Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện ở Mường Nhé

Trần Hương| 12/01/2015 06:27

(HNM) - Ngày đông trời xam xám màu chì... Chiếc xe u oát già của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè ì ạch chở chúng tôi leo dốc.


- "Mường Nhé đận này được Nhà nước đầu tư, đường đẹp lắm rồi" - Anh bạn tôi đi cùng nói như khoe… Chúng tôi im lặng, nghe tiếng máy động cơ nổ rền… mỗi người đuổi theo một suy nghĩ khác nhau. Tôi mường tượng lại tất thảy những lần về Mường Nhé. Chẳng phải đâu xa, cách đây 3 năm cũng vào dịp cuối năm tôi lên Mường Nhé. Lần ấy, huyện đang tập trung mở rộng diện tích trồng cao su, những quả đồi trọc lóc, phơi bột đất đỏ au. Và cả tuyến đường từ Điện Biên vào trung tâm huyện, lởm chởm đất đá ổ gà, ổ voi… Nhìn đâu cũng thấy bộn bề dang dở… Giờ có thời gian trở lại, con đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến Mường Nhé phẳng lì, rừng cây cao su đã xòe tán rộng… Tôi cảm nhận một điều, dẫu người dân nơi đây chưa hết đói nghèo, song đã có phần khởi sắc…

Thu hoạch khoai tây ở Mường Nhé.


Như mọi khi, tôi lại tìm gặp người đứng đầu của huyện với mục đích để tìm hiểu về những kế sách tháo gỡ khó khăn giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Tôi quan niệm rằng, người đứng đầu là người quyết sách mọi vấn đề giúp dân. Vì thế mà tôi dành nhiều câu hỏi xoáy sâu vào trách nhiệm của vị Chủ tịch UBND huyện.

Sau cái bắt tay giật giật, vị Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Lù Văn Thanh (cử nhân lâm nghiệp, gốc người Thái trắng Điện Biên) nói: Dân Mường Nhé tôi còn nghèo lắm! Rồi anh đưa ra một loạt giải pháp trong năm 2015 của huyện; rành rẽ từng lĩnh vực, từng thời điểm mà trọng tâm dồn chủ yếu vào người dân để phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và sản xuất… "Việc đầu tiên chúng tôi sẽ thành lập 3 tổ hợp tác xã mũi nhọn làm điểm: Chăn nuôi kết hợp trồng rau ở xã Mường Toong; trồng rừng ở các xã Sen Thượng và Sín Thầu, kết hợp với đưa giống cây mi - sô - ba (Nhật Bản), một loại cây lương thực có nhiều lợi thế và xây dựng tổ hợp tác xã mây tre đan ở Nậm Vì. Sau Tết Nguyên đán 2015, chúng tôi sẽ bắt tay vào cuộc, hiện nay mọi điều kiện cần và đủ đang tiến hành cho các giải pháp nêu trên. Năm 2015, Mường Nhé được giao chỉ tiêu trồng 80ha rừng, song huyện sẽ phấn đấu trồng 150ha. Hiện đã có Đồn Biên phòng Sen Thượng đăng ký trồng 50ha, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn 40ha và các đồn còn lại, mỗi đồn 20ha, các hộ dân đã đăng ký trồng trên 30ha. Chúng tôi đã đưa giống cây về ươm tại chân cửa rừng để hạn chế tỷ lệ cây chết do vận chuyển, lạ khí hậu và thổ nhưỡng…

Đối với chăn nuôi. Từ trước đến nay, dân chúng tôi có thói quen chăn thả rông nên không bảo vệ được mùa màng. Vì vậy, huyện sẽ tiến hành quy hoạch bãi chăn thả đàn trâu bò, nhất quyết không hỗ trợ dàn trải mà tập trung vào các xã Sen Thượng, Pá Mì, Sín Thầu có đủ điều kiện chăn nuôi để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Đội ngũ cán bộ thú y tập trung lực lượng theo dõi, tiêm phòng, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, dự trữ thức ăn đông, làm chuồng trại… để bảo vệ vật nuôi. Các chương trình hỗ trợ sản xuất, nhóm những hộ nghèo đồng sở thích, điều kiện canh tác để họ tự chủ động, rút kinh nghiệm từ những năm trước; các phòng chuyên môn huyện tập huấn kỹ thuật phổ biến cách làm, tăng cường tư vấn, giám sát để các hộ tự nâng cao ý thức, chăm lo sản xuất tìm cách thoát nghèo. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được hơn 6.000 đơn yêu cầu được hỗ trợ sản xuất, căn cứ vào đó các phòng chuyên môn sẽ tổng hợp lên phương án sát với nhu cầu thực tế của địa phương.

Cũng xuất phát từ những giải pháp giúp dân thoát nghèo, năm 2014, Mường Nhé đã khai hoang được 110,3ha ruộng cấy lúa nước. Hiện Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đang cấp vôi bột cho người dân xử lý, thau rửa đất để đưa vào canh tác trong vụ chiêm tới. Cũng trong năm nay sản lượng lương thực của Mường Nhé bình quân đạt trên 400kg/người/năm, tăng gần 50kg/người/năm. Huyện cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Điện Biên thực hiện thành công việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên thực địa; chia lô, chia khoảnh, mốc giới, xác định trạng thái rừng… giao cho từng tổ chức, cá nhân chăm sóc, bảo vệ gắn với mục tiêu chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ khoanh nuôi, phát triển rừng.

Mường Nhé nhiều năm qua luôn "nóng" với vấn nạn du canh, du cư và nạn chặt phá rừng làm nương rẫy. Nay người dân đã biết bảo vệ rừng, khai hoang trên diện tích đất nương thoải và chân ruộng có bờ để sản xuất lúa nước. Nay người dân đã được hưởng lợi ích từ rừng, từ đất, đây là tiền đề cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ngừng trong giây lát, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Lù Văn Thanh thủng thẳng: Nói thật với cô, đội ngũ cán bộ cấp xã ở huyện chúng tôi trình độ còn rất non. Trong khi đó, khối lượng công việc của xã không phải là ít. Nếu cán bộ xã mà không tường minh ngọn ngành mọi vấn đề thì nói làm sao cho dân hiểu, chưa nói đến giải quyết, xử lý những phát sinh tại cơ sở. Cũng vì thế mà suốt 3 năm qua, chúng tôi đã đưa toàn bộ cán bộ văn phòng xã, kế toán, cán bộ địa chính… thậm chí cả lãnh đạo xã ra ngoài huyện giao về các phòng chuyên môn để học việc. Nếu ai nhanh thì một vài tuần, ai chậm vài ba tháng, thậm chí nửa năm… để cầm tay chỉ việc, bao giờ giao việc cho làm thuần thục thì mới trả về cơ sở. Cũng vì vậy mà đến ngày 31-12 vừa qua, các thủ tục thanh quyết toán ngân sách xã hầu như được giải quyết triệt để, không như những năm trước chủ tịch xã, kế toán phải ra huyện ăn nằm cả tuần để hoàn tất thủ tục quyết toán cuối năm. Đặc biệt, 17 phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ các chương trình, dự án kéo dài từ nhiều năm trước, đặc biệt Đề án 79 ổn định và sắp xếp dân cư đã được giải quyết gọn. Điều đó đã cho chúng tôi câu trả lời mình đang đi đúng hướng từng việc một.

Bên cạnh những giải pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, huyện Mường Nhé còn vạch ra một lộ trình nhằm thu hút người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng bằng cách, mỗi bản, xã thành lập một tổ văn nghệ; tập trung tập luyện những tiết mục thể hiện tình yêu dân tộc, quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ… bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Và huyện sẽ tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các bản, các địa phương vào các dịp kỷ niệm những sự kiện của năm nhằm tăng cường sự đoàn kết các dân tộc và tạo không khí vui tươi sau những ngày lao động vất vả. Song trước mắt, huyện giao cho các xã: Mường Toong, Pá Mì, Mường Nhé, Nậm Kè… tổ chức thi nấu thắng cố, tổ chức trò chơi Tù Lu để người dân tham gia trong dịp Tết Nguyên đán.

Chúng tôi biết Mường Nhé còn rất nhiều việc phải làm trong năm 2015, đặc biệt là giai đoạn nước rút thực hiện Đề án 79 ổn định và sắp xếp dân cư, cùng với một loạt giải pháp thoát nghèo mà vị Chủ tịch UBND huyện vừa chia sẻ. Song hơn bất kỳ lúc nào, để làm được thì cần lắm sự bắt tay vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và vượt lên trên tất cả là sự đồng thuận từ phía người dân. Làm được như vậy thì không bao lâu Mường Nhé sẽ vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, đời sống người dân sẽ ấm no.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở Mường Nhé

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.