(HNM) - Hơn 100 năm nay, từ khi có Ngày Quốc tế phụ nữ, đến dịp 8-3, giới mày râu lại bận rộn sắm quà, mua tặng những đóa hoa đẹp nhất cho ''một nửa thế giới''. Người trồng hoa vì thế cũng chờ đón, kỳ vọng nhiều hơn vào một mùa thu hoạch hiệu quả.
Khách hàng lựa chọn hoa ở chợ Quảng Bá. Ảnh: Bảo Lâm |
Đã thành thông lệ, đến dịp 8-3 hằng năm, chợ hoa Quảng Bá lại thêm nhộn nhịp. Năm nay, ngày 8-3 lại đến kề ngày rằm tháng hai Nhâm Thìn, chợ hoa càng đông đúc hơn, mang theo hy vọng của người làm vườn. Bình thường, 9-10h đêm, chợ hoa Quảng Bá mới bắt đầu họp, nhưng gần dịp 8-3, mới 7-8h tối mà hàng đoàn xe máy thồ hoa đã lặc lè tiến vào chợ. Xe vừa dừng bánh, Lê Thị Hà (35 tuổi, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã vội rời chiếc xe cà tàng, lách qua tay chồng, ra đằng sau để giữ thăng bằng cho chiếc xe ngất ngư vì chở nặng chỉ chực chờ đổ nghiêng. Tay giữ xe, gạt chiếc chân chống cho xe đứng yên rồi chị Hà tìm chỗ rải chiếc bao ni lông để dỡ hoa. Khi chị xếp đặt được 1/3 chỗ hoa thì anh chồng mới rời tay lái, ra phụ vợ. Bày biện xong xuôi Hà lấy đèn pin ra chuẩn bị bán hàng. Trong lúc cô lo chèo kéo khách thì chồng Hà tìm một quán nước ngồi nhâm nhi. Hà thản nhiên: "Nhà nào cũng thế chị ạ. Buổi sáng chúng em lo tưới bón, thúc cho những ruộng hoa còn non được nhanh lớn, kịp thu hoạch vào dịp lễ, hội. Những ruộng ra hoa sớm phải chụp bao giấy để hãm thì mới bán được nhiều tiền. Vất vả lắm. Chiều thì cắt hoa. Ăn cơm xong hai vợ chồng xếp hoa lên xe, chồng cầm lái, đưa vợ và hoa xuống chợ. Xe càng chở nhiều càng nặng, khó lái. Mình ngồi ở ngáng cũng mỏi nhừ cả người; biết là vi phạm an toàn giao thông đấy nhưng phải thế thì mới giảm được chi phí, có tiền lo cho con".
Không được may mắn như Hà, Nguyễn Thị Thu Huyền phải tự cầm lái, chở hơn 2.000 bông hoa hồng và vài chục bó cúc đi chợ. Đoạn đường từ Vĩnh Phúc đến chợ Quảng Bá đã khiến người cô toát mồ hôi mà mặt mũi, tay chân lại lạnh cóng. Lái chiếc xe chở hàng kềnh càng vào chợ, cô gồng mình tìm cách hạ chân chống, khéo léo giữ thăng bằng rồi nhờ bạn hàng giúp dỡ bớt hoa. Thân gái dặm trường, Huyền chẳng dám nói thách cao mà ''nới'' giá, tìm người bạn chuyên đóng hàng đi các tỉnh xa để bán cho nhanh. "Buôn có bạn, bán có phường. Em chỉ bán đến 2-3h sáng, chờ xem có ai cùng đường thì rủ nhau đi, bởi không dám về một mình lúc quá khuya, chị ạ'' - Huyền chia sẻ.
Với những người phụ nữ trồng hoa và trực tiếp đem hoa ra chợ bán, ngày 8-3 thật gần gũi và thân thiện. Qua vụ Tết Nguyên đán là người trồng hoa chăm chút, đầu tư thật nhiều cho những luống hồng bán dịp 8-3. Đây là cơ hội thu hoạch không kém dịp Tết. Vì thế, họ phải tìm mọi cách để hồng ra hoa nhiều, bông to, màu sắc đẹp, cành thẳng, cánh hoa không bị xun. Càng gần những tiêu chí ấy thì hồng càng đẹp, càng được giá. Điều đó đồng nghĩa với công sức của người chăm bón càng nhiều, lượng phân bón và thuốc trừ sâu cũng nhiều hơn, người trồng hoa chấp nhận nhiều độc hại hơn. Công sức bỏ ra nhiều nhưng lợi nhuận thu được của người trồng hoa cũng còn khiêm tốn. Năm nào hoa được mùa thì giá rẻ như cho. Năm nào hoa mất mùa, giá đắt lại chẳng có hoa đẹp mà bán. Theo người bán hoa ở chợ, chỉ còn một ngày nữa là tới ngày rằm, liền kề dịp 8-3, giá hoa hồng tối 5-3 (ngày 13 tháng hai âm lịch) không hề cao: 100.000-200.000 đồng/bó hồng song hỉ (50 bông to, phớt hồng), 150.000 đồng/bó 60 bông hồng đỏ son, bông to, nhiều lộc… Chỉ vài tiếng sau vào buổi sáng, khi những bông hoa đến tay người mua, giá của nó đã đội lên cả chục ngàn đồng/bông.
Với những người vất vả quanh năm trồng hoa, ngày lễ 8-3 nào cũng từ từ trôi qua cạnh những lo toan. Năm nay hoa đẹp, được mùa, điều họ quan tâm nhiều hơn là giá hoa có đủ bù chi phí ngày một cao, có giúp họ đủ trang trải cho con học hành, lo cho bố mẹ. Chị Trần Thị Dung (ở Tây Tựu, Từ Liêm), mới 40 tuổi mà trông như ngoài 50 nói: "Ở làng tôi, hoa đầy ra mà chẳng ai lại mang hoa tặng đàn bà. Lão chồng tôi thì chỉ tặng "càu nhàu" thì có". Người phụ nữ bán hàng cạnh Dung chép miệng: "Nó chẳng thượng cẳng chân hạ cẳng tay là tốt lắm rồi, không ai lại tặng hoa như người trên phố đâu em ạ". Nói xong, họ kéo lại tà áo cho bớt lạnh, mải mốt chào khách, bấm đèn pin nhoay nhoáy vào những bó hoa, đầu óc bận rộn với những tính toán đắt rẻ. Khách hàng của họ, chủ nhân của chiếc xe Honda Civic đang chọn hoa cho cửa hiệu của bà cũng cười: "Ừ, đúng là chẳng ai tặng hoa cho mình cả". Với họ, hoa vừa quen vừa lạ. Những bông hoa ngày thường đẹp nhưng giản dị, gần gũi dưới bàn tay chăm sóc của họ. Cũng những bông hoa ấy, nó trở nên xa vời, lạ lẫm khi được khoác lên thông điệp bày tỏ tình yêu. Và những người phụ nữ trồng hoa, bán hoa ngước nhìn những cặp tình nhân đi chơi chợ, mua hoa tặng nhau với ánh nhìn xa xôi, hờ hững.
Gần sáng, chợ hoa tàn dần. Khi những chiếc xe chở đầy hoa ra khỏi chợ là lúc những người đàn bà bán hoa quay về với mong muốn giản dị được ngủ trọn giấc. Họ để lại sau lưng những đóa hoa ngày 8-3 mang hơi ấm của những bàn tay tảo tần, lặng lẽ hy sinh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.