(HNM) - Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sàn biểu diễn Cung Thể thao Quần Ngựa sôi động hẳn lên với những màn biểu diễn nội công của võ sư Đỗ Hữu Liên (môn phái Sơn Đông Bắc Mãn). Đối với ông, sự tán thưởng của khán giả nhà là sự khích lệ lớn lao để ông tiếp tục truyền dạy võ thuật ở Đức, nơi ông đang làm việc, sinh sống.
Võ sư Đỗ Hữu Liên tại chương trình võ thuật Hào khí Thăng Long. |
"Người quen" của Giải chạy Báo Hànộimới
Câu chuyện rôm rả hẳn khi ông biết tôi đến từ Báo Hànộimới. Ông kể rằng, từng có một thời gian dài gắn bó với Giải chạy Báo Hànộimới, nhất là khi làm việc ở Nhà máy Giấy Trúc Bạch. Kỳ cuộc nào ông cũng tham gia, đến khi sang Đức sinh sống mới thôi. Gần đây, khi về nước đúng dịp chung kết Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 37 năm 2010, ông đã đến Ban tổ chức đăng ký thi chạy nhưng không được vì đã quá muộn. Ông nói: "Nếu Ban tổ chức có một nội dung dành cho đối tượng U60 như chúng tôi thì hay biết mấy. Bây giờ cho chạy với thanh niên thì khó đoạt giải nhưng nếu chạy với lứa 40 tuổi trở lên thì chưa biết thế nào".
Không phải vô cớ mà ông tự tin như vậy bởi chính võ thuật đã mang lại cho ông sức bền, sự dẻo dai. Nó là kết quả của nhiều năm luyện tập liên tục từ lúc mới 11 tuổi đến nay. Ban đầu chỉ là xem tài liệu võ thuật công an của người bác rồi xem người lớn tập võ ở gần nhà. Xem rồi thích, thích rồi tập, tập rồi mê. Thế là ông tập, từ Thiếu Lâm Tự đến Sơn Đông Bắc Mãn. Lúc đó, vào cái thời mà ít người ra đường tập chạy, thì ngày nào ông cũng chạy từ Xuân Đỉnh lên Mai Dịch hoặc từ Xuân Đỉnh lên An Dương (nơi ông theo học môn phái Sơn Đông Bắc Mãn của thầy Vinh) rồi chạy về để tăng cường sức khỏe.
Mà cũng phải có sức mới theo học được các lớp võ xưa. Ở đó, không có chuyện thầy dễ dãi với trò. Những bài tập khiến trò lè lưỡi vì không chỉ "nặng" mà còn dễ làm học trò mất kiên nhẫn. Như tập đứng tấn, học trò phải học tới 5-7 tháng và ngay từ lúc đó nhiều chúng bạn của ông Liên đã nản chí, không theo học nữa. Đối với ông Liên, đó lại là bài học thử thách ý chí, lòng kiên nhẫn. Chỉ có niềm đam mê mới giúp ông theo học cho đến khi ông đi học ở Đức vào năm 1980.
Không quên võ thuật
Trở về Việt Nam làm việc rồi lại sang Đức nhưng dù ở đâu võ sư Đỗ Hữu Liên cũng không mất đi niềm đam mê với võ. Tại thành phố Wildeshausen, nơi ông sinh sống, sau giờ làm việc, ông lại tất tả đến CLB võ thuật của mình để truyền dạy cho các võ sinh, chủ yếu là người Đức. Dạo ông mới sang Đức, nhiều người dân địa phương đã hết sức ngạc nhiên trước những đường quyền, ngọn cước, bộ tấn lạ mắt của một người đàn ông Việt Nam có vóc dáng không thua kém người châu Âu là mấy. Từ tò mò, nhiều người đã theo học và đến nay CLB của ông lúc nào cũng có từ 50 đến 70 võ sinh. Ông kể rằng, làm việc với "Tây" nhiều nên phương pháp truyền thụ cũng mềm dẻo hơn, các bài tập không đơn điệu. "Mục đích cuối cùng vẫn là hiệu quả và để đạt mục đích thì phương pháp cũng phải mềm dẻo. Cùng một vấn đề nhưng có nhiều góc nhìn, võ cũng vậy thôi!". Có lẽ nhờ vậy mà CLB của ông lúc nào cũng đông võ sinh.
Ngoài thời gian truyền dạy võ thuật, ông cũng tập thêm những chiêu cho riêng mình, chủ yếu về nội công. Hết năm này sang năm khác tập luyện, cuối cùng ông cũng có "đặc sản" cho mình mà nổi nhất là màn biểu diễn úp bát vào bụng rồi kéo ô tô 11 tấn; úp bát vào bụng rồi để 2 người tha hồ giằng mà không được; chém dừa bằng tay không. Đợt về nước biểu diễn tại Hội diễn võ thuật cổ truyền chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông mất tới 4 tháng chuẩn bị.
Ngày trở lại Đức, ông bảo rằng: "Dù đi đâu, làm gì, dù bận rộn chuyện cơm áo gạo tiền thì tôi vẫn nhớ mình là người Việt Nam, sinh ra từ một dân tộc có truyền thống thượng võ. Có làm gì thì cũng cố đừng để người ta thiếu tôn trọng mình, dân tộc mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.