Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển từ “chống” sang “phòng”

Bạch Thanh| 29/06/2011 06:42

(HNM) - Giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm mới có nguy cơ gây đại dịch trên người đang được Chính phủ Việt Nam hướng đến trong Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng, chống cúm gia cầm (CGC) và cúm ở người giai đoạn 2011-2015.


Khống chế bệnh tận gốc


Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm tại địa bàn quận Long Biên. Ảnh: T K

Bộ NN&PTNT Việt Nam và Cơ quan Điều phối các đối tác phòng ngừa đại dịch (PAHI) đề xuất tổng kinh phí cần cho chương trình phòng, chống dịch bệnh vật nuôi giai đoạn 2011-2015 tại Việt Nam là 8.058 tỷ đồng (tương đương 383,7 triệu USD). Trong đó, dự kiến ngân sách nhà nước khoảng 47% tổng nhu cầu, còn lại là từ nguồn vốn ODA. Tại Hội nghị quốc tế tham vấn của PAHI về Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng, chống CGC, dự phòng đại dịch và các bệnh truyền nhiễm trên vật nuôi giai đoạn 2011-2015 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, trong 5 năm qua, nước ta đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách Chính phủ và các nguồn vốn ODA cho công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, thiết lập được sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế cùng các cơ quan quốc tế đối phó với dịch bệnh… UBND cấp tỉnh và các cấp thấp hơn đã được trao nhiệm vụ, trách nhiệm cao trong điều phối các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Năng lực ứng phó với dịch bệnh đã được tăng cường thông qua các khóa đào tạo về quản lý dịch bệnh khẩn cấp và diễn tập chống dịch. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm đã được tái cấu trúc, nhiều trang trại đã tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở hạ tầng ở một số chợ và lò mổ đã được nâng cấp.

Tuy nhiên, phòng, chống dịch bệnh vật nuôi vẫn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều loại dịch bệnh vẫn thường xuyên tái diễn. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện CGC độc lực cao vẫn chưa được loại trừ. Trong khi đó, chương trình quốc gia tiêm phòng CGC giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt, nhưng kết quả thử nghiệm vắc xin cho thấy vắc xin phòng CGC chủng Re-5 dự kiến nhập của Trung Quốc có mức bảo hộ thấp. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã tạm dừng tiêm vắc xin phòng CGC đợt 1 năm 2011. Mục tiêu khống chế tận gốc bệnh CGC vẫn chưa đạt được. Các chương trình hỗ trợ quá tập trung vào CGC, chưa thật sự quan tâm tới các dịch bệnh khác, khiến các bệnh tai xanh, LMLM phát sinh mạnh. Ông Lương Thế Phiệt, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), Giám đốc PAHI nhận định, mối quan tâm về lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bị xem nhẹ, nhiều nguồn viện trợ bị cắt giảm. Sẽ phải mất nhiều năm nữa, các dịch vụ thú y (kể cả dịch vụ công và thú y tư nhân) của nước ta mới đạt được tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế.

Phân bổ nguồn lực, quản lý rủi ro

Dự thảo Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, phòng ngừa đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới trong 5 năm tiếp theo sẽ tập trung vào 5 hợp phần, với mục tiêu: Từng bước thanh toán bệnh CGC; khống chế dần bệnh LMLM; khống chế các bệnh dịch tai xanh, dịch tả lợn và bệnh dại.

Ông Francis Donovan- Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể ngăn chặn và dập dịch nếu biết phân bổ nguồn lực hợp lý. Chính phủ Hoa Kỳ hiện là nhà cam kết tài trợ song phương hàng đầu trong lĩnh vực này trong giai đoạn 2011-2015. USAID đang hỗ trợ hoạt động phòng, chống CGC và các mối đe dọa đại dịch ở Việt Nam, thông qua các cơ quan kỹ thuật của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ quốc tế và nhà thầu tư nhân. Sau Mỹ, nhiều nhà tài trợ khác cũng đang sát cánh với ngành thú y Việt Nam. Các nguồn vốn tín dụng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển quốc tế, tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Cúm gia cầm và cúm người được thực thi từ năm 2011 đến 2014.

Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, nếu như 5 năm qua phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm ở ta lấy "chống" là chính thì giai đoạn tiếp theo lấy "phòng" là chính. Song song với phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp cần chú trọng quản lý rủi ro về virus xâm nhập thông qua thương mại ở biên giới; xây dựng khu vực kiểm soát CGC độc lực cao; tiếp tục tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng xã hội hóa; quản lý dịch bệnh tại trang trại thông qua mạng lưới thú y cơ sở; phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong phòng, chống dịch bệnh, thiết lập mạng lưới giám sát liên ngành y tế - thú y - môi trường đối phó với một số đối tượng bệnh, loài cụ thể và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển từ “chống” sang “phòng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.