với việc ra đời
Cán bộ bộ phận "một cửa" xã Văn Hoàng giải quyết nhiều thủ tục hành chính cho công dân thông qua Cổng thông tin điện tử của xã. |
Mọi lần tới xã Văn Hoàng, bộ phận “một cửa” tại xã luôn nhộn nhịp, nhưng lần này trở lại, chúng tôi thấy nơi đây khá vắng vẻ. Nhận thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh cán bộ xã vội giải thích: Từ sáng đến giờ, chúng tôi quay như chong chóng, hết trả lời email công dân, hướng dẫn thủ tục trực tuyến cho người làm ăn xa và hướng dẫn người dân kê khai đất đai để hoàn thiện sổ đỏ, nhập hộ khẩu cho con, giải quyết các thủ tục về thừa kế… Mệt nhưng vui vì công việc đi vào quy củ, người dân phấn khởi không mất công đi lại, chỉnh sửa.
Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời trang điện tử với tên miền (http://vanhoang.hanoi.gov.vn) của xã, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Chi cho biết: Văn Hoàng có tới 30% dân số đi làm ăn ở khắp các nơi trong cả nước. Trước đây, việc liên hệ với xã giải quyết những vấn đề của gia đình rất khó khăn. Nhiều người dân đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh phải đi vào, đi ra tốn nhiều thời gian, tiền bạc. Nhưng nay, bà con Văn Hoàng ở bất kỳ đâu trên thế giới, chỉ cần truy cập vào trang điện tử của xã là không chỉ nắm được toàn bộ thông tin, sự kiện diễn ra trên địa bàn, các văn bản chỉ đạo của chính quyền địa phương mà còn có thể giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan. Công dân của xã có thể lấy các mẫu văn bản trên trang điện tử của xã về đất đai, khai sinh, sơ yếu lý lịch… để kê khai rồi nộp trực tuyến vào email của bộ phận “một cửa” hoặc có thể chuyển về cho người thân sinh sống ở quê nhà nộp hộ. Đối với thanh niên, ban ngày đi học, đi làm, tối về vẫn có thể giải quyết các thủ tục hành chính ngay tại gia đình mình. Những tiện ích từ trang thông tin điện tử của xã mang lại đã giúp người dân giảm tới 80% chi phí về tiền bạc, thời gian.
Để thu hút người dân tham gia bên cạnh việc tích cực cập nhật, bảo đảm cho cổng thông tin luôn “nóng”, xã đã chú trọng nâng cấp hệ thống đường truyền internet tốc độ cao, tạo điều kiện về cơ sở vật chất giúp người dân có điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã quan tâm đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và người dân có kỹ năng sử dụng máy tính và truy cập internet để có thể khai thác các thông tin hữu ích, phù hợp, phục vụ công việc và cuộc sống. Đến nay, ngoài mở hơn 10 lớp về tin học tại địa phương, xã còn lồng ghép chương trình tin học vào hầu hết các lớp đào tạo nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm… cho lao động nông thôn. Tại đây, người dân còn được giáo viên hướng dẫn cách tra cứu thông tin liên quan đến lĩnh vực mình đang sản xuất, kinh doanh trên máy vi tính. Nhờ vậy, người dân rất tích cực tham gia vì thấy được sự hữu ích cho chính mình qua từng buổi học.
Ông Đặng Văn Hai, người dân thôn Trung không giấu được niềm tự hào, cho biết: Trang thông tin điện tử xã gồm nhiều chuyên mục như: Xây dựng nông thôn mới, quy ước nông thôn mới của các thôn, các thủ tục hành chính được đăng tải công khai… nên người dân rất dễ tìm hiểu, tra cứu.
Đây cũng là nơi chính quyền công khai mọi công việc của dân, kể cả việc trây ì các nghĩa vụ với Nhà nước nên đến nay, trên địa bàn xã việc nợ đọng hầu như không còn. Lịch cắt điện của xã ngoài phát trên loa truyền thanh cũng được đăng trên trang điện tử. Ông Hải nói vui: Cuộc sống hiện đại dù có bộn bề, song tình làng nghĩa xóm thủy chung, gắn bó vẫn đậm đà, để những người con Văn Hoàng dù có đi xa đến đâu vẫn thấy quê hương thật gần thông qua trang tin điện tử xã. Chả thế mà mới có hơn 2 tháng đi vào hoạt động đã có tới hơn 30.000 lượt người truy cập và sử dụng các tiện ích từ trang điện tử mang lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.