(HNM) - Mấy năm trước, đọc cuốn "Khâm Thiên gương mặt, cuộc đời" của nhà nghiên cứu Giang Quân, tôi đã bắt gặp nhiều điều thú vị và bổ ích. Từ đó, lòng thầm ước ao các nhà nghiên cứu sẽ đi sâu tìm hiểu lai lịch từng con phố của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Thế rồi, vào ngày đầu năm mới 2011, tình cờ "Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố" của Đặng Phong lại mang đến cho tôi những cảm hứng mới về Hà Nội.
Sách giới thiệu khá chi tiết lịch sử hình thành và phát triển một đường phố nằm liền kề cửa ô phía nam của kinh thành: phố Hàng Lọng, Cửa Nam, dài 2,6km sau hợp nhất đổi thành đường Nam Bộ và từ năm 1987 đổi thành đường Lê Duẩn. Trong Lời tựa, GS-TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã dành những lời trân trọng: "Anh Đặng Phong vốn được biết đến như một nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế. Nay anh bỗng xuất hiện ở lĩnh vực Hà Nội học, mà như anh nói: thử làm chơi. Cái "chơi" của một nhà khoa học thường vẫn là một cái chơi kỳ công và nghiêm túc".
Suốt 192 trang sách, bạn đọc được thưởng thức chuyện "chơi" đầy công phu của tác giả. "Kể từ nhà Lý" là câu chuyện về mảnh đất xưa với cửa Đại Hưng, Khâm Thiên Giám, chùa Tiên Tích, Hàng Cỏ, đến chợ Cửa Nam và đường thiên lý. Rồi đến các chương khác "Sang thời Pháp" và "Sau Cách mạng". Một con đường mà ghi dấu bao thăng trầm của đất nước, bao buồn vui đời sống con người. Cửa Đại Hưng, dân gian thường gọi là Cửa Nam, vào thời Lê, triều đình cho xây đình Quảng Văn, đặt trống đăng văn và dán chiếu chỉ của nhà vua. Tại ngã ba Nguyễn Du, góc phố mà đầu thế kỷ XX chính là khu vườn của người đầu tiên có sáng kiến trồng các giống hoa và các loại rau của Pháp ở Việt Nam. Cũng ở phố này có ngôi biệt thự của Victor Tardieu, người sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Cứ thế, Đặng Phong dắt bạn đọc đi tiếp nữa qua nhiều công trình, sự kiện lịch sử.
Sách "Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một con phố" có lối kể giản dị, mạch lạc, khúc triết. Ở những chỗ cần thiết, tác giả trích in những tư liệu có xuất sứ rõ ràng. Ví như nói về phở gà Nam Ngư hình thành vào những năm bao cấp, vì sao lại phải phát triển dần từ miến đến phở, ông nói rõ Quyết định 75/CP của Phó Thủ tướng Chính phủ ký tháng 4-1972: "Nghiêm cấm tư nhân và hợp tác xã dùng thóc, gạo, ngô, bột mì (kể cả thứ phẩm, phế phẩm) để nấu rượu hoặc chế biến ra quà, bánh". Vì nói đến lịch sử một đường phố lớn, là nói đến các biến thiên trong một nghìn năm, tác giả cũng không né tránh các chuyện nhạy cảm diễn ra trên con đường này như "Chiến dịch cải tạo tư thương năm 1958" và "Chiến dịch cải tạo tư thương năm 1984". Đặng Phong cũng giải thích vì sao đường Nam Bộ khi đặt không gọi là phố mà lại gọi là đường. Và khi đường đổi tên là Lê Duẩn, không đơn thuần chỉ vì ông là người khởi thảo đường lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn, mà năm 1927, ông còn làm nhân viên ở ga Hàng Cỏ và ngôi nhà ông ở trong thời gian này ở sát cổng làng Yên Phụ, quận Tây Hồ ngày nay.
Một ưu điểm khác là ở tất cả các điểm nhấn, sách đều có in ảnh minh họa. 72 ảnh được in đều là những tư liệu quý, từ bản đồ Hà Nội thời Lê, thời Nguyễn đến ảnh một cửa hàng bán tàn, lọng trên phố Hàng Lọng thời trước. Ngoài ra, ở cuối sách, tác giả còn in "Bản sách dẫn chung" và "Sách dẫn tên đường Lê Duẩn" rất tiện cho việc tra cứu của người đọc.
Với nội dung phong phú, sách đã được Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam tài trợ xuất bản bằng hai ngữ Việt và Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.