(HNM) - Từ trung tâm Thủ đô, chạy xe máy khoảng một giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại xã miền núi Phú Mãn - xã người Mường duy nhất và khó khăn nhất của huyện Quốc Oai.
1. Bản Mường Đồng Vỡ là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi Trán Voi và Vua Bà. Nhìn từ xa, bản Đồng Vỡ như một bức tranh phong cảnh với nhiều màu sắc lôi cuốn. Đan xen giữa các dãy núi, ngọn đồi là những khe suối, thung lũng, đầm lầy... đầy vẻ hoang sơ, bí ẩn. Đỉnh núi Trán Voi sừng sững trên cao, tĩnh lặng. Những ngôi nhà người Mường nằm ở lưng chừng núi, lẫn trong cây rừng, trên những thửa ruộng bậc thang.
Con đường trục chính vào xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) lầy lội khi trời đổ mưa. |
Vào Đồng Vỡ, chúng tôi gửi xe máy tại nhà trưởng bản Đinh Mai Quang, lội bộ đến điểm xa nhất bản - hồ Gốc Si. Đường dẫn lên hồ là một lối mòn hẹp và dốc, chỉ đủ hai người tránh nhau. Hai bên cây rừng mọc rậm rạp, cao lút đầu người. Sau mưa, đường lên Gốc Si vừa trơn, vừa lầy, anh Đinh Mai Quang cho biết, trước đây ở hồ Gốc Si có 2 hộ dân là hộ ông Bùi Văn Trọng và hộ ông Hoàng Văn Dương. Tuy nhiên, vì đường đi lại khó khăn, lại xa trung tâm nên gia đình ông Bùi Văn Trọng đã "xuống núi".
Để có thể bám hồ Gốc Si, với ông Dương là cả một câu chuyện. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ giữa rừng, ông Dương chân tình: "Ở một mình trên cao này cũng ít khi có khách tới thăm. Tôi rất vui và vô cùng bất ngờ khi có nhà báo lên tận trên này để tìm hiểu đời sống của người dân!". Chỉ tay về phía vạt rừng trước mặt, ông Dương nói tiếp: "Từ xa xưa, cuộc sống của người Mường dưới chân núi Trán Voi đã gắn liền với rừng. Vì vậy, chúng tôi tin rằng rừng chính là sinh mệnh". Một thân một mình trụ lại nơi vừa xa, vừa hẻo lánh, ông Dương luôn tin rằng rừng vẫn là nơi để kiếm kế sinh nhai ổn định lâu dài. Gia đình ông Dương trồng sắn, trồng 5ha rừng keo, nuôi 6 con lợn, 3 con bò... để duy trì cuộc sống. Dẫn chúng tôi lên thăm vạt rừng keo bắt đầu khép tán, ông Dương chia sẻ về cuộc sống vất vả trong những ngày đầu nhận đất rừng cải tạo, phủ xanh. "Trong thôn chưa có ai sinh sống. Mọi thứ ngày đầu hoang sơ đến mức tôi tưởng như không thể vượt qua nổi. Hai vợ chồng tôi ngày đêm lầm lũi phạt cây cỏ dại, san gạt, đào hố trồng cây keo, trồng sắn rồi dựng chuồng trại nuôi bò, nuôi lợn" - ông Dương nhớ lại. Ông Dương cho biết thêm, vùng đất núi Trán Voi không cây nào thích hợp bằng cây keo và cây sắn. "Hiểu rừng, hiểu đất thì đất và rừng sẽ không bao giờ phụ người. Biết trồng rừng, bảo vệ rừng sẽ được rừng che chở, mang lại ấm no, yên bình. Chưa dám nghĩ tới làm giàu nhưng phủ xanh được đất trống đồi núi trọc, tôi đã thấy hạnh phúc và vui mừng rồi!" ông Dương nói.
Với ông Dương cũng như người dân của đất Đồng Vỡ, chính dãy núi Trán Voi đã bao bọc chở che, đem lại nguồn sống cho họ. Vì vậy, người Mường giữ rừng, trồng rừng không đơn thuần là vì cuộc sống mưu sinh, mà xuất phát từ tấm lòng tôn trọng và yêu quý rừng thật sự.
2. Căn nhà nhỏ của bà Bùi Thị Sơn nép mình cạnh sườn đồi, dưới chân dãy núi Trán Voi, được dân bản góp tiền sửa sang vào cuối năm 2014. Trưởng bản Đinh Mai Quang cho biết: "Căn nhà của bà Sơn đã xuống cấp, người dân trong bản tổ chức quyên góp được 2 triệu đồng, giúp lợp lại mái nhà và sửa một số chỗ bị hư hỏng nặng. Điện thắp sáng của gia đình trước cũng phải dùng chung với nhà văn hóa, giờ thì chúng tôi đã giúp gia đình mắc điện từ hệ thống điện lưới". Căn nhà của bà Sơn rộng chừng 20m2 dù đã được sửa chữa lại, nhưng không thể gọi là khang trang được. Bên trong ngôi nhà, ngoài chiếc giường ọp ẹp, chẳng còn thứ gì giá trị. Bà Sơn bùi ngùi: "Vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật tái phát thường xuyên nên không làm được gì. Nếu không có sự giúp đỡ của bà con lối xóm thì không biết cuộc sống sẽ ra sao!". Năm nay đã bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm", lại ở một mình, cuộc sống hằng ngày của bà Sơn khá chật vật. Anh Quang cho biết, ngoài khoản trợ cấp người cao tuổi của nhà nước được hưởng hàng tháng, bà Sơn không có thu nhập gì khác. Thậm chí, chỗ ở hiện tại cũng đang phải nhờ vả hàng xóm. Gia cảnh neo đơn nên các cán bộ ở bản Mường Đồng Vỡ thường xuyên qua lại nhà bà Sơn giúp trông coi nhà cửa, lấy thuốc trị bệnh, đưa bà đi xem bệnh. Hàng xóm của bà Sơn là bà Bùi Thị Nhầm và ông Đinh Thế Bầu cũng là một trong những hộ hoàn cảnh nhất bản Đồng Vỡ. Bà Nhầm cho biết: "Cả nhà chỉ có hơn 200m2 đất trồng lúa được, còn lại đất trồng ngô, khoai, sắn và làm vườn nên gần như quanh năm phải sống trong cảnh ăn đong. Căn nhà cấp bốn xây dựng dở dang đã 4 năm nay chúng tôi cũng chưa có tiền để hoàn thiện".
Trưởng bản Đinh Mai Quang cho biết: Bản Đồng Vỡ có 72 hộ thì có 8 hộ nghèo. Trước đây, số hộ nghèo trong bản khá lớn, mấy năm gần đây, nghề trồng rừng rồi chăn nuôi phát triển với nhiều mô hình vườn ao chuồng nên nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngoài diện tích đất đồi rừng, bản Đồng Vỡ có 7ha đất nông nghiệp. Trong đó, đất cấy lúa chiếm khoảng hơn 1ha, còn lại là đất vườn đồi trồng ngô, khoai, sắn. Đồng Vỡ có trục đường chính được bê tông rộng rãi chạy dọc bản. Tuy nhiên, 13 tuyến đường đi vào xóm ngõ và 5 tuyến đường lên núi vẫn còn là đường đất, khó đi. Hiện nay, Đồng Vỡ đang được thụ hưởng chính sách 135 của Nhà nước. Đây là điều kiện tiên quyết để cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông sớm được xây dựng hoàn thiện.
3. Phú Mãn là xã miền núi có địa hình đồi núi và đồng bằng đan xen. Xã có 6 thôn, trong đó thôn Đồng Vỡ và thôn Trán Voi thuộc diện 135. Theo ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với thực hiện chính sách hỗ trợ xã miền núi đặc biệt khó khăn đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Số hộ nghèo giảm còn 33 hộ, chiếm 5,4% tổng số hộ gia đình trong xã. "Phấn khởi nhất là trong năm 2014, mỗi bản Mường đã được Nhà nước trang bị một bộ cồng chiêng để bảo tồn nét văn hóa truyền thống với tổng giá trị 150 triệu đồng" - ông Sơn cho biết. Một điểm ấn tượng khác ở Phú Mãn là hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang, hiện đại. Trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2003. Trường THCS phấn đấu năm 2015 đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới. Trường mầm non trung tâm mới được đầu tư xây dựng hệ thống lớp học, khu nhà hiệu bộ, bếp ăn, sân chơi khép kín theo chuẩn chung của thành phố Hà Nội.
Trao đổi về phương hướng phát triển trong những năm tới, Ông Bùi Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết, địa bàn xã hầu hết là đất đồi dốc, diện tích đất trồng lúa ít, chỉ với 37,5ha, chiếm 4,15% tổng diện tích tự nhiên. Do vậy, giải pháp lâu dài vẫn là phát triển kinh tế đồi rừng, xây dựng trang trại V.A.C, đẩy mạnh chăn nuôi với tổng diện tích khoảng 430ha.
Theo chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phú Mãn đã quy hoạch trang trại nông nghiệp tại Chằm Nứa (thôn Đồng Âm) với diện tích 1,26ha... Khu vực hồ Gốc Si sẽ quy hoạch xây dựng khu sinh thái vườn đồi với tổng diện tích 26,38ha; mở mới tuyến đường trục chính nội đồng từ thôn Đồng Vỡ đến khu du lịch sinh thái Hà Phú... Mong ước lớn nhất của hơn 2.000 đồng bào dân tộc Mường ở xã Phú Mãn là tuyến đường chính vào xã sớm sửa chữa, nâng cấp để đi lại được dễ dàng, thuận tiện hơn. Hy vọng, với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nói trên, người dân Phú Mãn sẽ có cuộc sống tốt hơn và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.