Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện tài trợ của thể thao Việt Nam: Gợi mở một hướng đi

Vũ Quỳnh| 11/10/2015 07:43

(HNM) - Giữa tuần trước, thông tin tay vợt Tô Đức Hoàng được một doanh nghiệp tài trợ từ trang phục, thiết bị thi đấu cũng như hỗ trợ kinh phí tập huấn, thi đấu ở nước ngoài đã gây chú ý trong làng bóng bàn Việt Nam. Ít nhất thì người ta đã thấy con đường mới cho các tay vợt Việt Nam tiến lên, thay vì


Từ rất nhiều năm nay, số VĐV Việt Nam được tài trợ để tập huấn, thi đấu ở nước ngoài không có nhiều. Trong làng thể thao Việt Nam, đó bao giờ cũng là vấn đề nan giải. Ngoài bóng đá, nhiều môn chỉ trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách. Trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (điền kinh), những người được đơn vị chủ quản cũng như Tổng cục TDTT cấp kinh phí để tập huấn, thi đấu quốc tế dài hạn là chuyện hiếm, chủ yếu do ngân sách dành cho thể thao khá hạn hẹp. Nhìn rộng ra một số môn khác, rất ít người có được điều kiện phát triển như Nguyễn Tiến Minh, Lý Hoàng Nam, Vũ Thị Trang, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn...

Tay vợt Tô Đức Hoàng (phải) nhận tài trợ từ Hãng Mizuno.



Tuy nhiên, từ những trường hợp nói trên, có thể nhận ra nhiều điều có thể và cần được thúc đẩy nhằm tạo điều kiện cho các VĐV phát triển sự nghiệp. Thực tế cho thấy việc tài trợ cho VĐV thi đấu môn thể thao cá nhân bao giờ cũng đỡ tốn kém hơn so với tài trợ cho những môn tập thể. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chọn hướng đi này bởi lượng tiền đầu tư không lớn lại dễ đạt hiệu quả, VĐV dễ gặt hái huy chương và tiền thưởng trong khi doanh nghiệp tài trợ cũng được tiếng thơm. Những Nguyễn Tiến Minh, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đều có bước tiến lớn khi được các doanh nghiệp đồng hành để có kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế, được làm việc với các chuyên gia giỏi.

Ở Việt Nam hiện có không ít doanh nghiệp liên quan đến bóng bàn đang hoạt động. Cũng vì thế, trong vòng vài năm gần đây, nhiều đội và VĐV đã được các doanh nghiệp tài trợ trang phục, như các tay vợt Quân đội thường sử dụng trang phục của Stiga thông qua một nhà phân phối chính thức tại Việt Nam. Hay như cách đây hai năm, bóng bàn Hà Nội cũng có nhà tài trợ trang phục, dụng cụ tập luyện và thi đấu là Xiom. Tuy nhiên, mức tài trợ cho bóng bàn chủ yếu là hỗ trợ trang phục, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, còn việc tài trợ kinh phí để các tay vợt tập huấn và thi đấu ở nước ngoài lại rất hiếm. Một số ít tay vợt, như Lê Tiến Đạt (Quân đội) nhận được sự hỗ trợ từ gia đình nên mới có điều kiện tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Hiệu quả thế nào đến nay đã rõ khi Lê Tiến Đạt đang là một trong ba tay vợt xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay. Còn nhiều tay vợt khác cũng có xuất phát điểm như Lê Tiến Đạt nhưng chỉ vì thiếu điều kiện tập luyện, cọ xát với các tay vợt nước ngoài mà phát triển chậm hơn hoặc chững lại.

Từ nhiều năm nay, vấn đề tập huấn, thi đấu ở nước ngoài đã được chỉ rõ là điểm yếu lớn nhất khiến các tay vợt Việt Nam không thể tiến xa dù tiềm năng là rõ ràng. Kinh phí hằng năm của cả bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) ở mức 40.000 USD, chỉ đủ dự một số giải quốc tế vào diện không thể không tham dự cũng như tổ chức một số giải trong nước, tập trung đội tuyển quốc gia.

Hiện nay, ngoài những VĐV đã thành danh, trở thành thương hiệu thu hút tài trợ, như đã kể ở trên, trong làng thể thao Việt Nam cũng có nhiều gương mặt ở các môn cá nhân đã tiếp cận nhóm đầu thế giới như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ)... Nếu được tài trợ, nhóm VĐV này có thể giúp thương hiệu của các doanh nghiệp được biết đến nhiều hơn. Vấn đề là làm cách nào để doanh nghiệp thấy được lợi ích khi tài trợ cho thể thao, làm thế nào để cơ quan quản lý thể thao phát huy vai trò cầu nối, giúp doanh nghiệp đến gần VĐV?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện tài trợ của thể thao Việt Nam: Gợi mở một hướng đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.