Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mạnh từ “xin - cho” sang “phục vụ”

Phong Thu| 18/08/2016 06:48

(HNM) -

Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.Ảnh: Nhật Nam


Trải qua nửa hành trình thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, cái được lớn nhất là chuyển dần từ cơ chế “xin - cho” sang cơ chế “phục vụ”.

Đơn giản thủ tục hành chính, phát huy tinh thần phục vụ

Công tác CCHC giai đoạn 2011-2015 đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ và đạt kết quả trên cả 6 nội dung. Trong đó, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có nhiều chuyển biến, chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) được nâng lên rõ rệt. 5 năm qua, việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ đã cơ bản hoàn thành. Đến hết năm 2015, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa đối với 4.525/4.723 TTHC, đạt tỷ lệ 95,8%. Và quan trọng hơn, từ việc làm này, người dân, DN đã được thụ hưởng đúng quyền lợi của mình.

Dù nơi này, nơi kia vẫn còn những chuyện chưa thể làm hài lòng người dân, DN, nhưng có thể nói, cơ chế “xin - cho” đã giảm đáng kể, thay vào đó là tinh thần “phục vụ”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động cải cách TTHC, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN. Bộ Y tế cắt giảm và đơn giản hóa TTHC trong công tác khám, chữa bệnh (thời gian khám bệnh giảm được hơn 48 phút so với trước đây)...

Tại Hà Nội, tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đạt 98%. Hà Nội cũng đã thực hiện đơn giản hóa TTHC ở 8 nhóm lĩnh vực: Đầu tư, đất đai, xây dựng, vận tải, du lịch, văn hóa, công nghiệp tiêu dùng và thông tin - truyền thông. Kết quả là 114 thủ tục được đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và cắt giảm từ 1 đến 33 ngày so với quy định. Trong năm nay, Hà Nội tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 đối với TTHC lĩnh vực tư pháp tại toàn bộ các phường của 12 quận.

Hà Nội nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CCHC

Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2015 của các bộ, các tỉnh. Kết quả xếp hạng ở cấp bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước đứng vị trí thứ nhất, với chỉ số là 89,42; tiếp theo là Bộ Tài chính, Bộ GT-VT...

Các bộ có chỉ số thấp nhất là Bộ KH-CN xếp thứ 17; Bộ Công Thương xếp thứ 18 và Bộ Thông tin - Truyền thông xếp thứ 19. Ở cấp tỉnh, thành phố: Đà Nẵng dẫn đầu với chỉ số 93,31; tiếp đó là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên - Huế. 3 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Kon Tum, Cao Bằng và Điện Biên. TP Hà Nội xếp ở vị trí thứ 9.

Đây là năm thứ 5 Bộ Nội vụ công bố Chỉ số CCHC nhằm đánh giá một cách toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố.


Với hình thức DVCTT này, thời gian thực hiện giảm từ 15 ngày xuống còn 3-5 ngày, vừa mang lại thuận lợi vừa tiết kiệm chi phí cho các tổ chức và công dân. Hà Nội cũng đi đầu thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài; cắt giảm 40% thời gian giải quyết đối với TTHC về đầu tư; giảm 20% thời gian đối với TTHC về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; giảm 50% thời gian trong lĩnh vực quy hoạch... Những nỗ lực này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư vào Hà Nội.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ninh, sau 3 năm triển khai thí điểm Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đã nhận được sự hài lòng của người dân vì chỉ phải đến một địa điểm là làm được tất cả các giấy tờ liên quan, thời gian giải quyết TTHC cũng giảm trên 40% so với quy định. Theo khảo sát của tỉnh Quảng Ninh, chỉ số hài lòng của người dân về việc thực hiện giải quyết TTHC theo mô hình này
đạt 98,3%. Từ đây, Quảng Ninh đã triển khai xây dựng Trung tâm Hành chính công ở 14 địa phương trên địa bàn.
Đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, trong đó có Hà Nội về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đơn giản hóa TTHC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, đánh giá, triển khai nhân rộng. Theo Thủ tướng, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử không chỉ thực hiện được sự công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức mà còn có tác dụng tích cực đối với việc giảm biên chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.

Xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, có đạo đức

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Bộ máy còn cồng kềnh, thể chế còn phức tạp, tính công khai minh bạch còn yếu, còn thiếu; môi trường đầu tư còn kém so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới; đội ngũ CBCCVC đông nhưng chưa mạnh, còn nhiều trường hợp “xin - cho”, nhũng nhiễu dân...

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, trong giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương đưa ra nhiều giải pháp: Tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thiện việc thí điểm để tiến tới nhân rộng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại; TP Cần Thơ phát huy vai trò cấp ủy, cơ quan các cấp, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đổi mới tư duy lãnh đạo và đẩy mạnh thực hiện các mô hình CCHC theo hướng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn; TP Hà Nội thực hiện đào tạo và đào tạo lại trình độ ứng dụng CNTT cho 12.000 cán bộ để bảo đảm cơ sở dữ liệu dùng chung hoạt động hiệu quả...

Nêu rõ Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành, từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, những nơi tiếp xúc trực tiếp với dân phải đặc biệt quan tâm, tạo chuyển biến. Nói về khâu yếu nhất trong CCHC, Thủ tướng cho rằng đó là công tác cán bộ. “Trong CCHC có rất nhiều nội dung, nhưng khâu yếu nhất theo tôi là cán bộ. Cải cách thủ tục nhiều, nhưng cán bộ vẫn là vấn đề quyết định. Cán bộ chính là người thực hiện” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý: "Cán bộ phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân, phải thấm nhuần "3 xin" là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn".

Theo Thủ tướng, không thể kéo dài tư duy cái dễ thì dành cho cơ quan nhà nước, còn cái khó thì đẩy về phía người dân... Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu: Mọi cấp, ngành, cơ quan đều phải CCHC, nếu không sẽ tự thụt lùi, lạc hậu. Thời gian tới phải cải cách đồng bộ, mạnh mẽ, xóa bỏ mọi rào cản để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh xếp trong nhóm đầu ASEAN...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
Quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng hệ thống mạng lưới cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu đối với 7,5 triệu dữ liệu dân cư. Hiện đã có nhiều TTHC được thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng như: Cấp hộ chiếu; khai báo tạm trú cho người nước ngoài; tuyển sinh đầu cấp...

Từ ngày 1-9-2016, toàn bộ 1,7 triệu học sinh của Hà Nội sẽ được quản lý qua học bạ điện tử. Tháng 10-2016, toàn bộ thủ tục liên thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ nối đến cấp phường, xã.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mạnh từ “xin - cho” sang “phục vụ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.