảo tàng cũng nát vụn. Một trong những cái hầm hình chữ L nửa chìm nửa nổi còn sót lại cho đến ngày nay hiện nằm dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, khi dựng tượng nó không bị lấp.
Hầm trong chiến tranh chống Mỹ
Ngày 5-8-1964, không quân Mỹ đã đánh bom một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc, mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Để bảo vệ người dân, Thành phố đã yêu cầu tất cả những ai không có nhiệm vụ phải sơ tán khỏi thành phố. Đồng thời, Thành phố cũng cho đào hầm cá nhân trên các tuyến phố; tại địa điểm công cộng, cơ quan, nhà máy phải đào hầm nửa chìm nửa nổi và giao thông hào.
Tính đến năm 1965, Hà Nội đã đào 10.000 hầm cá nhân, 45.000 hầm tập thể. Sang năm 1966, số hầm tăng lên, trung bình một người có 3,1 chỗ trú ẩn. Hầm cá nhân tròn như ống cống đúc bằng xỉ than, đường kính khoảng 90cm, gồm 2 khoanh hầm sâu chừng 1,7m, chôn dưới đất. Khi máy bay đánh bom, người trú ẩn sẽ tự đậy nắp để phòng tránh mảnh bom. Còn hầm tập thể có 2 cửa, được xây gạch hoặc khung bằng tre, bên ngoài đắp đất; một nửa dưới lòng đất, một nửa trên mặt đất. Sở dĩ làm kiểu này vì bom nổ gần, sức ép có thể làm bay phần nổi song không sợ đất đá phủ kín có thể khiến người trú bên dưới chết ngạt. Nếu bom nổ xa, mảnh văng ra cũng khó gây thương vong vì có gạch hay đất chặn lại.
Tháng 4-1972, khi máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc lần thứ 2, hơn 30 vạn dân đã sơ tán khỏi nội thành Hà Nội. Ngay lập tức Thành phố cho sửa sang lại hầm trú ẩn, đào thêm nhiều loại hầm. Lúc này Hà Nội có khoảng 40.000 hầm cá nhân, hơn 90.000 hầm tập thể và 45.000km giao thông hào, đảm bảo chỗ trú ẩn cho 90 vạn người, trung bình 1 người có 8,1 chỗ trú.
Ngoài hố cá nhân, hầm nửa chìm nửa nổi, Hà Nội còn có “hầm lộ thiên”. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ 2, mỗi khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, nhiều người đến dựng lều trú tạm ở quanh nhà tù Hỏa Lò. Họ đến đây vì tin rằng Hỏa Lò là nơi giam giữ phi công Mỹ nên máy bay Mỹ sẽ không đánh bom nơi này. Không chỉ Hỏa Lò, trước cửa các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội cũng là nơi tránh bom của nhiều người Hà Nội. Nhà thờ Công giáo cũng được coi là “hầm lộ thiên” vì Mỹ tuyên bố không đánh bom các cơ sở tôn giáo.
Một “hầm lộ thiên” khác khá đặc biệt, đó là khu chuyên gia Kim Liên (nay là khách sạn Kim Liên). Trong chiến tranh, đây là nơi ở của chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam. Khu chuyên gia này có rất nhiều hầm trú ẩn cá nhân xung quanh các dãy nhà, nhưng cuối năm 1966, khi có báo động máy bay Mỹ đánh bom Hà Nội, các chuyên gia không xuống trú. Lý do là hầm cá nhân rất chật trội trong khi các chuyên gia người Liên Xô vóc dáng lại kềnh càng, mỗi lần trú quần áo dính đầy bùn đất. Tuy nhiên, lý do khác là các chuyên gia quân sự tự tin rằng không quân Mỹ không dám đánh bom khách sạn Kim Liên, nếu họ đánh bom tức là đã gây hấn với Liên Xô, điều mà người Mỹ rất tránh.
Những căn hầm đặc biệt
Hà Nội là đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ và vì thế, rất nhiều căn hầm vừa tránh bom, vừa làm việc được xây dựng bí mật. Từ năm 1965 - 1968, các căn hầm D59, D66, D67, T1... xuất hiện trong khu vực Hoàng thành. Những căn hầm này được xây dựng ngầm dưới đất, rất kiên cố, là nơi họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương khi máy bay Mỹ đánh bom ác liệt. Tại sao phải xây ngầm? Vì hầm ngầm bên trên có vật liệu cứng dày hàng mét, có thể chống chịu trước các loại bom khoan, bom có sức công phá lớn. Tuy nhiên, còn một lý do khác, hầm ngầm có thể che mắt các thiết bị phát hiện mục tiêu hiện đại của không quân Mỹ. Hầm nào cũng được trang bị đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt. Hầm D67 có lẽ là căn hầm đặc biệt nhất, có phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, có phòng họp rộng 75m2.
Hà Nội còn có hầm ngầm kiên cố ở 62 Trần Quốc Toản, nay là trụ sở Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. Đây là nơi tránh bom và làm việc khi Mỹ đánh bom của Thành ủy Hà Nội. Bên trong có phòng họp, có đường dây liên lạc hữu tuyến với Quân khu Thủ đô. Từ hầm ra phố có con đường ngầm, nếu hầm bị sập thì người bên trong sẽ theo đường này thoát ra ngoài. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, khi Mỹ dùng B52 rải thảm Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân đã ăn ngủ ở đây để chỉ huy các công việc cấp bách của thành phố.
Hà Nội còn có một hầm ngầm nay đã chìm vào quên lãng, đó là căn hầm trú bom dành cho khách tại khách sạn Metropole (trước là khách sạn Thống Nhất). Hầm được xây dựng đầu năm 1966. Năm 2011, khi thi công quán bar, các công nhân đã phát hiện ra. Căn hầm rộng khoảng 40m2, có 2 lối ra vào. Dù bị đất, bùn phủ lấp nhưng sau 39 năm trên tường vẫn còn tên của một nhà ngoại giao người Australia là Bob Devereaux. Sau này, ông này nhớ lại: “Có thể lúc đó tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có việc gì để làm. Lúc mò mẫm chai rượu bị ngập, tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường”. Căn hầm cũng đã đi vào bài hát “Where are you now my sun” (“Con trai ơi, giờ này con ở đâu?”) của nữ ca sĩ người Mỹ Joan Beaz. Cuối tháng 12-1972, nữ ca sĩ đã ở trong căn hầm này. Bà kể lại: “Những người khách phương Tây chúng tôi tụ tập ở sảnh khách sạn chờ đón Giáng sinh. Bom nổ, thành phố rực sáng, nhân viên khách sạn yêu cầu chúng tôi phải xuống hầm để bảo đảm an toàn tính mạng”.
Trong chiến tranh phá hoại, người Hà Nội còn tận dụng cả nhà quàn xác để trú ẩn. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ xưa là nghĩa địa chôn những người Pháp bị chết nên dân chúng gọi là nghĩa địa Tây. Nghĩa địa Tây được xây dựng đầu thế kỷ XX. Phía cuối phần giáp với chợ Trời hiện vẫn còn một ngôi nhà có kiến trúc lạnh lẽo, rất chắc chắn, xưa là nơi để quan tài và thực hiện các nghi lễ. Tầng cuối cùng dưới lòng đất là căn phòng rộng dùng để áo quan người chết khi chưa tổ chức tang lễ. Và nó đã được dùng làm hầm tránh bom của người dân sống ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ và bà con khu vực chợ Trời.
Ngoài những căn hầm kể trên, Hà Nội còn có khá nhiều công trình được thiết kế có tầng hầm ngầm như Nhà hát Lớn, Tòa án Nhân dân tối cao, Bệnh viện Bạch Mai... Trong chiến tranh phá hoại, những tầng hầm này cũng được tận dụng để bệnh nhân, cán bộ, nhân viên tránh bom.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.