Thành công tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc năm 2013 cho thấy nét riêng của nhà điêu khắc Kù Kao Khải, thể hiện qua sự kết hợp ngôn ngữ hội họa và điêu khắc, lắp ghép, tái tạo những mảnh ghép bình dị thành câu chuyện đậm hồn quê.
Dùng những thứ bỏ đi...
Không giỏi ăn nói nhưng Kù Kao Khải lại được trời phú cho đôi tay khéo léo và hơn hết là một cái đầu nhiều ý tưởng. Từ những thanh sắt bỏ đi, những miếng gỗ kết hợp một vài phụ kiện bỏ đi từ chiếc máy giặt cũ, Kù Kao Khải đã “biến hóa” thành một bức tranh với chủ đề “Câu chuyện tình yêu”. Tương tự, từ những tấm gỗ cũ mua lại từ các xưởng mộc, vẫn còn nguyên những chiếc đinh mà người sử dụng trước đóng lên, Kù Kao Khải đã tạo thành một bức tranh với những nét vẽ nhanh, gọn, ngẫu hứng theo lối “bóp hình chơi chất”: Khi sáng tác, anh thường muốn “bóp hình” - làm biến dạng hình ảnh vốn có sang một trạng thái khác, hài hước, dí dỏm, châm biếm... với đủ sắc thái cùng sự tôn trọng màu thời gian trên chất liệu.
Nhà điêu khắc Kù Kao Khải chia sẻ: Nhiều khi nhìn những vật liệu có sẵn, anh hình thành ý tưởng cho mình. Từ những quả sứ điện ở quê bị bỏ đi, anh tạo hình những con chim đậu trên lưng trâu. Nhìn những tấm gỗ, mảnh miếng bỏ đi từ máy giặt..., anh liên tưởng hình ảnh con cú mèo, nghĩ đến việc họa thêm màu sắc để tạo thành những cánh diều chao liệng trên đồng quê.
Ngoài ý tưởng mang tính ngẫu hứng, anh cũng có những “câu chuyện” điêu khắc, đòi hỏi quá trình nghiên cứu, sắp xếp và thực hiện trong thời gian dài, có khi hàng năm. “Có những câu chuyện quê lớn, tôi phác thảo trong đầu, sau đó tìm kiếm vật liệu. Đây là những tác phẩm mà tôi phải thực hiện trong cả năm trời. Tôi thích “mượn” vốn cổ của ông cha, những họa tiết, hoa văn, cũng có khi ngẫu hứng chơi chất, chơi màu” - Kù Kao Khải nói.
Kể chuyện quê
Quê Kù Kao Khải ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), một vùng quê trù phú với sú, vẹt ngày ngày lấn biển, chim, cá tụ về cùng biển trời mênh mang. Hình ảnh quê hương đi vào tranh, sau đó được thể hiện trên tác phẩm điêu khắc của anh vô cùng thân thuộc, một phần nhờ ký ức tuổi thơ với những chiều biển động, là hình ảnh cánh buồm no gió ra khơi, đoàn thuyền đánh cá trở về. Không giống như nhiều nghệ sĩ tụ hội về Thủ đô để tìm cảm hứng sáng tác, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Kù Kao Khải đã quyết định về quê, về với biển và gắn bó từ bấy đến giờ với mảnh đất đã nuôi anh lớn khôn.
Từ thành công của tác phẩm "Chuyện quê 2" - giành giải cao nhất trong Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc 2013, anh như có thêm động lực để hơn 10 năm nay tiếp tục với chuỗi tác phẩm điêu khắc về chủ đề "Chuyện quê". Tác phẩm của Kù Kao Khải thường rất ngộ nghĩnh, kết hợp giữa ngôn ngữ hội họa, điêu khắc, sắp đặt, diễn tả những câu chuyện đậm chất dân gian.
Từng xuýt xoa khi nhìn thấy vẻ đẹp kỳ vĩ của Tam Cốc, Bích Động, màu vàng trên cánh đồng lúa chín qua tay liềm thoăn thoắt của các mẹ, các chị, trong tác phẩm của mình, Kù Kao Khải tái hiện được từng khoảnh khắc ấy nhờ khả năng quan sát tài tình. Đó là tiếng cười vui của vợ chồng người nông dân khi tôm, cua đầy giỏ. Là màu sương gió quê hương trên mái đầu người nông dân. Là câu chuyện con mèo len lỏi ăn vụng thức ăn trên chạn bát...
Với tác phẩm “Chuông” đã được trao giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và giải A Khu vực II - Đồng bằng sông Hồng, anh làm một con cá khổng lồ bằng gỗ cao gần 2,5m được treo lên giá, như một quả chuông. Trên phần giá là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn trào, những bộ mặt người câm nín và ảm đạm, như muốn cảnh báo sự thay đổi của nông thôn Việt Nam...
Là người con của vùng biển, cũng dễ hiểu khi anh say mê dõi theo cuộc sống lao động của những ngư dân quanh năm bám biển - cũng là cách người dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ý tưởng ấy được anh hiện thực hóa bằng những chất liệu như gỗ, gốm, kết hợp với sơn dầu để tái hiện sinh động những cảm nhận về cuộc sống, con người. “Có vô vàn hình thức, chất liệu để mình thể hiện, nào là điêu khắc, nào là sắp đặt... nhưng bản thân tôi lại ấn tượng và tích lũy vốn của ông cha trong chạm khắc gỗ đình làng. Những hình ảnh trai gái vui đùa chọi gà, chọi trâu, tượng nhà mồ của người Tây Nguyên... là vốn di sản văn hóa rất lớn. Tôi luôn muốn thế giới biết đó là văn hóa Việt Nam” - anh nói.
Hàng trăm tác phẩm "Chuyện quê" mà Kù Kao Khải kể không chỉ là chuyện ở quê anh, mà còn là câu chuyện giàu bản sắc các vùng miền, thể hiện rõ dấu ấn văn hóa Việt. Năm 2021, anh “trình làng” 12 tác phẩm điêu khắc “Trâu Vua", có tác phẩm dài 3 - 4m. Anh đã sử dụng những chiếc loóng thu hoạch lúa của đồng bào dân tộc làm thân con trâu, chân thì làm bằng những trụ đá đập lúa, khoác lên mình nó những gam màu như đỏ - vàng, thêm các chi tiết đen - trắng, tạo ra sự uy nghi như trước giờ xung trận. Trên những thân trâu vững chãi, anh xếp chỗ cho hai người thay vì chỉ có hình ảnh chú bé mục đồng, gợi liên tưởng về một đội quân “cậu bé cờ lau” chơi tập trận và sau này trở thành Vạn Thắng Vương hoàng đế. Những “Trâu Vua” của Kù Kao Khải gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử huy hoàng, gợi nhắc niềm kiêu hãnh của người dân Đại Việt trong buổi đầu xây nền tự chủ.
Thức tỉnh giá trị sống bền vững
Họa sĩ Lý Trực Sơn, người dõi theo con đường nghệ thuật của Kù Kao Khải trong nhiều năm nhận định: Kù Kao Khải - tự bản thân anh đã có sẵn ý tưởng và khả năng thực hiện những tác phẩm điêu khắc đậm màu sắc dân gian. Kù Kao Khải có sẵn trong mình những ý tưởng tạo hình. Việc này không phải ai cũng có thể làm được.
Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương, một người bạn thân thiết của Kù Kao Khải cũng cho rằng: Tác phẩm của anh hay ở những câu chuyện tự thân, vốn dĩ như vậy, bởi Kù Kao Khải đã sống trong những câu chuyện của mình, chia sẻ với mọi người bằng cách chân thực nhất, chân thành nhất, thể hiện một tư duy lớn. “Ngôn ngữ tạo hình của Kù Kao Khải là dùng sự đối lập, đưa một câu chuyện quê ra nhưng đều không “quê”. Câu chuyện quê ấy được rất nhiều người biết bởi nó đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam, hàm chứa thông điệp giáo dục lịch sử. "Tuy vậy, tôi mong muốn Khải tổ chức được một cuộc triển lãm riêng để xâu chuỗi lại tất cả những “Chuyện quê” của anh, mang tính phổ quát hơn. Lúc đó Khải sẽ đứng vững trên một tâm thế để tiếp tục đi xa hơn với câu chuyện điêu khắc của riêng anh” - họa sĩ Nguyễn Hồng Phương nói.
Có lẽ, điều làm nên thành công của thầy giáo làng Kù Kao Khải chính là sự “bám gốc, bám rễ”, không rời xa quê hương và âm thầm cảm nhận những câu chuyện riêng về nơi chốn. Nói như họa sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Trọng Lân, thầy dạy của anh, thì quê hương chính là nguồn cảm hứng bất tận, là chất xúc tác mạnh mẽ cho Kù Kao Khải sáng tác. Tuy vậy, không chỉ thỏa mãn những cảm nhận về con người, về những tập tục, thói quen, với anh, các tác phẩm nghệ thuật như một sự thức tỉnh người xem về giá trị sống bền vững, cần được lưu giữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.