Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện một già làng bên dòng Sêpôn

Văn Ngọc Thủy| 27/04/2012 06:15

(HNM) - Trời mưa mỗi lúc một to, đường đi mỗi lúc một khúc khuỷu. Nhìn cột mốc bên đường thấy còn 8km nữa mới đến xã Thanh, lại liên tiếp đọc những biển báo vùng nguy hiểm sạt lở đất, cột báo lũ… tôi thật sự thấy lo. Hai giờ chiều, chúng tôi đến được nơi cần đến. Bản A Ho của xã Thanh, huyện Hướng Hóa hiện ra khang trang hơn tôi nghĩ. Nhưng phải chờ thêm hai giờ đồng hồ nữa, chúng tôi mới gặp được người cần gặp: Già làng Pả Ai.

Tuyến đường 9 đoạn từ thành phố Đông Hà đến ngã ba chợ Tân Long huyện Hướng Hóa, Quảng Trị dài ngót 70km, xe ô tô chỉ chạy trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Nhưng từ chợ Tân Long vào đến bản A Ho của xã Thanh, huyện Hướng Hóa, chúng tôi mất đến một giờ rưỡi cho quãng đường chỉ 15km. Mưa trắng trời. Những đoạn đường rừng dốc dựng đứng thành những máng nước lớn, trút xuống cơ man nào là đất đá, cành cây khô. Con đường đã từng được trải nhựa nhiều năm trước giờ bị xe ô tô tải chở sắn làm nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cày nát; ngổn ngang ổ voi, ổ trâu, nước ngập trắng xóa, khiến người lái xe dày dạn kinh nghiệm cũng phải chùn tay. Có những đoạn, anh bạn đồng nghiệp địa phương phải xắn quần, đội mưa lội xuống dò xem ô tô có qua nổi không. Đường rừng vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới thấy một nếp nhà sàn xiêu vẹo ở lưng đồi. Vài đứa trẻ có áo không quần, chân đất, đầu tóc bù xù, đen nhẻm, ngồi trước bậu cửa ngơ ngác nhìn ra đường rồi rộn lên, khi chiếc ô tô ngang qua…

Già làng Pả Ai (áo bộ đội) cùng Bí thư Đảng ủy xã. Ảnh: Ngọc Thủy

Lưỡng quốc già làng

Lấy dòng Sêpôn để phân chia ranh giới tự nhiên của hai nước Việt - Lào, bản A Ho của xã Thanh có 2km tiếp giáp với bản Đenvilay của huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhẹt nước bạn. Từ xa xưa, nhiều người dân hai bản làng này đã có mối quan hệ dòng tộc nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng trong ấm, ngoài êm. Để có mối quan hệ thân tình giữa dân hai bản như ngày hôm nay, ông Nguyễn Đình Phục - Bí thư Đảng ủy xã Thanh khẳng định, công lớn nhất là của già làng Pả Ai. Sống ở bản A Ho nhưng Pả Ai là già làng của cả bản Đenvilay, hay nói theo các cán bộ địa phương thì ông là Lưỡng quốc già làng.

Ông chỉ nhớ mang máng rằng mình đã sống qua hơn 70 mùa trăng và có đến hơn 30 năm lội qua dòng sông Sêpôn để kết nối tình thân giữa hai bản làng heo hút. Như vậy, ông đã làm già làng từ khi còn.. khá trẻ và đến hôm nay vẫn được dân bản tin yêu, cán bộ địa phương nể trọng. Đã nghe đồng nghiệp ở Báo Quảng Trị kể nhiều về già làng Pả Ai, tôi hình dung ra một ông già rắn rỏi và nghiêm nghị. Nhưng ngay từ câu nói đầu tiên, ông đã làm tôi ngạc nhiên. Khi được hỏi: "Hằng ngày già phải làm những công việc gì, có vất vả lắm không, vợ con thế nào", già Pả Ai thật thà nói bằng giọng Kinh lơ lớ: Ban ngày bọ đi chăn bò, trồng chuối, tối lại về ngủ với mụ (vợ) thôi. Bọ có hai mụ và tám đứa con, một mụ đến tháng 8 là đẻ đấy!

Thấy tôi há hốc miệng kinh ngạc, đồng chí Bí thư xã hỏi lại bằng tiếng Vân Kiều, sau đó cười lớn và giải thích, mụ đến tháng 8 đẻ là một con bò cái trong cả đàn bò do già Pả Ai tự tay chăm sóc. Già vẫn vui tính như vậy, tất cả cán bộ xã, thôn và các đồng chí Đồn biên phòng Tam Thanh mỗi khi gặp đều gọi già là "Bố". Cũng phong cách dân dã, thân tình ấy, già trở thành đầu mối hòa giải cho mọi bất hòa của bà con thôn bản.

Muốn dân tin thì mình phải làm trước

Già làng Pả Ai tên thật là Hồ Văn Cươi, tên Pả Ai là gọi theo tục của người Vân Kiều, nghĩa là bố của Ai (người con cả). Người dân tộc Vân Kiều không có thói quen nhớ tuổi, già chỉ nhớ mình đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Tiếng Kinh học được như hôm nay cũng là nhờ những ngày già đi theo bộ đội Cụ Hồ. Thời tuổi trẻ sôi nổi của Pả Ai được ghi lại bằng tấm Huân chương Kháng chiến đã ố vàng treo trang trọng trên vách, ngay cạnh ảnh Bác Hồ và cơ man nào là bằng khen, giấy khen treo trong căn nhà sàn đơn sơ.

Hết chiến tranh, Pả Ai trở về xây dựng quê hương. Ông nhận ra người dân bản mình vẫn còn giữ nhiều thói quen lạc hậu, trong đó có tập tục chôn người chết ở "rừng ma". Theo quan niệm của người Vân Kiều, khi trong nhà có người chết, họ sẽ phải mang chôn thật xa để linh hồn không thể quay về nhà hại người sống. Chính vì vậy từ nhiều năm trước có không ít gia đình đã mang người chết sang tận bản Đenvilay chôn cất. Người Đenvilay cũng không chịu, họ lại mang người chết sang chôn ở đất A Ho, lâu dần hai bản trở thành "rừng ma" của nhau, sinh ra hiềm khích. Trở thành già làng của hai bản, câu chuyện "rừng ma" trở thành mối quan tâm lớn nhất của Pả Ai. Tập tục đã hàng trăm năm, không phải một sớm một chiều hóa giải được. Ngoài việc vận động, tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước, già làng Pả Ai tự mình làm những việc mình cho là đúng. Bố mẹ chết, rồi sau đến người vợ đầu của Pả Ai qua đời, ông đều chôn cất họ ở rẫy của mình, đặt ảnh lên ban thờ, hương khói hằng ngày. Dân bản thấy Pả Ai làm những điều cả trăm năm nay người Vân Kiều không ai dám làm thì tò mò và lo lắng lắm. Nhưng sau thấy già vẫn sống khỏe mạnh, còn cưới được vợ hai nên dần dà, nhiều người cũng làm theo ông.

Câu chuyện về Pả Ai vì thế lan khắp núi rừng Quảng Trị. Nay thì hai bản đã có hai "rừng ma" trên đất của mình, không phải lặn lội đi xa nữa. Quá khứ khép lại, rừng ma cũ từ nhiều năm trước, hai bản cùng khoanh vùng để bảo vệ cho nhau. Khi các anh bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị về thực hiện phong trào "Bản - bản kết nghĩa", già làng Pả Ai không ngại tuổi cao, nhiều lần lặn lội vượt sông Sêpôn sang bản Đenvilay, đem cái tình về cho dân hai bản.

Đến hôm nay thì không chỉ là tình kết nghĩa, A Ho và Đenvilay đã thực sự xem nhau như anh em một nhà, cùng uống chung ché rượu, cùng nhảy múa trong mùa lễ hội, trao đổi nông sản và cùng nhau giữ gìn an ninh biên giới. Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hạnh cũng như Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Phục đều không tiếc lời khen ngợi già Pả Ai, coi ông như hình mẫu một người cán bộ cơ sở gần dân, yêu dân và được dân yêu, dân tin. Với lối nói chuyện dí dỏm, chân thật, già làng Pả Ai đã biến những quy định khô khan thành các câu chuyện giản dị, hấp dẫn, từ đó tuyên truyền được các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô một cách nhẹ nhàng mà vô cùng hiệu quả.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mang họ Bác Hồ tôi đã gặp, đã biết ở vùng núi miền tây tỉnh Quảng Trị. Sau chiến tranh, dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng những người dân vùng cao tin Đảng, yêu Bác Hồ đang từng ngày xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đưa trẻ đến trường thay vì bắt đi làm nương từ khi còn nhỏ dại, người ốm được đến bệnh viện thay vì mời thầy cúng về trừ ma, những bà mẹ sinh con được đưa đến trạm xá thay vì phải dựng lều ngoài rừng đau đớn vượt cạn một mình… Vùng cao Quảng Trị sau 40 năm chiến tranh, đã có những người nông dân như vợ chồng ông Lê Đình Hoan - Hồ Thị Linh ở xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa tích cực trồng hàng trăm héc ta rừng, cung cấp cây giống cho bà con gần xa, ông Hồ Văn Hiếu xã Tà Long, huyện Đắc Rông hiến hơn 200 mét vuông đất vườn đang canh tác để xây trường mầm non… Những con người ấy đang từng ngày phủ xanh những sườn đồi, cánh rừng bị bom đạn cày nát năm xưa, xây dựng nên một Quảng Trị hôm nay no ấm và chan chứa tình đoàn kết gắn bó của bà con các dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện một già làng bên dòng Sêpôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.