(HNM) - “Chỉ còn 500m nữa là đến nhà, vậy mà tôi chôn chân ở chỗ ùn tắc này hơn 1 giờ rồi, chưa biết đến khi nào mới thoát?”. “Tôi đi từ Hải Phòng lên Hà Nội hết đúng 1 giờ 15 phút. Vậy mà từ Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) lên hồ Hoàn Kiếm, tắc 3 chặng, mất gần 3 giờ”… Đó chỉ là hai trong muôn vàn câu chuyện “cười ra nước mắt”, phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại được khi cùng "chìm" trong dòng phương tiện tại một số điểm đen về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiến không được, lùi cũng không xong
Hai câu chuyện trên là chuyện thường ngày tại các nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông như Xuân Thủy - cầu vượt Mai Dịch; Nguyễn Trãi - Trường Chinh; Láng - Lê Văn Lương… Chỉ trong một giờ chịu chung cảnh tắc đường, phóng viên Báo Hànộimới đã thấm đủ: Bức xúc, khó chịu, mệt mỏi...
Chiều 30-9, trong câu chuyện với chị Nguyễn Thúy Tâm, khu chung cư 83 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) khi cả hai cùng đứng chờ vì tắc đường ở nút giao thông Láng - Lê Văn Lương, mới thấy sự lo lắng của một người mẹ. Con gái chị học lớp 11 Trường Trung học phổ thông Kim Liên, hằng ngày tự đi học chính khóa và học thêm bằng xe đạp điện ở khá nhiều nơi: Từ đường Nguyễn Trãi ra Trường Chinh rồi lại đi qua nút giao thông đường Láng - Lê Văn Lương. Chị Tâm kể, chiều 22-9, do nhiều tuyến phố mưa to gây úng ngập, tuyến Thái Hà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển... ùn tắc cục bộ, con gái chị về nhà ướt từ đầu đến chân, khiến chị xót xa, không dám nhìn vào mắt con gái vì không biết trên gương mặt đang ướt nhoẹt kia là nước mưa hay nước mắt?
Hơn 2 năm sau khi “tậu” được căn nhà mới tại tòa chung cư CT13B Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), nỗi ám ảnh thường trực của anh Trịnh Duy Khương cũng là nỗi “thống khổ” của nhiều người dân đang hằng ngày đi lại tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến là: Ùn tắc giao thông.
Để vượt qua quãng đường 8km từ nhà tới cơ quan đúng giờ yêu cầu, mỗi ngày anh Khương phải rời nhà từ 6h30 sáng và trở về nhà buổi tối khi vợ mệt mỏi vì chờ chồng về ăn cơm và cậu con trai hơn 2 tuổi đã ngủ gật. Không ít lần, anh phải “nếm” cảm giác đói lả sau tay lái, nhìn thấy nhà mình nhưng phải đứng chôn chân, nhích từng centimet giữa biển người với những luồng giao thông xung đột tưởng chừng không có lối thoát.
Đỉnh điểm nhất có lần quên đổ xăng xe, sau gần 1 giờ cầm cự, thoát qua được đoạn đường Khuất Duy Tiến cũng là lúc xe của anh hết xăng. Cực chẳng đã, anh Khương đành phải thuê xe ôm đi mua xăng bằng can nhựa để “tiếp tế”. Sau lần đó, anh Khương luôn mua đồ ăn vặt “thủ” sẵn trên xe và bơm đầy bình xăng. Song dù cố gắng đến mấy, anh vẫn không thể cứu vãn nổi tình trạng đi ngày càng sớm, về ngày càng muộn. Giải pháp mà vợ chồng anh nghĩ tới đó là: Bán nhà tránh tắc đường!
Với cánh lái xe tải như anh Quách Văn Xuân (huyện Thanh Oai) không ngày nào không chứng kiến cảnh ùn tắc trên các tuyến đường mình đi qua. Anh nhớ như in những “điểm đen” như Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, đường 70... để chủ động “né” cho an toàn. Tuy nhiên, “chạy trời không khỏi nắng”, anh nhiều lần phải ngán ngẩm khi đứng giữa "biển" xe khổng lồ, không thể nhúc nhích. Đó là cầu Chương Dương ùn tắc kéo dài đến phố Nguyễn Sơn; nút giao Ngã Tư Sở kẹt cứng qua Khu đô thị Royal City, kéo đến tận Công ty Thuốc lá Thăng Long... Hay bốn, năm dãy xe ô tô xếp dàn hàng ngang tràn kín đường Trần Duy Hưng khiến các phương tiện muốn sang đường tại các điểm quay đầu không thể vượt qua.
Đến trường, đi làm, cứu người - đều khó
Người tham gia giao thông đứng chôn chân giữa đường, buộc phải hủy nhiều buổi học của con, lỡ nhiều cuộc họp, về nhà quá muộn... Tuy nhiên, tình cảnh của họ dường như chưa thấm là bao so với những tình huống dở khóc, dở cười, những câu chuyện đáng tiếc. Đó là những chiếc xe cứu thương 115 chịu chung cảnh đứng im không nhúc nhích, dù ở nơi nào đó có bệnh nhân đang chờ đợi từng giây, phút để được cứu sống. Đó là những ánh mắt bất lực của lực lượng cứu hỏa khi tại một tuyến phố hay con ngõ nhỏ có những đám cháy cần được dập tắt. Đó cũng là sự mỏi mệt, hay bất lực của lực lượng Cảnh sát giao thông tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc. Trong những phút cao điểm, ai sẽ là người “giải cứu” cho xe cứu thương, xe cứu hỏa thoát khỏi ùn tắc giao thông, câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải đáp?
Hiểu rõ hơn ai hết sự chờ đợi được cứu sống của bệnh nhân, các cán bộ, y, bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn “gồng” mình và làm việc đúng lương tâm của nghề. Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng chia sẻ, có những tình huống đáng buồn khi lực lượng cứu thương buộc phải đi trái đường để đến nơi xảy ra tai nạn giao thông nhưng không giúp được gì cho bệnh nhân. Cụ thể, 17h18 ngày 29-9 vừa qua, đã xảy ra tai nạn giao thông ở 321 phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) nên họ đã gọi xe cấp cứu 115. Tuy nhiên, do tắc đường cục bộ tại cây xăng Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), dù còi xe cấp cứu liên tục bấm xin nhường đường nhưng vẫn không có tác dụng. Cảm thấy bất lực, lái xe Đào Tuấn Anh đã xin tín hiệu đi trái đường. 40 phút sau, khi xe đến thì được biết, bệnh nhân không chờ được đã vừa rời đi ít phút. Lúc này đây, tâm trạng của các y tá, bác sĩ hay lái xe đều cảm giác trĩu nặng, không biết bệnh nhân đó có qua khỏi hay không?
Chia sẻ điều này, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thực tế tình hình ùn tắc đang gây khó khăn nếu xảy ra sự cố cháy nổ, hay xe cứu thương làm nhiệm vụ. Trung tá Ngọc đưa ra dẫn chứng cụ thể, trong vụ cháy xe Range Rover trên cầu Chương Dương xảy ra chiều 27-9-2020, Thượng úy Phan Đức Hùng và Nguyễn Quang Vinh, Đội Cảnh sát giao thông số 5 đã phải hỗ trợ chặn xe từ 2 phía, đồng thời liên tục cảnh báo để 2 xe cứu hỏa Công an quận Long Biên chạy ngược chiều nhanh chóng tiếp cận hiện trường làm nhiệm vụ.
Những câu chuyện buồn, tình huống khó xử lý, tâm trạng mệt mỏi luôn thường trực với mỗi người dân khi ra đường bị nhấn “chìm” trong dòng phương tiện tại các điểm ùn tắc giao thông. Câu hỏi chung của mỗi người khi tham gia giao thông lúc này đều chung nhau: Bao giờ thì mới hết khổ do tắc đường?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.