(HNM) - Đang ngồi ở một hàng cà phê trên phố Phan Bội Châu, chị Uyên (ở phố Ngọc Hà) được một cậu bé tay bê rổ kẹo cao su tiến đến luôn miệng mời chào:
- Cô mua giúp cháu phong kẹo cao su đi ạ.
Trông cậu bé nhanh nhẹn, chỉ khoảng 8 tuổi, chị Uyên bắt chuyện:
- Cháu còn bé thế này mà đã phải đi bán hàng à. Bố mẹ đâu mà để cháu phải làm việc sớm thế?
- Bố mẹ cháu ở quê, cháu theo anh trai lên Hà Nội kiếm tiền - Cậu bé lí nhí trả lời.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khi có tiếng chuông điện thoại vang lên từ túi quần của cậu bé. Cậu bé vô tư rút điện thoại trả lời:
- A lô. Cháu được 200 nghìn đồng rồi ạ...
Chị Tố Uyên hỏi tiếp thì cậu bé thật thà kể, người vừa điện thoại đến thường được các bạn trong nhóm bán rong gọi là "bác". Hằng ngày "bác" cho các em ăn, ở cùng một nơi. Sáng sớm, "bác" chia cho mỗi em một rổ kẹo cao su, một chiếc điện thoại rồi chở đến một số địa điểm và yêu cầu phải "báo cáo" số tiền bán được sau mỗi giờ. Cứ sau khoảng 2 giờ, "bác" lại vòng đến thu tiền của các em một lần.
Thật thà là vậy, nhưng khi chị Uyên hỏi tên của người "bác", nơi ở thì cậu bé lắc đầu bảo không biết và tiếp tục nài nỉ chị mua kẹo.
Nhìn cậu bé chỉ đáng tuổi con mình, chị Uyên động lòng trắc ẩn, rút ví lấy tờ 20.000 đồng đưa cho cậu bé và nhận lại phong kẹo cao su. Kể lại chuyện với Người Xây Dựng, chị Uyên băn khoăn nghĩ, không rõ "bác" kia là người cưu mang bọn trẻ, hay vẫn chỉ là một hiện tượng "chăn dắt", bóc lột sức lao động trẻ em như chị vẫn thường nghe dư luận đồn đại? Nếu đúng như thế phải được cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý để bảo vệ đầy đủ các quyền của trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.