Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện nghề của những người quả cảm

Triệu Dương| 19/10/2022 07:15

(HNNN) - Những dòng thông tin ngắn ngủi về các vụ cháy nhanh chóng được khống chế, dập tắt ở đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng thường được mọi người xem là chuyện bình thường, trừ khi xảy ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Nhưng, có trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra ở hiện trường mới thấy sự gian nan, khốc liệt mà các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) phải đương đầu trong bối cảnh “mọi người chạy ra, chúng ta lao vào” khi xảy ra các vụ cháy nổ để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Không có vụ cháy nổ nào không tiềm ẩn nguy hiểm thường trực, nhưng các chiến sĩ PCCC và CHCN quả cảm vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Chỉ huy hiện trường cứu hỏa.

Không có vị trí nào nhàn cả

Trong cuộc chiến với “giặc lửa”, tình huống xử lý được tính bằng giây, nên vai trò của người chỉ huy luôn rất quan trọng. Ở mỗi tình huống đó, luôn thấy hình ảnh người chỉ huy “đứng mũi chịu sào” tay cầm bộ đàm ra mệnh lệnh xử lý tình huống, sắp xếp từng chiếc xe chữa cháy vào vị trí, nhiều khi trực tiếp trinh sát hiện trường để đưa ra quyết định có hay không cho đồng đội tiếp cận khu vực nguy hiểm...

Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Công an huyện Thường Tín là một người chỉ huy như vậy. Luôn xác định mang trên mình màu áo lính cứu hỏa vinh quang, luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ bằng những hành động thiết thực, thường xuyên bám sát cơ sở, tận tụy với công việc, có phương pháp, tác phong chỉ huy sâu sát, tỉ mỉ và nêu gương từ lời nói đến hành động, đó là nguyên tắc, phương châm làm việc của Trung tá Nguyễn Hoàng Thành.

Đơn cử như trong vụ cháy tại hộ gia đình kinh doanh chăn ga gối đệm, thảm Việt Duyên có diện tích rộng khoảng 200m2 ở đội 7, thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, xảy ra vào một ngày tháng 8 vừa qua. Đám cháy bốc cao với cột khói đen bao trùm, lại xảy ra vào lúc tinh mơ, nhiều gia đình hàng xóm nhà bị cháy còn đang say giấc nồng, nên công tác vừa cứu hỏa, vừa cứu hộ phải linh hoạt, không để xảy ra một sai sót dù là nhỏ nhất. Có mặt đầu tiên tại hiện trường, sau khi trinh sát toàn diện khu vực, Trung tá Nguyễn Hoàng Thành đã điều động cán bộ, chiến sĩ tỏa ra xung quanh để tổ chức chữa cháy từ ngoài vào trong. Anh điều động xe cứu hỏa áp sát, tận dụng nguồn nước ao hồ gần nhất... Với sự tác chiến hiệp đồng hiệu quả, đám cháy đã nhanh chóng được khoanh vùng, dập tắt, không để xảy ra thiệt hại về người.

Người làm công tác cứu hỏa thường lao động theo nhóm với phương châm “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Tưởng là vị trí nhàn nhất kíp chiến đấu, nhưng “cuộc chiến” của những người lái, vận hành chiếc xe đặc chủng như ngôi nhà di động này rất căng thẳng, bắt đầu từ tiếng còi báo động cho đến khi đám cháy được dập tắt. Khi cả tổ chiến đấu đã được nghỉ ngơi, đó lại là lúc người lái xe dọn dẹp cabin, kiểm tra các thông số kỹ thuật, bơm đầy xăng và téc nước để sẵn sàng cho “trận đánh” kế tiếp bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Ít ai biết, lái xe chữa cháy chính là người giữ nhịp điều khiển các phương tiện bơm nước, tiếp nước hoặc chuẩn bị xe thang rồi trực tiếp lên các xe thang để tiếp cận cứu người gặp nạn. Có thâm niên 11 năm lái xe tại Đội Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an huyện Hoài Đức, Trung úy Nguyễn Duy Khánh đã tích lũy được kinh nghiệm đủ để vượt qua những đoạn đường tắc, đi vào những ngõ nhỏ để tiếp cận đám cháy nhanh nhất.

Luôn “giữ lửa” trong tim

Địa bàn quận Bắc Từ Liêm rất đặc thù khi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, lại có nhiều phố nghề đi lên từ làng nghề truyền thống, địa bàn có cả khu công nghiệp, nhiều nhà cao tầng xen lẫn làng cổ... Để đấu tranh hiệu quả với “giặc lửa”, xác định “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng cháy chữa cháy” và vận dụng tư tưởng lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm đã vận dụng thành công mô hình 4 lớp trong công tác phòng cháy chữa cháy. Lớp đầu tiên là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên, kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ người chạy xe ôm đến chị bán hàng xén, lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố và cuối cùng là lực lượng Cảnh sát PCCC và CHCN, công an, quân đội phụ trách địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể...

Tất cả 4 lớp quân dân kết hợp đều được tập huấn và có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố. Nhờ đó, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, số vụ cháy do lực lượng tại chỗ xử lý chiếm tỷ lệ cao, thiệt hại do cháy nổ được hạn chế ở mức thấp nhất. Từ hiệu quả nói trên, cho đến nay, mô hình 4 lớp ở quận Bắc Từ Liêm đã được nhân rộng khắp thành phố.

Còn ở địa bàn huyện Thanh Trì, việc tăng cường huấn luyện với nội dung, phương án giả định sát với thực tiễn luôn được tiến hành để giúp lực lượng chữa cháy vững vàng hơn về kiến thức, áp dụng linh hoạt các kỹ năng phù hợp với từng tình huống khác nhau. Trung tá Nguyễn Văn Quảng, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an huyện Thanh Trì cho biết, so với các lực lượng chiến đấu khác, việc tập luyện của lính chữa cháy có phần vất vả hơn nhiều. Việc luyện tập nhuần nhuyễn các phương án chữa cháy giúp người lính PCCC và CHCN tăng cường kiến thức, kỹ năng, thể lực để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có hỏa hoạn, đồng thời cũng là bảo vệ tốt chính mình.

Giữ cuộc sống bình yên cho người dân là trách nhiệm và bổn phận của những người khoác trên mình màu áo của lực lượng Công an nhân dân. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, có những thời khắc nao lòng trước bao nỗi vất vả, hy sinh nhưng người lính cứu hỏa vẫn sẵn sàng gác lại nỗi niềm riêng tư để lao vào đám cháy cứu người. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an huyện Hoài Đức chia sẻ rằng, anh luôn tự hào với màu áo lính cứu hỏa, trong hoàn cảnh nào cũng luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nghề của những người quả cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.