(HNM) - Trong gia tài sáng tác đồ sộ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chỉ riêng những ca khúc dành cho thiếu nhi đã giữ vị trí quan trọng với nền âm nhạc Việt Nam. Nhân sinh nhật lần thứ 94 của “cây đại thụ” âm nhạc nước nhà, Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” do con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến viết, với những câu chuyện phía sau các ca khúc quen thuộc đã đồng hành cùng tuổi thơ Việt Nam.
Đã có nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam thuộc lòng những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lớn lên cùng những bài hát đó. Với nhà báo Phạm Hồng Tuyến, còn đặc biệt hơn khi nhiều bài hát là bố viết cho mình. Trong buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách ngày 18-2, tại Hà Nội, nhà báo Phạm Hồng Tuyến chia sẻ: “Tôi vẫn luôn nghĩ mình là đứa con hạnh phúc khi được bố tặng cho món quà vô giá - những khúc ca, từ thuở chập chững tuổi mẫu giáo, qua tháng năm học trò, lên tới đại học. Một số bài hát vốn xuất phát điểm là bố viết riêng cho con gái nhỏ, lại trở thành bài ca của bạn bè cùng trang lứa với tôi một thuở và không những thế, chúng có sức sống mãnh liệt, vẫn còn theo thời gian cùng biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam”.
Chứng kiến từng ca khúc ra đời, lớn lên cùng những giai điệu đó, nhà báo Phạm Hồng Tuyến cho rằng: “Mỗi bài hát mang theo một câu chuyện phía sau, mang theo những kỷ niệm khó quên, là nỗi nhớ, là tình thương, là niềm vui, là niềm tự hào…”. Cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” dày gần 150 trang, là những mẩu chuyện về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị mà không nhiều người biết, xoay quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Trong cuốn sách, độc giả được trở về ký ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến khi 5 tuổi thu thanh bài “Đêm pháo hoa” mừng cái “Tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh”; biết được ca khúc “Trường cháu là trường mầm non” là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài “Mầm non ca” cùng với “Cả tuần đều ngoan” thân thuộc với các bé. Khi Phạm Hồng Tuyến vào lớp 1 và lớn dần lên, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại viết “Chúng em là học sinh lớp một”, “Ở trường cô dạy em thế”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Theo cánh đu bay”… Cuốn sách không chỉ chứa đựng ký ức riêng tư của tác giả Phạm Hồng Tuyến, mà còn là kỷ niệm với những người bạn đồng trang lứa, bởi nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác dành cho các bạn bè, trường lớp của con gái… Ở “Bài hát lớn lên cùng con”, mỗi câu chuyện về bài hát được kể còn là một lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Qua đó, độc giả thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh và trong sáng của người con với cha, những trang viết của nhà báo Phạm Hồng Tuyến khiến người đọc hình dung về nhạc sĩ Phạm Tuyên là một người rất gần gũi, thân thương, luôn yêu chiều cô con gái nhỏ thích hát ca, thích bày tỏ, chia sẻ… Từ đó, ông sáng tác cho con và cho tuổi thơ của biết bao thế hệ.
Bên cạnh những câu chuyện, cuốn sách còn có các hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay một số bài hát… Đặc biệt, mỗi bài hát đều được gắn một mã QR, người đọc có thể nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, trong đó, có những bài hát do chính “bé” Phạm Hồng Tuyến thể hiện khi xưa.
Nhà báo Tạ Bích Loan, một nhân vật được nhắc đến trong sách, cũng là bạn học trong những năm trung học phổ thông cùng nhà báo Phạm Hồng Tuyến, nhận xét: “Với giọng văn chân thành, cởi mở, nhà báo Phạm Hồng Tuyến gợi lên trong chính người đọc những ký ức và suy ngẫm về mình và thế hệ mình. Soi lại vào gương mặt trẻ thơ khi đọc cuốn sách này, có thể chúng ta sẽ tìm được vẻ đẹp, sức mạnh và lẽ sống”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.